Giá đắt nhưng chưa hoàn thiện
Điện thoại màn hình gập không rẻ. Samsung biết điều này - tất cả chúng ta đều biết điều này - nhưng công ty gần đây đã đưa ra một tuyên bố thú vị khi được hỏi về mức giá đắt đỏ của sản phẩm.
Về cơ bản, Samsung tin rằng giá bán điện thoại màn hình gập sẽ giảm trong tương lai. Còn năm nay, công ty tập trung vào khắc phục những hạn chế trên thiết bị hơn là xoa dịu hầu bao của khách hàng.
Galaxy Z Fold 5 ra mắt năm nay được hãng niêm yết mức giá khoảng 40 triệu đồng, với thiết kế nhẹ và mỏng hơn. Trong khi Galaxy Z Flip 5 với giá bán 26 triệu đồng, được tăng cường thêm trải nghiệm sử dụng màn hình ngoài.
Mặc dù có những cải tiến đáng kể trên thiết bị mới, nhưng các sản phẩm của Samsung dường như vẫn chưa hoàn thiện một cách tối ưu, thậm chí là đi sai hướng.
Màn hình ngoài của Galaxy Z Fold 5 còn hạn chế về cách sử dụng và trọng lượng máy không nhẹ hơn nhiều so với thiết bị tiền nhiệm (khoảng 10 gram).
Theo Android Authority, cuộc đại tu lớn nhất mà các sản phẩm màn hình gập cần thực hiện là nâng cao trải nghiệm phần mềm thay vì chỉ thêm thắt những thay đổi nhỏ về phần cứng.
Trên thực tế, cả Galaxy Z Fold và Galaxy Z Flip đều đã có những cải tiến về phần mềm trong vài năm qua khi Samsung tập trung vào phát triển điện thoại màn hình gập.
Trong trường hợp của Galaxy Z Fold, nâng cấp quan trọng nhất là áp dụng Android 12L. Việc hoán đổi sang phần mềm tập trung vào máy tính bảng của Google đã giới thiệu thanh tác vụ và cải tiến trải nghiệm đa nhiệm.
Xét trên nhiều góc độ, khả năng hoán đổi bố cục đa nhiệm và chạy ứng dụng từ thanh tác vụ đã giúp Galaxy Z Fold có cảm giác giống như một chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ hơn là một chiếc điện thoại ngoại cỡ — điều mà lẽ ra hãng phải làm từ lâu.
Sau một năm, Android 12L vẫn là bản cập nhật quan trọng nhất của Galaxy Z Fold.
Đối với Galaxy Z Flip, bản cập nhật quan trọng nhất đến từ cách tương tác với màn hình ngoài. Mặc dù trải nghiệm màn hình Flex Window của Galaxy Z Flip 5 chưa hoàn hảo nhưng chắc chắn nó đã tối ưu hóa tốt hơn cho ứng dụng và widget so với Galaxy Z Flip 4 trước đây.
Flex Window giờ đây được cải tiến đủ lớn để hỗ trợ bàn phím kích thước đầy đủ và sử dụng phiên bản thu nhỏ của nhiều ứng dụng phổ biến như Spotify và Slack, giúp người dùng không cần phải mở điện thoại.
Hạn chế vẫn từ phần mềm
Mặc dù có những nâng cấp mới cho Galaxy Z Flip và Galaxy Z Fold nhưng Samsung rất biết cách làm khó người dùng bằng cách sử dụng rối rắm.
Bất cứ khi nào hãng giới thiệu một tính năng mới trên điện thoại màn hình gập, dù là tinh tế hay chưa hoàn thiện đến đâu, chúng sẽ bị ẩn trong phần Labs của menu cài đặt, thay vì để sẵn hoặc tự bật cho người dùng.
Galaxy Z Flip 5 là nạn nhân chính của sự bất tiện này khi bạn cần phải cài đặt thêm hoặc mày mò một chút để tận dụng Flex Window một cách tối đa.
Bạn phải vào Labs để chuyển đổi một số ứng dụng mặc định mà Samsung đã chọn cho Flex Window, nhưng bạn phải cài đặt Good Lock từ Samsung Galaxy Store (ứng dụng này không có sẵn trên Google Play Store) để có thể chạy thêm nhiều ứng dụng khác.
Còn với Motorola Razr Plus, thiết bị cho phép người dùng thêm ứng dụng vào màn hình ngoài tùy thích mà không gặp bất kỳ trục trặc nào.
Vấn đề thêm nữa của Galaxy Z Flip 5 là không phải tất cả các ứng dụng đều được tối ưu hóa tốt. Google Maps chỉ hiển thị một phần giao diện bản đồ, cũng như không có cách nào để vuốt lên và truy cập các ứng dụng gần đây từ Flex Window vì Samsung đã chuyển trách nhiệm sang Good Lock.
Sự bất tiện và hạn chế nói trên cho thấy màn hình Flex Window giống như đồng hồ thông minh Galaxy Watch cỡ lớn thay vì là màn hình thu nhỏ của Galaxy Z Flip 5.
Vấn đề chính của Galaxy Z Fold cũng là tối ưu hóa ứng dụng. Trong khi Galaxy Z Flip gặp khó khăn trong việc thu nhỏ ứng dụng thì Galaxy Z Fold gặp trục trặc khi cố gắng mở rộng chúng trên màn hình 7,6 inch.
Các ứng dụng không tối ưu với màn hình gần như hình vuông, khiến chúng bị lạc lõng và có nhiều khoảng trống.
Với những rắc rối trên, có thể nói, phần cứng không phải là vấn đề trên điện thoại màn hình gập của Samsung.
Galaxy Z Flip và Galaxy Z Fold vẫn có nếp gấp trên màn hình, nhưng các khía cạnh phần cứng khác như bản lề, bố cục nút, cảm biến vân tay… đã được hãng cải thiện tốt và có thể coi là tiêu chuẩn trên thị trường màn hình gập. Bản thân bản lề Samsung Galaxy Z Flip 5 cũng được đánh giá cao hơn Motorola Razr Plus.
Thứ hãng cần giờ đây chỉ là hoàn thiện về phần mềm để tạo nên trải nghiệm liền mạch khi sử dụng. Người dùng có thể sống chung với những lỗi nhỏ về phần cứng, nhưng phần mềm không tối ưu sẽ gây cảm giác khó chịu.
Samsung đã phần nào đó làm tốt về phần cứng, nhưng hãng có lẽ cần tiếp thu những gì Motorola đã làm với trải nghiệm Razr Plus.