Sản xuất của Trung Quốc bùng nổ
Năm nay vốn là năm mà lĩnh vực xuất khẩu máy móc của Trung Quốc bắt đầu đình trệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhiều quốc gia như Nhật hối thúc các công ty chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Vào cuối tháng 1 năm nay, đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt các nhà máy của Trung Quốc.
Tuy nhiên ngược lại, ngành sản xuất của Trung Quốc đã bùng nổ trở lại.
Theo The New York Times (NYT-Mỹ), sau khi khởi động lại vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, các nhà máy Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu chớp nhoáng và đà tăng vẫn đang tiếp tục lên cao. Trong tháng 7, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao thứ hai trong lịch sử, gần bằng với mức cao kỷ lục trong dịp Giáng sinh vào tháng 12 năm ngoái. Mùa hè này, Trung Quốc đã giành được thị phần toàn cầu lớn hơn từ các nước sản xuất khác và củng cố vị trí thống lĩnh trong giao dịch thương mại. Lợi thế này có thể tiếp tục kéo dài sau khi thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch.
Trung Quốc đang cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu máy móc của họ không hề bị chững lại bởi các tác động hiện nay như đại dịch hay thuế quan.
NYT cho hay, khả năng phục hồi của ngành này ở Trung Quốc không chỉ nhờ vào nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp và cơ sở hạ tầng hiệu quả, mà còn do hệ thống ngân hàng quốc doanh đã và đang cung cấp thêm các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đối phó với dịch bệnh.
Công nhân Trung Quốc làm việc trong nhà máy sản xuất loa xuất khẩu. Ảnh: NYT
Dịch bệnh lần cũng đặt Trung Quốc vào vị thế có lợi hơn so với các nước xuất khẩu khác. Họ đang sản xuất những thứ mà các bệnh viện và nhiều gia đình trên khắp thế giới cần: Thiết bị bảo hộ cá nhân, đồ dùng gia đình và một số lượng lớn thiết bị điện tử tiêu dùng.
Đồng thời, nhu cầu đối với nhiều mặt hàng giá cao xuất khẩu từ Mỹ và châu Âu đã giảm xuống, chẳng hạn như máy bay phản lực Boeing và Airbus. Hơn nữa, ngoài Trung Quốc, hầu hết các nền kinh tế hiện đều đang suy thoái và nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của hầu hết các nước đang phát triển cũng sụt giảm, đặc biệt là dầu mỏ.
Ngoài ra, các gia đình bị mắc kẹt trong nhà trên khắp thế giới đang trang trí lại nhà cửa. Họ mua tất cả các loại sản phẩm, từ màn hình máy tính, hệ thống âm thanh đến dụng cụ điện và lắp ráp phòng xông hơi tại nhà - trong đó, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc.
Hongyuan Furniture, nằm ở phía Nam thành phố Quảng Châu, đã tăng hơn gấp đôi đơn đặt hàng xuất khẩu cho thiết bị phòng xông hơi gia đình trong năm nay, điều này cho phép họ thuê thêm 50 công nhân.
Không xa về phía Nam của thành phố Trung Sơn, Star Rapid đã thu được lợi nhuận nhờ sản xuất vỏ robot và nhanh chóng chế tạo các mô hình công nghệ cao.
Cách đó về phía Tây, tại Trueanalog, từng dãy công nhân đang cẩn thận lắp ráp loa cung cấp cho các phòng thu âm chuyên nghiệp của Mỹ. Trung Quốc hiện đang thống lĩnh về mặt sản xuất các linh kiện dùng để lắp ráp loa trên thế giới - cho dù đó là nam châm, màng loa hay cao xu xốp.
"Trung Quốc có chuỗi cung ứng lớn nhất về các linh kiện cần thiết để sản xuất loa và nước này cũng có nguồn lao động rẻ và ổn định nhất", Philip Richardson, một cổ đông của Trueanalog cho biết.
Giành vị trí thống lĩnh toàn cầu
NYT nhận định, năng lực xuất khẩu máy móc của Trung Quốc khiến nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại trở nên khó khăn hơn. Ông Trump gọi thâm hụt này là bằng chứng cho thấy các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc gây tổn hại cho Mỹ và trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc về vấn đề này.
Tháng 1 năm ngoái, Trung Quốc hứa hẹn sẽ tăng mạnh hàng nhập khẩu từ Mỹ như một phần của thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kinh tế đang kéo dài và ngày càng gay gắt nhưng việc mua hàng thực tế đã không đạt yêu cầu.
Một nhà máy ở miền nam Trung Quốc sản xuất các bộ phận bằng thép được các nhà sản xuất khác sử dụng. Ảnh: NYT
Hongyuan cho biết mặc dù đã phải đối mặt với mức thuế 25% tại Mỹ trong hai năm qua nhưng họ vẫn chưa gặp phải bất kỳ sự cạnh tranh mới nào từ các nhà sản xuất phòng xông hơi gia đình khác. Hongyuan cũng có thể tìm thấy hàng chục nhà cung cấp trong vòng một giờ lái xe và các doanh nghiệp này đang cạnh tranh khốc liệt để sản xuất cửa kính và bản lề giá rẻ với chi phí thấp nhất.
Do đó, Hongyuan có đủ khả năng để nhập khẩu gỗ từ Canada, sau đó cắt gọt, đánh bóng, lắp ráp thành phòng xông hơi gia đình, rồi vận chuyển toàn bộ thiết bị trở về bên kia Thái Bình Dương.
Rachel Wang, Giám đốc xuất khẩu của công ty cho biết: "Ngay cả khi áp thuế 25%, chi phí cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc vẫn thấp hơn".
Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của công ty tư vấn và dữ liệu toàn cầu IHS Markit, Rajiv Biswas bình luận, lợi thế về chi phí này đã giúp Trung Quốc tăng tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay lên gần 20%, cao hơn mức 12,8% của năm 2018 và 13,1% của năm ngoái.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý đầu tiên của năm nay, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm thị phần xuống 11%.
Nhưng hiện nay xuất khẩu của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực dường như mạnh mẽ trở lại, Mùa hè này, đặc biệt trong tháng 7, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Theo giới phân tích, xuất khẩu của Trung Quốc luôn được thúc đẩy bởi đồng Nhân dân tệ. Trong những tháng gần đây, Nhân dân tệ chỉ tăng giá nhẹ so với Đô la Mỹ. Kể từ đầu tháng 5, bất chấp suy thoái kinh tế nghiêm trọng của Châu Âu, tỷ giá hối đoái của Nhân dân tệ sang Euro đã giảm 6%.
Các nhà kinh tế nước ngoài nghi ngờ rằng chính phủ Trung Quốc đang sử dụng sự kiểm soát chặt chẽ của họ đối với hệ thống tài chính trong nước để giữ cho đồng Nhân dân tệ ở mức yếu.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố vào tuần trước Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, nước này không thao túng tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ nhưng họ cũng cho biết, họ sẽ nỗ lực để duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái.
Ngoài ra, lợi thế của Trung Quốc không chỉ nằm ở sự sụt giảm của tiền tệ. Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc phủ khắp 700 thành phố trong mười năm. Nước này còn có một lực lượng lao động dồi dào, một văn hóa làm việc tăng ca và một liên đoàn lao động được quản lý chặt chẽ.
Robert Gwynne, một chuyên gia trong ngành đóng giày và xuất khẩu Quảng Đông, cho rằng sẽ không nhanh hay dễ dàng để Mỹ và các nước khác lấy lại sức cạnh tranh và cạnh tranh với Trung Quốc.
"Để lấy lại lợi thế", ông nói. "Họ sẽ mất từ 20 đến 30 năm, tùy thuộc vào lĩnh vực đang hoạt động".
Điều chắc chắn là vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi địa chính trị, chẳng hạn như các quốc gia yêu cầu doanh nghiệp nước mình chuyển một phần chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang những nơi khác. Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu làm điều này. Các chính phủ châu Âu, chẳng hạn như Pháp, cũng bắt đầu đi theo hướng tương tự, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp vật liệu y tế. Các công ty lớn có khả năng thiết lập chuỗi cung ứng mới ở những nơi khác, chẳng hạn như Foxconn hay Apple, đang tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến nhiều chuyến bay bị hủy bỏ khiến công tác hậu cần bị chậm lại, cho phép Trung Quốc tạm thời tránh đối mặt với hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhà máy sang các nước khác. Do nhu cầu toàn cầu sụt giảm, nhiều công ty đa quốc gia phải cắt giảm đầu tư nên sẽ không có nhiều tiền để thành lập doanh nghiệp mới ở những nơi khác.
Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc cho biết: "Trong thời kỳ suy thoái toàn cầu, các công ty sẽ không thoái vốn, trừ phi bị các rào cản thương mại ép buộc. Các công ty thà đóng cửa các nhà máy hiện có hơn là mở các nhà máy mới".