Chiều hôm nay - 23/1/2018, có lẽ không chỉ người Việt Nam mà cả Đông Nam Á sẽ cùng dõi theo bóng dáng các chiến binh áo đỏ U23 Việt Nam chiến đấu trong trận bán kết giải U23 châu Á.
Tính đến thời điểm này, những gì đội tuyển của chúng ta làm được đã là một kỳ tích. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào trận bán kết của một giải đấu mang tầm cỡ châu lục, và tràn ngập hy vọng viết tiếp lịch sử khi tinh thần đang lên ngút trời.
Nhưng bạn biết không, kỳ tích của Việt Nam được lập trong tiết trời chỉ vỏn vẹn 3 độ C thôi.
Nói có sách, mách có chứng. Khi quật ngã Iraq, chúng ta thi đấu trên SVĐ Giang Tô, Trung Quốc, với nhiệt độ chỉ 3 độ C. Và ngày hôm nay, trận chiến với Qatar sẽ diễn ra tại sân Thường Châu, và nhiệt độ cũng chỉ dừng ở mức 3 - 4 độ C mà thôi.
U23 Việt Nam tại Thường Châu, với nhiệt độ dừng ở mức 4,4 độ C
Nhiệt độ 3 - 4 độ C không phải quá thấp, vì thế giới đã từng chứng kiến những trận cầu diễn ra với tuyết rơi dày đặc, đến mức chỉ cần gió mạnh hơn một chút là đủ để hoãn trận rồi.
Nhưng với người Việt Nam - một quốc gia vốn quen với nắng ấm và một mùa đông không đến mức quá lạnh (ngoại trừ các tỉnh vùng núi phía Bắc) - thì đây quả là một thách thức không nhỏ.
Các vận động viên chịu ảnh hưởng thế nào khi thi đấu trong trời lạnh
Cũng cần nhắc luôn rằng nhiệt độ 3 - 4 độ C không phải quá khắc nghiệt so với sức chịu đựng, vì con người vẫn sinh sống được ở những khu vực thường xuyên xuống tới hàng chục độ âm.
Tuy nhiên, nhiệt độ này cũng chạm tới giới hạn khả năng sinh hoạt bình thường của con người rồi, vì con người có thể sống trong điều kiện nhiệt độ môi trường dao động từ 5 - 35 độ C (theo báo cáo của NASA vào năm 1958).
Thi đấu trong thời tiết lạnh, cũng đồng nghĩa với việc thi đấu trong một điều kiện áp lực rất lớn về mặt vật lý. Áp lực này tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể chúng ta.
Đầu tiên, cơ bắp bị lạnh cũng có nghĩa là hiệu quả vận động kém hơn. Mỗi lần cơ bắp cử động, đó là một chuỗi các phản ứng hóa học xảy ra. Và mọi phản ứng thì đều chậm hơn trong tiết trời lạnh - theo tiến sĩ Jonathan Finoff - giám đốc y tế tại thể thao tại tổ chức Mayo Clinic.
"Tế bào thần kinh sẽ truyền đi các tín hiệu đến não bộ, nhưng tốc độ truyền sẽ chậm hơn khi trời lạnh, nghĩa là cơ thể phản ứng cũng chậm hơn." - Finoff cho biết.
"Cơ bắp của bạn sẽ ì ạch hơn, và không thể hoạt động nhanh nhẹn được nữa. Vì máu và dinh dưỡng phân bổ chậm hơn, cơ bắp cũng không có đủ năng lượng để hoạt động."
Cơ bắp bị lạnh và co cứng cũng làm tăng nguy cơ chấn thương hơn vì cơ dễ rách, và điều này làm tăng áp lực khi thi đấu dưới tiết trời lạnh.
Nguy cơ chấn thương cũng cao hơn (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, tổng thể thành tích của các vận động viên cũng bị ảnh hưởng. Trong một chương trình của ESPN, các chuyên gia đã thử kiểm tra điều này. Kết quả cho thấy, áp lực lên hệ trao đổi chất của cơ thể các vận động viên tăng lên, bao gồm cả áp lực đến tim nữa.
Lý do là vì cơ thể phải hoạt động nhiều hơn để giữ ổn định thân nhiệt, và nó đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để sinh nhiệt. Tất nhiên, sức bền vì thế cũng giảm đi nhiều.
Một điểm quan trọng khác khi thi đấu trong tiết trời lạnh, đó là chúng ta không thể chuẩn bị trước được. Nếu là trong nhiệt độ cao, vận động viên có thể liên tục tập luyện trong điều kiện như vậy từ trước để làm quen. Trong khi đó với nhiệt độ lạnh, việc chuẩn bị như vậy không mang lại hiệu quả tích cực.
"Việc thích nghi trong trời lạnh rất khó xảy ra, chậm hơn rất nhiều so với khi tập trong trời nóng." - James Carter, giám đốc Viện khoa học thể thao Gatorade cho biết.
Tất nhiên, vẫn có cách để các vận động viên hạn chế ảnh hưởng của thời tiết lạnh. Theo Carter, việc quan trọng nhất là không được phép để cơ bắp mất nhiệt, do đó phải khởi động thật kỹ. Một số đội còn bắt các VĐV đạp xe nhằm làm nóng cơ thể trước khi bắt đầu chính thức tập luyện.
Đội tuyển Việt Nam có một đội ngũ y bác sĩ giỏi, nên chúng ta có thể yên tâm về điều này. Nhưng rõ ràng, những khó khăn đội tuyển U23 Việt Nam đã phải trải qua giúp chúng ta thêm trân trọng thành công họ. Những chiến binh đã phải chiến đấu quá vất vả rồi.
Nguồn tham khảo: Accuweather, Quora