Sàn chứng khoán ở các nước gặp lỗi: Tổng giám đốc phải từ chức, sở bị phạt tiền

Đức Quyền - Song Ngọc |

Hệ thống giao dịch chứng khoán bị gián đoạn là vấn đề nghiêm trọng, gây ra những bất tiện và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc quy trách nhiệm và xác định nguyên nhân để khắc phục được cơ quan quản lý ở các nước hết sức coi trọng.

Nhật Bản: Hệ thống lỗi một ngày, Tổng giám đốc sở nghỉ việc

Một trong những vụ lỗi hệ thống giao dịch nghiêm trọng gần đây xảy ra vào ngày thứ Năm, 1/10/2020 tại Nhật Bản. Do trục trặc bất ngờ về phần cứng, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đã phải đóng cửa nguyên ngày – sự kiện chưa từng có tiền lệ tại thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới.

Theo Bloomberg, sự cố tại TSE đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nhà đầu tư khi xảy ra vào đúng ngày đầu tiên của quý, đồng thời là ngày đầu của nửa sau năm tài chính ở Nhật Bản. Thanh khoản giao dịch trong ngày này thường rất cao do các quỹ điều chỉnh danh mục định kỳ.

Kết quả cuộc thăm dò kinh doanh hàng quý (Tankan) do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện – một trong những số liệu kinh tế được theo dõi nhất đất nước mặt trời mọc - cũng được công bố 10 phút trước thời điểm mà lẽ ra thị trường phải mở cửa.

Ông Koichiro Miyahara – Tổng Giám đốc của TSE nói trong cuộc họp báo cùng ngày ở Tokyo: "Chúng tôi đã gây ra nhiều phiền toái cho các thành viên thị trường, nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi sẽ làm việc hết sức để ngăn sự cố tái diễn".

Cơ quan Giám sát Tài chính Nhật Bản (FSA) nói trong một thông cáo: "Việc sàn Tokyo phải đóng cửa nguyên một ngày đã làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư", đồng thời yêu cầu TSE phải làm rõ trách nhiệm.

Sàn chứng khoán ở các nước gặp lỗi: Tổng giám đốc phải từ chức, sở bị phạt tiền - Ảnh 1.

Ông Koichiro Miyahara - Tổng Giám đốc TSE trong cuộc họp báo chiều 1/10/2020. Cuối tháng 11, ông từ chức. (Ảnh: Bloomberg).

Ngay trong chiều 1/10, ban lãnh đạo TSE tổ chức họp báo để thông tin về vụ việc, thảo luận các vấn đề phức tạp như kiến trúc hệ thống bằng ngôn ngữ rất chuyên ngành.

Người đứng đầu TSE thẳng thắn nhận lỗi về mình, không đổ lỗi cho công ty thiết kế hệ thống là Fujitsu và không yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Miyahara cho rằng Fujitsu nên cảm thấy có "trách nhiệm to lớn" trong vụ việc.

Ngày hôm sau, 2/10, TSE mở cửa trở lại và giao dịch diễn ra suôn sẻ. Ngày 30/11/2020, ông Miyahara từ chức Tổng Giám đốc TSE. Ông Akira Kiyota – Tổng Giám đốc công ty mẹ của TSE đã kiêm nhiệm chức vụ mà ông Miyahara để lại.

Theo Reuters, bản thân ông Kiyota bị trừ 50% lương trong 4 tháng, hai lãnh đạo khác cũng bị trừ 20% và 10% lương.

"Tôi thực sự lấy làm tiếc khi sự cố xảy ra tại sàn giao dịch lớn nhất đất nước, đúng lúc Nhật Bản đang cố gắng nâng cao vị thế trung tâm tài chính toàn cầu", ông Kiyota nói năm 2020.

Năm 2005, một Tổng Giám đốc khác của TSE là ông Takuo Tsurushima cũng từ chức sau hai sự cố. Lần thứ nhất, TSE không ngăn chặn được một lệnh giao dịch bị nhập sai, khiến công ty chứng khoán Mizuho Securities chịu thiệt hại 333 triệu USD.

Lần thứ hai, hệ thống của TSE gặp lỗi khiến cho một phiên giao dịch bị gián đoạn, chỉ diễn ra trong 90 phút cuối ngày.

Mỹ: Thi thoảng lỗi một hôm; sở giao dịch từng bị phạt 10 triệu USD

Ngày 8/7/2015, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đột ngột dừng giao dịch lúc 11h32. Sau 3,5 giờ gián đoạn, đến 15h10 cùng ngày, giao dịch được nối lại. Nguyên nhân được lãnh đạo NYSE công bố là "vấn đề kỹ thuật nội bộ", không phải "tấn công từ bên ngoài".

Trước đó vào năm 2009, NYSE có phiên phải đóng cửa sớm 15 phút để "xử lý các lệnh của khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự bất thường trong hệ thống.

Ngày 1/6/2005, sàn ngừng giao dịch lúc 15h56 – sớm 4 phút so với quy định vì "vấn đề liên lạc trong hệ thống".

Ngày 8/6/2001, giao dịch bị gián đoạn từ 10h10 đến 11h35 vì "vấn đề kết nối giữa các hệ thống máy tính".

Theo Livemint, trong thập niên 1990, NYSE ghi nhận 5 lần xảy ra lỗi vì các lý do khác nhau, từ cháy nổ cho tới trục trặc máy móc.

Một phiên vào tháng 10/1998, giao dịch phải tạm dừng trong gần một tiếng từ 13h16 đến 14h15 vì lỗi máy tính.

Một phiên tháng 12/1995, thời gian mở cửa bị chậm một giờ đồng hồ đến 10h30 cũng vì trục trặc máy tính.

Sáng 22/10/1991, giao dịch bị gián đoạn trong 24 phút vì sụt điện.

Năm 1990, NYSE hai lần bị gián đoạn giao dịch. Lần đầu vào tháng 11 khi một vụ cháy trong hệ thống điện khiến thời gian mở cửa bị lùi lại một giờ. Lần thứ hai xảy ra sau đó một tháng khi một máy biến áp Con Edison phát nổ bên ngoài tòa nhà NYSE, khiến thời gian mở cửa bị hoãn đến 11h sáng.

Một sàn chứng khoán khác tại Mỹ là Nasdaq cũng đã vài lần phải tạm ngừng giao dịch vì nhiều lý do "khó đỡ".

Ngày 10/12/1987, một con sóc cắn đứt dây điện tại trụ sở của sàn Nasdaq ở thị trấn Trumbull, bang Connecticut, khiến cho giao dịch gián đoạn trong 82 phút.

Gần 7 năm sau, vào ngày 2/8/1994, một con sóc hoang khác lại khiến cho Nasdaq "đang vui thì đứt dây điện". Hệ thống dự phòng không tự động vận hành như thiết kế, dẫn tới giao dịch bị gián đoạn 34 phút.

Sàn chứng khoán ở các nước gặp lỗi: Tổng giám đốc phải từ chức, sở bị phạt tiền - Ảnh 2.

Sóc hoang hai lần làm sàn Nasdaq "tắt điện". (Ảnh minh họa: New York Times).

Tin buồn là cả hai con sóc đều chết thảm và uy tín của Nasdaq bị "gặm nhấm" nghiêm trọng.

Suy cho cùng thì Nasdaq luôn đặt mục tiêu cạnh tranh với gã khổng lồ NYSE trong việc thu hút các đại gia công nghệ như Intel và Microsoft đến niêm yết. Nếu hạ tầng công nghệ của chính Nasdaq không thể chống chịu nổi một con sóc thì làm sao các doanh nghiệp khác yên tâm "chọn mặt gửi vàng" và đưa cổ phiếu tới đây giao dịch?

May mắn là từ sau vụ việc năm 1994 đến nay, sàn Nasdaq chưa có lần nào khác "đơ" vì sóc cắn.

Tuy nhiên vào năm 2012, Nasdaq bị chỉ trích nặng nề vì để xảy ra hàng loạt vấn đề trong ngày IPO của Facebook. Thời điểm bắt đầu giao dịch chậm 30 phút mà không có thông báo trước, nhiều nhà đầu tư đặt lệnh hợp lệ nhưng không được khớp, nhiều người khớp mua với giá cao hơn giá đặt, …

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phạt Nasdaq 10 triệu USD vì "hệ thống lởm và ra quyết định yếu kém" trong vụ IPO Facebook.

Ấn Độ: Sàn lỗi hai ngày, Bộ trưởng tài chính nói "thiệt hại khổng lồ"

Trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020, Sàn Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE) là thị trường phái sinh lớn nhất thế giới tính theo số hợp đồng giao dịch, vượt mặt các đối thủ sừng sỏ như CME của Mỹ hay Tokyo Commodity Exchange của Nhật Bản.

Sáng 24/2/2021, từ khoảng 10h08, các chỉ số làm cơ sở cho giao dịch hợp đồng phái sinh ngừng cập nhật giá trị theo thời gian thực, gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Phải đến 11h30, NSE mới ra thông báo chính thức, cho biết giao dịch sẽ tạm ngừng từ 11h40. Đáng chú ý, trục trặc xảy ra khi chỉ còn một ngày nữa là đến ngày đáo hạn nhiều hợp đồng phái sinh hàng tháng.

Sàn chứng khoán ở các nước gặp lỗi: Tổng giám đốc phải từ chức, sở bị phạt tiền - Ảnh 3.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman. (Ảnh: Getty Images).

Đến 15h17 cùng ngày, NSE đột ngột thông báo thị trường sẽ hoạt động bù trở lại từ 15h45 đến 17h00 cùng ngày. Nếu NSE ra thông báo trước 15h, ảnh hưởng tới nhiều nhà đầu tư chắc hẳn đã nhỏ hơn rất nhiều.

Lỗi giao dịch cùng với kiểu thông tin giật cục của NSE đã khiến cho nhiều công ty thiệt hại lớn vì phải thanh lý vị thế. Ngày hôm sau, 25/2, NSE lại đóng cửa vì hệ thống không thể vận hành hết tính năng.

Ngày 1/3 vừa qua, bà Nirmala Sitharaman – nữ Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ phải thừa nhận rằng: "Lỗi giao dịch này đã khiến Ấn Độ thiệt hại khổng lồ".

Việt Nam: HOSE lỗi ba tháng liền, chưa ai xin lỗi nhà đầu tư

Từ tháng 12/2020 trở lại đây, Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) liên tục gặp phải tình trạng đơ, nghẽn lệnh vào phiên buổi chiều khi giá trị giao dịch chạm ngưỡng 14.000 - 15.000 tỷ đồng.

Thời gian khớp lệnh liên tục lẽ ra tới 14h30 mới kết thúc nhưng chỉ đến khoảng 13h30 - 14h00 là hệ thống của HOSE ngừng nhận lệnh gần như hoàn toàn, chỉ có một số rất ít giao dịch được khớp.

Trong khi các sự cố ở Mỹ, Nhật, Ấn Độ như nhắc đến ở trên được khắc phục sau vài phút, vài giờ hay quá lắm là vài ngày thì ở Việt Nam, thời gian phải đo bằng tháng mà vẫn chưa xử lý xong. Các lãnh đạo HOSE cũng chưa một lần lên tiếng chịu trách nhiệm hay xin lỗi nhà đầu tư.

Khi sàn NSE của Ấn Độ gặp lỗi hai phiên, Bộ trưởng Tài chính nước này đã phải nói đến "thiệt hại khổng lồ".

Khi sàn TSE của Nhật Bản đóng cửa một phiên, cơ quan quản lý đã thừa nhận "làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin của nhà đầu tư".

Vậy khi HOSE lỗi suốt ba tháng thì ảnh hưởng với Việt Nam còn lớn đến đâu? Phải dùng từ ngữ nào để diễn tả?

Sàn chứng khoán ở các nước gặp lỗi: Tổng giám đốc phải từ chức, sở bị phạt tiền - Ảnh 4.

Một người đàn ông đứng bên ngoài trụ sở HOSE. (Ảnh: Bloomberg).

Trước tiên, bản thân HOSE và ngân sách Nhà nước chịu thiệt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vì thất thu phí.

Nhà đầu tư càng bức xúc hơn khi không thể giao dịch theo ý muốn. Thấy cổ phiếu rẻ nhưng không thể mua vào, thấy giá đạt kỳ vọng nhưng không thể bán ra, không thể chốt lời hay cắt lỗ vào phiên chiều, ...

Nhưng có lẽ cái hại lớn nhất là về sự suy sụp niềm tin của nhà đầu tư. Đã có bao nhiêu người bỏ HOSE để sang HNX và UPCoM, hoặc thậm chí nghỉ hẳn chứng khoán, vì nghẽn lệnh? Đã có bao nhiêu nhà đầu tư, trong nước cũng như ngoài nước, định gia nhập thị trường nhưng thấy sàn lỗi liên tục nên lại thôi? Việc khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD trong mấy tháng qua cũng không loại trừ khả năng xuất phát từ lo ngại lỗi giao dịch.

Trong những phiên đỏ lửa như 19/1 hay 28/1, bảng điện không còn hiển thị đúng giá theo thời gian thực, nhà đầu tư mua bán tù mù, cộng thêm nỗi lo hệ thống HOSE sắp đến ngưỡng quá tải nên đã liên tục đặt các lệnh MP để bán tháo bằng mọi giá. Vì thế mà đà lao dốc của thị trường càng thêm trầm trọng và người thiệt hại cũng vẫn là nhà đầu tư.

Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào cuối năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.

Tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam có gần 2,92 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương mục tiêu 3% dân số theo Đề án, không phải con số cao bất ngờ.

Vậy tại sao hệ thống của HOSE không đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư? Các cơ quan quản lý ngành chứng khoán đã làm gì để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng cũng như "dọn ổ đón đại bàng ngoại" khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế?

Đâu đó vẫn có người lạc quan tếu theo kiểu: May mà HOSE tắc nghẽn, lệnh không khớp, nên tôi tránh bán đúng đáy, hoặc không mua trúng đỉnh.

Dù đây chỉ là lời nói đùa nhưng cũng cần làm rõ rằng nhiệm vụ của HOSE không phải là chọn điểm mua-bán giúp cho nhà đầu tư mà là đảm bảo giao dịch được thông suốt và minh bạch.

Nếu hệ thống hoạt động trơn tru, khớp lệnh nhịp nhàng thì tức là HOSE đã làm tốt nhiệm vụ của mình, nhà đầu tư dù lãi hay lỗ cũng không có lý do gì để oán trách sàn giao dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại