Khi đến sân bay quốc tế Hong Kong hôm Chủ nhật, rời khỏi máy bay, chúng tôi được đưa đến khu vực cách ly ở phần thấp hơn của sân bay. Tại đó, chúng tôi phải trải qua nhiều lần kiểm tra sức khỏe và an ninh.
Tôi được đo nhiệt độ, điền bảng câu hỏi chi tiết, thể hiện tôi chưa đến Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc hoặc những điểm nóng coronavirus khác.
Hai cán bộ kiểm dịch đưa cho tôi một bảng chỉ dẫn để tôi tham khảo sau khi rời sân bay, bao gồm đo nhiệt độ ngày 2 lần và lập tức báo cáo bất kỳ triệu chứng bất thường nào cho Sở Y tế.
Nếu hôm nay (19/3), tôi hạ cánh xuống Hong Kong thì thủ tục còn nghiêm ngặt hơn.
Tuần này, chính quyền Hong Kong đã thông báo rằng, bất kỳ ai đến từ bên ngoài nhập cảnh vào Hong Kong đều phải tự cách ly trong 2 tuần, sẽ được phát vòng theo dõi điện tử. Chiếc vòng đeo tay này sẽ cảnh báo giới chức nếu họ rời nhà hoặc khách sạn.
Đến nay, các biện pháp nghiêm ngặt của Hong Kong dường như có tác dụng kiềm chế sự lây lan của virus.
ường phố Hong Kong ngày 30/1. Ảnh: SCMP.
Dù Hong Kong chung biên giới với Trung Quốc đại lục, số ca mắc Covid-19 ở thành phố đông dân này vẫn dừng ở 167. Tuần nay, Hong Kong có số ca mắc tăng mạnh, phần lớn là người nước ngoài, đến từ những nước đang phải vật lộn với đại dịch.
Ngoài sân bay, rất khó để tìm thấy ai đó ở Hong Kong mà không đeo khẩu trang. Thành phố này rõ ràng học được bài học thương đau từ dịch SARS năm 2003, khi có khoảng 300 cư dân Hong Kong tử vong.
Hồi tháng Hai, khi Hong Kong chỉ có một số ít ca mắc Covid-19, đặc khu hành chính này đã nhanh chóng đóng cửa các trường học, thư viện công cộng, bảo tàng, thúc giục mọi người làm việc từ nhà.
Chính quyền Hong Kong chưa đóng cửa quán bar, nhà hàng, nhưng khi dịch xuất hiện ở thành phố này, nhiều người chủ động ở nhà, tránh chỗ đông người.
Bản theo dõi sức khỏe mà cán bộ kiểm dịch Hong Kong phát cho phóng viên Will Ripley tại sân bay. Ảnh: CNN.
Tokyo khác biệt
Tuần này, khi tôi đến sân bay Narita ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, máy bay đến cổng như bình thường. Tôi thoải mái bước ra khỏi sân bay, cách văn phòng kiểm dịch hơn 500m, nơi có khoảng 10 cán bộ kiểm dịch hối hả áp dụng quy trình với tất cả những ai có mặt trên chuyến bay.
Không ai đo nhiệt độ cho tôi, dù tôi có đi qua máy quét ảnh nhiệt dùng để phát hiện thân nhiệt cao. Nhưng đó là một buổi tối lạnh lẽo, nhiều hành khách mặc áo khoác dày nên điều này có thể cản trở camera đo đúng nhiệt độ.
Cán bộ kiểm dịch đưa tôi bảng điền bằng tiếng Anh, yêu cầu tôi ở nhà trong 14 ngày, đo thân nhiệt hằng ngày và tránh dùng phương tiện giao thông công cộng.
Đó đơn giản chỉ là những yêu cầu, không được thực thi. Tôi làm theo những yêu cầu đó, nhưng không có gì ngăn tôi đi tới nơi khác mà tôi muốn.
Một số nước đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa, nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, tình hình ở Nhật Bản chưa đến mức phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp như vậy.
Ở Tokyo, nơi nhiều trường học đóng cửa, một số sự kiện tập trung đông người bị hủy, nhiều người làm việc từ nhà, hầu hết quán bar, nhà hàng vẫn mở cửa, nhiều người vẫn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, phụ huynh vẫn dẫn con em mình ra ngoài chơi mà thường là không đeo khẩu trang. Có rất nhiều giấy vệ sinh ở siêu thị.
Giao lộ Shibuya ở Tokyo ngày 15/2. Ảnh: Nikkey Asian Review.
Giải thích tại sao Nhật Bản không áp dụng biện pháp phong tỏa, Thủ tướng Abe nói rằng, Nhật Bản có số ca mắc Covid-19 tương đối thấp so với những nước khác.
Nhật Bản với 125 triệu dân hiện có 873 ca mắc, so với 31.506 ca ở Italy, 16.169 ca ở Iran và 8.413 ở Hàn Quốc.
Những có sự khác biệt cơ bản giữa Nhật Bản và nhiều quốc gia có số ca nhiễm tăng vọt. Nhật Bản chỉ xét nghiệm một tỷ lệ nhỏ người.
Tính đến ngày 17/3, Nhật Bản chỉ xét nghiệm 14.525 người, theo Bộ Y tế nước này. Một số người được xét nghiệm nhiều lần.
Trong khi đó, Hàn Quốc có thể xét nghiệm khoảng 15.000 một ngày. Nước này đã ổn định được tình hình dịch bệnh.
Các quan chức Nhật Bản nói rằng, Nhật Bản sẽ nâng công suất xét nghiệm lên 8.000 người mỗi ngày vào cuối tháng này.
Tài liệu được phát ở sân bay Narita ở Tokyo hôm 17/3 yêu cầu hành khách tránh dùng phương tiện giao thông công cộng và tự theo dõi triệu chứng của họ trong 14 ngày. Ảnh: CNN.