Một điểm đặc biệt trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là không có nhiều cơ quan truyền thông tháp tùng như truyền thống các chuyến công du của các Ngoại trưởng trước.
Thay vào đó, chuyến đi này của ông Tillerson chỉ có một nhà báo tháp tùng – nữ nhà báo Erin McPike của trang tin bảo thủ Independent Journal Review.
Việc này khiến nhiều cơ quan báo chí bất ngờ và bức xúc. Hiệp hội Nhà báo Bộ Ngoại giao ra tuyên bố cho biết thất vọng vì Ngoại trưởng Tillerson không cho các nhà báo ngoại giao tháp tùng trong chuyến công du Bắc Á này.
Theo các nhà báo, việc này không chỉ phá vỡ truyền thống hàng thập kỷ của ngoại giao Mỹ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc đưa tin về chính sách đối ngoại Mỹ. Một số nhà báo kỳ cựu còn xem đây là sự sỉ nhục.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo (Nhật) tối 15-3. Ảnh: AP
Independent Journal Review không có nhiều thành tích đưa tin về chính sách đối ngoại. Nữ nhà báo McPike sinh năm 1983, từng làm cho CNN, Real Clear Politics và National Journal, chưa từng có bài viết nào về các chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ. Hai tuần trước nhà báo McPike có viết một bài về chiến lược của ông Tillerson để giúp hoạt động của Bộ Ngoại giao hiệu quả hơn.
Chiếc Boeing 737 chở Ngoại trưởng Rex Tillerson công du châu Á đủ khả năng chở nhiều phóng viên, tại sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo (Nhật) tối 15-3. Ảnh: AP
Ngày 15-3, đối mặt với các câu hỏi gay gắt từ các nhà báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói nhà báo McPike được chọn từ cả một nhóm quan chức “nhằm chuyển tải cách nhìn khác về cách truyền thông Mỹ đưa tin về ngoại trưởng”.
Trước đó Bộ Ngoại giao nói rằng ông Tillerson sẽ không mang theo nhiều nhà báo vì sẽ đi bằng máy bay nhỏ để tiết kiệm tiền.
Lý do này không thuyết phục, vì thông thường các cơ quan báo chí đều chịu phần chi phí cho nhà báo của mình khi họ tháp tùng các chuyến đi của các ngoại trưởng trước. Và thực tế ông Tillerson sau đó bay sang châu Á bằng chiếc Boeing 737 – có khả năng chở tới 111 người.