Samsung sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của Surface Duo

CL |

Với màn trình diễn bao gồm những tính năng như duyệt mail rất trực quan giữa 2 màn hình cũng như cây bút stylus, không khó để nhận ra Microsoft đang hướng tới nhóm người dùng nào.

Tại sự kiện Surface vừa diễn ra trong ngày 2/10 tại New York, giám đốc sản phẩm của Microsoft – Panos Panay đã tự biến mình thành một Steve Jobs thứ hai. Ngay sau khi vén màn chiếc PC màn hình gập Surface Neo, ông Panay giả vờ đi vào sau sân khấu rồi quay lại nói: Không, đây chưa phải là kết thúc sự kiện.

"Tôi đã theo dõi cả tin rò rỉ, và trong khi các bạn (chỉ các nhà báo) đã làm rất tốt, các bạn bỏ sót một sản phẩm".

Đoạn video được phát. Microsoft vén màn một chiếc smartphone Android mang tên Surface Duo. Một chiếc smartphone có 2 màn hình dạng gập. Một chiếc smartphone cài đặt Android với chợ ứng dụng Google Play, nhưng lại mang giao diện gợi nhắc ngay đến Windows 10 và rất nhiều ứng dụng Android của Microsoft: Outlook, OneNote, PowerPoint, Skype, Xbox v...v...

Đe dọa trực tiếp

Samsung sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của Surface Duo - Ảnh 1.

Có một gã khổng lồ smartphone chắc chắn đã rất "nhột" khi xem đoạn video giới thiệu smartphone mới của Microsoft.

Chỉ bằng một mũi tên, Microsoft đã bắn trúng tới 2 con nhạn. Cả 2 con đều mang tên Galaxy.

Mục tiêu thứ nhất rất dễ để nhìn ra: Galaxy Fold. Dù không có màn hình gập nối liền như Galaxy Fold, Surface Duo về bản chất vẫn là một trải nghiệm hiển thị theo kiểu gộp 2 màn hình vào làm 1. Và đường chia cắt giữa 2 màn hình ấy cũng không phải là trở ngại lớn: ai đã từng sử dụng Windows đều đã từng chia màn hình thành 2 nửa theo chiều dọc. Trên Duo, Microsoft chỉ cần tái hiện lại trải nghiệm lâu đời ấy – và cùng lúc tránh được vô vàn những vấn đề độ bền mà Galaxy Fold đang gặp phải.

Nhưng mục tiêu thứ hai của Microsoft mới thật sự khiến Samsung đau đầu: Galaxy Note. Từ lâu, dòng Note đã là biểu tưởng của khối người dùng chuyên nghiệp với cấu hình mạnh mẽ, nhiều tính năng bút tiện dụng, màn hình lớn và trong những năm vừa qua là khả năng "biến hình" thành desktop. Với màn trình diễn bao gồm những tính năng như duyệt mail rất trực quan giữa 2 màn hình, khả năng kích hoạt Office (PowerPoint) dễ dàng và đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính các ứng dụng Android với nhau trên 2 màn hình riêng biệt, không khó để nhận ra Microsoft đang hướng tới nhóm người dùng nào.

Samsung sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của Surface Duo - Ảnh 2.

Có một dòng smartphone lâu nay đã luôn hướng vào người dùng chuyên nghiệp.

Rõ ràng, Surface Duo là sản phẩm dành cho khối người dùng truyền thống của Galaxy Note – nhóm người dùng chuyên nghiệp. Microsoft thậm chí còn khoe cả cây bút stylus - dù chỉ là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Lợi thế của gã khổng lồ

Giữa Surface Duo và Galaxy Note vẫn còn những điểm chưa tương đồng. Ví dụ, Samsung đã có nhiều năm phát triển smartphone. Samsung có nền tảng thanh toán riêng. Cả Galaxy Note lẫn Galaxy S đều có chế độ DeX để biến hình thành laptop. Chưa rõ Duo có tính năng này hay không, bởi thông tin về sản phẩm (ra mắt cuối năm 2020) vẫn còn rất hạn chế.

Song, cũng chẳng khó để nhận ra rằng bất kỳ lợi thế nào của Samsung đều có thể bị Microsoft san phẳng trong nháy mắt. Dù đã bao năm "lên voi xuống cún" nhưng Microsoft chưa bao giờ để mất danh hiệu "gã khổng lồ phần mềm" cả. Những gì Samsung làm được với DeX, Microsoft có lẽ sẽ chẳng mất đến 1 năm để thực hiện. Nhắc đến Microsoft là nhắc đến công ty phần mềm số 1 thế giới, nhắc đến ông chủ của hệ điều hành đã đứng đầu thế giới PC trong hàng thập kỷ, nhắc đến nhà phát triển của nhiều ứng dụng Android và iOS... Samsung chưa từng bao giờ được coi là một gã khổng lồ phần mềm cả.

Samsung sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của Surface Duo - Ảnh 3.

Microsoft đã luôn là một công ty chuyên xây dựng nền tảng, một công ty hướng vào các nhà phát triển và người dùng chuyên nghiệp.

Microsoft luôn có 2 lợi thế mà Samsung và tất cả những gã khổng lồ công nghệ khác không bao giờ bì kịp được. Đầu tiên, nếu nói về kinh nghiệm phát triển phần mềm làm việc dành cho người dùng chuyên nghiệp, Microsoft chắc chắn là vô đối: chẳng kẻ nào đánh bại được Office - chưa cần nói đến SharePoint, Exchange, Visio, BI, Dynamics 365. Tiếp đến, Microsoft nắm trong tay một khối lượng nhà phát triển khổng lồ. Microsoft vẫn đang nắm trong tay hệ điều hành lớn thứ 2 thế giới, thậm chí lại còn đang sở hữu cả GitHub (kho lưu trữ mã nguồn cho lập trình viên) và "mạng xã hội CV" LinkedIn.

Chính Microsoft ngày hôm nay cũng thẳng thừng tuyên bố rằng Duo (và Neo) phải đến cuối năm sau mới lên kệ nhưng lại được vén màn ngay từ năm nay để các nhà phát triển có thể làm quen. Rõ ràng, Microsoft thừa hiểu thế mạnh lớn nhất của mình là gì – và Microsoft sẽ dùng thế mạnh ấy để trở lại với cuộc chiến di động, thậm chí là để nối tiếp giấc mộng xâm chiếm Android.

Vẫn có cửa thắng

Samsung không phải là không có cơ hội chiến thắng nếu đón đầu Microsoft. Chưa tính đến các thế mạnh về màn hình hay công nghệ camera, Galaxy ít nhất hiện vẫn là thương hiệu duy nhất đối đầu được với iPhone trên phân khúc cao cấp. Song quả thật, nếu Microsoft phát triển phần cứng đủ tốt (tức là, không hỏng hóc như Galaxy Fold hay Surface Pro 4), chỉ riêng phần mềm Microsoft thôi cũng là quá đủ để hút hết khối người dùng tự xưng là "Pro" trên smartphone.

Samsung sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của Surface Duo - Ảnh 4.

Microsoft vẫn có quyền hy vọng Microsoft sẽ phát triển Duo thành một nền tảng cho cả các hãng phần cứng khác.

Trong kịch bản này, niềm hy vọng duy nhất của Samsung chỉ là thái độ của Microsoft. Xét cho đến cùng, Microsoft vẫn luôn tự coi mình là một công ty nền tảng, một công ty phần mềm. Dòng sản phẩm Surface ra đời không phải là để chiếm hết thị phần PC mà là để truyền cảm hứng cho các nhà sản xuất PC có thể vực dậy ngành công nghệ này. Điều tương tự có lặp lại với Duo, trong bối cảnh doanh số smartphone vẫn cứ giảm qua từng năm và sức sáng tạo cứ ngày một cạn kiệt dần?

Hãy cùng chờ đợi xem. Với riêng Samsung: hãy cùng chờ đợi xem sao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại