Người dân TPHCM tranh thủ sắm Tết sớm khi đi hội chợ Ảnh: U.P
Săn hàng “độc”, khuyến mãi đậm
Trưa cuối tuần, tại phiên chợ khuyến mãi ở quận 11, chị Lê Phương (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân) khoe giỏ hàng đầy ắp bánh mứt, khô bò, tôm khô… vui vẻ nói: “Năm nay dịch bệnh, tôi không về quê Nha Trang được nên khi thấy nhiều đặc sản vùng miền có thể làm quà Tết lại có giá giảm 20-30%, tôi mua làm quà gửi về quê. Dịch bệnh còn phức tạp, mình mua sắm sớm khi có dịp ra ngoài”.
Tất bật giới thiệu sản phẩm tôm khô và mời khách dùng thử, anh Trần Trung Hiểu, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát (Kiên Giang) cho hay, năm nay giá đầu vào nguyên liệu tăng cao, tôm tươi hiện đang tăng giá gần 100%. Do đó, tôm khô cũng tăng theo. Gần 7 kg tôm tươi mới được 1 kg tôm khô, giá bán sỉ là 700.000 đồng/kg.
“Chúng tôi đưa hàng lên TP.HCM cũng bán giá sỉ để người dân có thể mua ăn Tết, làm quà biếu tặng. Vẫn còn được gặp nhau sau mùa dịch là mừng lắm, chúng tôi muốn đưa thêm nhiều đặc sản như khô cá, mắm tôm chua… “giá trang trại” phục vụ bà con thành phố” - anh Hiểu nói.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Vườn Bà Ba (tỉnh An Giang) cho biết đang kết nối với nhiều kênh phân phối tại TP.HCM để đẩy mạnh lượng bưởi, xoài sấy bán ra dịp Tết năm nay. Công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng cho dịp Tết với bưởi có thể đạt 80 tấn, lượng xoài sấy tăng gấp 2-3 lần bình thường, và khâu vận chuyển có thể đáp ứng tốt.
“Chỉ cần các nhà thu mua TP.HCM 'lên tiếng', chúng tôi sẵn sàng tăng nguồn hàng về thành phố” - ông Khánh khẳng định.
Khá bất ngờ khi mặt hàng bún, miến khô… lại đắt hàng trong thời gian mở bán tại hội chợ, bà Lê Hà Khánh Vy, đại diện Công ty Duy Anh Foods (huyện Củ Chi) cho biết, công ty chỉ mang lượng ít hàng đến do sợ sức mua không cao, khách hàng ngại đến nơi công cộng do dịch. Tuy nhiên, nhu cầu khách hàng với thực phẩm khô lại rất tốt nên công ty phải tăng tốc nhập thêm hàng nhưng vẫn không đủ bán, nhất là các loại bún, mì Quảng, bánh tráng…
“Công ty Duy Anh đã xuất bán gần 50 thùng hàng các loại, đặc biệt nhiều khách hàng tỏ ra thích thú với bún, miến… được làm từ thanh long, rau củ... nên đã mua sỉ số lượng lớn. Sản phẩm khô có thời gian sử dụng lâu nên được nhiều khách chọn lựa” - bà Vy cho hay.
Sẵn sàng hàng Tết
Dù phải chịu áp lực chi phí đầu vào nguyên vật liệu tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) TP.HCM khẳng định không tăng giá thành phẩm hoặc chỉ tăng rất nhẹ.
Ông Phan Văn Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, sau thời gian phải thu hẹp kinh doanh do dịch bệnh, hiện DN đang tăng tốc sản xuất để bổ sung sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt heo xô lọc (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%)...
“Hiện, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, DN vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng” - ông Dũng nói.
Công ty Ba Huân đang đẩy mạnh sản xuất để sẵn sàng cung ứng khoảng 1,5 triệu quả trứng/ngày vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm, tăng hơn nửa triệu quả/ngày so với thời điểm bình thường.
Tập đoàn KIDO, Công ty bánh kẹo Bibica... cũng đang tăng tốc chuẩn bị lượng hàng lớn đưa ra thị trường, số lượng tương đương năm trước nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong dịp Tết 2022. Các đơn vị này đều khẳng định không tăng giá, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm cuối năm.
Ông Bùi Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty Tường An cho biết, đơn vị này vẫn đặt kế hoạch sản lượng tăng 30% so với cùng kỳ, đảm bảo cung cấp hàng hóa cho người dân, đặc biệt trong giai đoạn bán hàng phục vụ thị trường Tết. “Giá nguyên liệu sản xuất tăng rất mạnh nhưng nhờ có lượng hàng dự trữ nên giá sản phẩm tăng khoảng 10%, thấp hơn rất nhiều so với biến động giá nguyên liệu” - ông Tùng cho biết.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho hay, Sở đang cùng các đơn vị cung ứng làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
" Sở cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tình hình cung-cầu hàng hóa, triển khai các biện pháp giám sát, quản lý giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, ổn định giá cả trên địa bàn thành phố"- ông Tú khẳng định.