Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải đề án thành lập đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại sân bay quốc tế Vân Đồn.
Đây là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hàng không, qua đó bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về hàng không tại sân bay. Trước đó, tháng 4-2017, Sun Group đã thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Đồn để khai thác sân bay.
Là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT, vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng, sân bay quốc tế Vân Đồn sẽ do doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vận hành, khai thác, thay vì trực thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đây là điểm khác biệt của sân bay Vân Đồn với 21 sân bay đang hoạt động trong cả nước.
Tuy nhiên, hoạt động điều hành bay, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại sân bay Vân Đồn vẫn do nhà nước thống nhất quản lý theo quy định.
Trong đó, đối với hoạt động điều hành bay, Sun Group chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ công trình xây dựng bảo đảm hoạt động bay theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế.
Sau đó, chuyển giao toàn bộ tài sản cho Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì và đầu tư phát triển theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Riêng giá dịch vụ hàng không tại sân bay Vân Đồn sẽ được xác định trên cơ sở phương án tài chính của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các điều khoản quy định trong hợp đồng BOT, bảo đảm thu hồi vốn đầu tư, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình thị trường.
Theo thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay quốc tế Vân Đồn, mạng bay quốc tế chủ đạo được khai thác trong giai đoạn đến năm 2020 tập trung vào khu vực Đông Bắc Á, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Luồng khách này hiện chiếm tới 60% khách quốc tế đến Quảng Ninh.
Dự kiến, trong năm đầu tiên mở cửa, sân bay Vân Đồn đón khoảng 500.000 lượt khách.