Săn cá mát ở thượng nguồn suối A Tang

Đức Nghĩa |

Thượng nguồn suối A Tang (Quảng Trị) với vô vàn hố vũng sâu hoắm, ít dấu chân người lui tới là lý tưởng để loài cá mát (còn gọi cá niên) sinh sống.

Suối A Tang len lỏi giữa những cánh rừng già của xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị . Vừa qua, có dịp vào bản 8 nhà, thuộc thôn Ba Lin (xã A Vao), chúng tôi may mắn được cư dân địa phương dẫn đi săn cá mát (một số nơi gọi là cá niên) ở dưới con suối này.

Theo ghi nhận, nước ở suối A Tang rất trong xanh. Dọc theo suối có vô vàn thác nước, hố vũng sâu hoắm - là nơi sinh sống của nhiều loài cá đặc sản như chình, mát, sao. Cư dân ở bản 8 nhà săn các loài cá này bằng các phương pháp thô sơ như nỏ, câu, lưới, chài… Cá sau khi săn được chủ yếu để phục vụ ăn uống hằng ngày chứ không mang ra bên ngoài để bán.

Cũng phải nói thêm, bản 8 nhà nằm cách biệt giữa rừng, muốn ra bên ngoài phải di chuyển với quãng đường gần 5 km. Các loại phương tiện như xe đạp, xe máy không thể vào đến bản này, vì đường đi cheo leo.

Nhớ hôm ấy, anh Hồ Cu Chang (37 tuổi), tay lưới, tay rựa dẫn chúng tôi đi dọc theo suối A Tang. Sau khi dừng chân tại một một thác nước sâu với đá ghềnh trắc trở, Cu Chang bảo chúng tôi hãy "ngậm tăm", quan sát.

Săn cá mát ở thượng nguồn suối A Tang - Ảnh 1.

Nắng bắt đầu xuyên qua tán rừng, rọi xuống thác nước. Cá Mát ra lúc này bơi khỏi hang đá, từng đàn lởn vởn dưới mặt nước. "Cứ thấy động là cá mát bơi vào hang ngay. Chỉ lúc yên tĩnh chúng mới bơi ra ngoài để ăn rong rêu" - Cu Chang giải thích.

Sau khi thả lưới xung quanh thác nước, Cu Chang lên bờ và đốn cây nứa dài 2 m, to bằng đầu ngón chân rồi dùng một mảnh lưới nhỏ cột chặt vào ngọn. Anh lại nhảy ùm xuống nước và dùng cây nứa thọc sâu vào từng hang đá. Phao lưới bắt đầu động đậy, đây là dấu hiệu cá mát dính lưới.

Săn cá mát ở thượng nguồn suối A Tang - Ảnh 2.

Cá mát bắt trên thượng nguồn suối A Tang

Săn cá mát ở thượng nguồn suối A Tang - Ảnh 3.

Cá mát và lá chua

Cu Chang nói loài cá mát rất khôn, khó dính vào lưới. Bao đời nay sống biệt lập giữa rừng nên người dân bản 8 nhà đã "phát minh" ra tuyệt chiêu săn loài cá đặc sản này.

"Cá sau khi vào hang sẽ ở yên trong đó, dùng cây xua đuổi nó không chịu ra đâu. Vì vậy mình phải cột thêm tấm lưới nhỏ ở ngọn, thấy lưới là cá mát hoảng sợ, bơi ra khỏi hang ngay. Cá vì thế sẽ dính vào lưới mà mình giăng sẵn trước cửa hang" - Cu Chang bật mí.

Săn cá mát ở thượng nguồn suối A Tang - Ảnh 4.

Cá mát bắt ở suối A Tang

Hôm đó, chúng tôi săn được hơn 1 kg cá mát. Một số Cu Chang mang nướng, còn lại nấu canh với lá chua mọc bên suối A Tang. Cu Chang bảo cá mát không những nướng, nấu canh mà nấu món gì ăn cũng ngon.

Cá mát bây giờ là đặc sản, được bán với giá 300 - 500 ngàn đồng/kg, tuy nhiên không phải lúc nào mua cũng có. Do nguồn nước ô nhiễm nên cá mát bây giờ chỉ sống ở thượng nguồn khe suối trong tận rừng sâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại