Đằng sau việc TPHCM xin cho SEHC chuyển sang chế xuất
UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương cho Cty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) chuyển đổi từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) sang DN chế xuất theo hình thức DN chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu (XK) hoạt động trong Khu công nghệ cao.
Điều kiện đưa ra là SEHC phải đạt tỷ lệ XK từ 90% trở lên và phải có cam kết bằng văn bản.
Kiến nghị này được UBND TPHCM lý giải nhằm hỗ trợ Samsung đầu tư sản xuất, XK hiệu quả hơn. Đồng thời tạo điều kiện để các DN phụ trợ trong chuỗi cung ứng Samsung cũng như những DN phụ trợ trên địa bàn thành phố đầu tư sản xuất kinh doanh có trọng tâm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
Qua đó, thể hiện cam kết của thành phố trong tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, củng cố niềm tin, định hướng Việt Nam sẽ là trọng tâm đầu tư sản xuất, XK của tập đoàn Samsung cung cấp cho thị trường toàn cầu.
SEHC đang hoạt động tại Khu công nghệ cao (quận 9, TPHCM) với ngành nghề sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử gia dụng gồm tivi thông minh, tivi LED và màn hình có độ phân giải cao...
Tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tổng diện tích hơn 70ha. SEHC đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của tập đoàn Samsung. Doanh nghiệp này cũng thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông để đo kiểm các chỉ số của tivi theo quy định của Việt Nam.
Theo một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, SEHC đang là DN FDI, được hưởng hàng loạt ưu đãi ở mức cao.
DN này được Tổng cục Hải quan công nhận DN ưu tiên vào năm 2015, tạo thuận lợi tối đa khi làm thủ tục hải quan.
Samsung hiện là tập đoàn có nhiều công ty thành viên được công nhận DN ưu tiên nhất. Các thành viên khác có thể kể đến như: Cty TNHH Samsung SDI Việt Nam, Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên…
Do là DN FDI, hoạt động trong khu công nghệ cao nên theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, SEHC đang được miễn các loại thuế tương tự các DN FDI khác như: giảm 50% tiền thuê đất mấy năm đầu; miễn thuế NK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất; giảm 20-25% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tùy giai đoạn...
“DN này vẫn phải nộp một số loại thuế như các DN FDI khác. Ngoài ra, SEHC có hơn 10% khối lượng sản phẩm sản xuất để bán trong nước nên vẫn phải đóng các khoản thuế NK, thuế VAT bình thường.
Tính ra, SEHC đang đóng góp tiền thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN) tại Chi cục Hải quan Khu công nghệ cao lớn nhất, chiếm hơn 80% số thu của Chi cục (chủ yếu tiền thuế VAT). Riêng năm 2019, SEHC nộp thuế VAT tại đây hơn 1.000 tỷ đồng”, đại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, việc Samsung muốn chuyển đổi SEHC sang DN chế xuất nhằm hưởng thêm siêu ưu đãi, 100% sản phẩm hàng hóa XK để xuất đi các nước khác khi thị trường trong nước đã trở nên nhỏ bé hơn so với giai đoạn mới đầu tư.
Theo báo cáo của SEHC, ước tính giá trị XK hàng hóa năm nay của DN khoảng 4,4 tỷ USD trên tổng doanh thu 4,9 tỷ USD, đạt tỷ lệ 90% doanh thu hoạt động sản xuất của công ty.
Trước đó, năm 2018, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đề nghị Bộ Tài chính chuyển SEHC thành DN chế xuất. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sau đó trả lời bằng văn bản rằng, SEHC được thành lập và hoạt động trong khu công nghệ cao, không phải hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp hay khu kinh tế.
Mặt khác, theo cơ quan này, tổng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của Samsung từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018 là 165.613 tỷ đồng, trong đó hơn 75% là doanh thu chịu thuế suất 0% (doanh thu XK).
Như vậy, tỷ lệ XK của SEHC chỉ đạt trung bình khoảng 75%, chưa đảm bảo điều kiện là DN chuyên sản xuất sản phẩm để XK hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của Nghị định 82/2018. Do đó, chưa có cơ sở cho phép công ty này chuyển thành DN chế xuất.
Phải thực hiện các cam kết cụ thể
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho. Thủ tướng đánh giá cao việc Samsung đã khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển quy mô lớn ở Hà Nội.
Dù gặp nhiều khó khăn đến từ đại dịch COVID-19 nhưng Samsung Việt Nam vẫn bảo đảm sản xuất, kinh doanh, cam kết không giảm sản lượng và giữ nguyên mục tiêu XK ở Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục ủng hộ, tạo mọi điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp của Hàn Quốc, trong đó có Samsung, làm ăn thành công tại Việt Nam.
Theo báo cáo của tập đoàn này, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là 17,363 tỷ USD. Tổng giá trị XK của Samsung điện tử và các công ty con của Samsung tại Việt Nam năm 2019 khoảng 59 tỷ USD, đóng góp hơn 22% vào tổng kim ngạch XK của Việt Nam (hơn 264 tỷ USD). Có 50% điện thoại và máy tính bảng của Samsung được sản xuất tại Việt Nam.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Cty Luật BASICO, đề xuất của TPHCM nhằm thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, còn việc chuyển từ DN FDI sang DN chế xuất không giúp tăng thu thuế vào ngân sách nhà nước. Do đó, ông Đức cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần phải cân đối, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo thu hút đầu tư cạnh tranh, công bằng.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, cần làm rõ 2 vấn đề. Trước hết là tác động lan tỏa của việc này như sự tham gia của DN Việt vào chuỗi của Samsung ra sao, chiếm bao nhiêu phần trăm, kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ ra sao.
Thứ hai là họ tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, có cam kết đào tạo lao động có được đào tạo tay nghề cao hay không, có cam kết chuyển giao công nghệ không. Theo ông Thành, cần phải làm rõ đề xuất này mang lại lợi ích gì cho TPHCM.
Chúng ta được gì từ sự chuyển đổi này của DN và Samsung với việc được hưởng lợi cao nhất trong chính sách thu hút FDI sẽ đóng góp gì cho Việt Nam. Và, hơn hết, Samsung phải có cam kết cụ thể bằng những con số và phải thực hiện bằng được.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, việc Samsung muốn chuyển đổi SEHC sang DN chế xuất nhằm hưởng thêm siêu ưu đãi.
Theo quy định, DN chế xuất là DN được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc DN chuyên sản xuất sản phẩm để XK hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
DN chế xuất được miễn thuế XK, thuế nhập khẩu (NK) đối với hàng hóa từ khu chế xuất XK ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài NK vào khu chế xuất, được hưởng các ưu đãi về thuế đối với trường hợp khuyến khích, đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.