Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào?

Phi Long |

Tại 7/7 gói thầu tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Các gói thầu còn bị “băm nát” và chia nhỏ cho nhiều nhà thầu không đủ năng lực thi công.

Bộ Công an vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị liên quan. Trong đó, Bộ Công an chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư.

Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào? - Ảnh 1.

Kết quả trưng cầu giám định tư pháp tại 7/7 gói thầu, cơ quan chức năng phát hiện lớp nền, móng và mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặc biệt, kết quả trưng cầu giám định tư pháp tại 7/7 gói thầu, cơ quan chức năng phát hiện lớp nền, móng và mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

7/7 gói thầu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công an, quá trình điều tra, công an phát hiện chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt.

Cũng theo Bộ Công an, dự án hoàn thành không đảm bảo chất lượng nên khi vận hành khai thác xảy ra tình trạng ổ gà, hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, mặt đường không bằng phẳng ở nhiều vị trí trên toàn tuyến. Nhà thầu và chủ đầu tư VEC đã phải sửa chữa, dự kiến sửa chữa, khắc phục tại 291 vị trí với tổng diện tích hơn 1.663m2.

Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tuyến cao tốc tỷ đô Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng trước đó.


Bộ Công an cho hay cơ quan điều tra đã trưng cầu Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam (Bộ GTVT) tiến hành giám định chất lượng công trình.

“Kết luận giám định tư pháp xác định chất lượng công trình xây dựng đối với 7/7 gói thầu (65 km) thuộc giai đoạn 1 của dự án này, từ các lớp nền - móng - mặt đường không đảm bảo đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án và là nguyên nhân gây hư hỏng công trình”, văn bản Bộ Công an nêu.

“Băm” nhỏ gói thầu, nhiều nhà thầu không đủ năng lực

Trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC đã lựa chọn được các nhà thầu xây dựng nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công dự án đến từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

“Tuy nhiên, thực tế sau khi trúng thầu, ký hợp đồng xây lắp, chủ đầu tư theo đệ trình của các nhà thầu đã cho phép rất nhiều đơn vị thầu phụ là các doanh nghiệp xây dựng trong nước tham gia...”, văn bản của Bộ Công an cho biết.

Đáng chú ý, các nhà thầu phụ này không phải thông qua công tác đấu thầu nhưng lại được giao thi công các hạng mục chính, quan trọng của dự án thay cho nhà thầu chính.

Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều ổ gà xuất hiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi tháng 9/2019.


Về việc chia nhỏ gói thầu cho nhiều nhà thầu phụ, Bộ Công an nêu các trường hợp cụ thể như Công ty Anh Cường chỉ thực hiện gói thầu A3 với chiều dài 0,4 km (từ Km 101+800 đến Km 102+240) hoặc cùng một lý trình nhưng các hạng mục do các nhà thầu khác nhau thực hiện.

Cụ thể, từ Km 101+800 đến Km 102+240, Công ty Anh Cường thi công các lớp vật liệu là đất nền K95, K98, Tập đoàn Giang Tô (Trung Quốc) thi công các lớp vật liệu cấp phối đá dăm, Công ty Weicovina thi công lớp vật liệu đá dăm gia cố nhựa, Công ty Tranimexco thi công các lớp bê tông nhựa.

Đặc biệt, việc thi công của các nhà thầu nói trên không có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá về năng lực của các nhà thầu phụ, nhà thầu phụ thứ cấp. Việc này dẫn đến chủ đầu tư và các đơn vị liên quan mất khả năng kiểm soát chất lượng công trình xây dựng.

“Liên danh nhà thầu nước ngoài này đã tự giải thể mặc dù còn nhiều công đoạn thực hiện, công trình chưa được bàn giao chính thức. Trong khi đó, theo thỏa thuận hợp đồng giữa Tổng Công ty VEC và đơn vị tư vấn giám sát thì đơn vị này có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoàn thành công trình (TOC) để phục vụ việc bàn giao, thanh quyết toán công trình xây dựng…”, Bộ Công an chỉ rõ.

Vai trò của chủ đầu tư: VEC đã buông lỏng quản lý

Theo văn bản của Bộ Công an, quá trình triển khai thực hiện dự án, VEC tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn được các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế tham gia dự án.

Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào? - Ảnh 4.

Bộ Công an cũng cho hay quá trình thi công dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát có sự điều chỉnh thiết kế một số hạng mục thi công, đề nghị lập hồ sơ thay đổi về khối lượng, đơn giá các hạng mục công trình để được thanh toán chi phí phát sinh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các nhà thầu trong các giai đoạn thực hiện dự án đã buông lỏng công tác quản lý, thi công, giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục công trình. Bên cạnh đó, chủ đầu tư đưa ra các quy định chưa rõ ràng, thiếu tính ràng buộc trách nhiệm ở các khâu thực hiện dự án dẫn đến công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Cụ thể, trong công tác thiết kế kỹ thuật dự án, theo quy định tại Điều 86 Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thì đơn vị thực hiện thiết kế kỹ thuật dự án có quyền và nghĩa vụ giám sát tác giả thiết kế xây dựng trong quá trình thi công xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế việc thiết kế kỹ thuật của dự án, chủ đầu tư chỉ sử dụng đến giai đoạn đầu là hoàn thành công tác thiết kế. Sau đó, đơn vị thực hiện thiết kế kỹ thuật tự giải thể, không tham gia vào quá trình điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và hoạt động giám sát tác giả thiết kế dự án.

Bộ Công an cũng cho hay quá trình thi công dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát có sự điều chỉnh thiết kế một số hạng mục thi công, đề nghị lập hồ sơ thay đổi về khối lượng, đơn giá các hạng mục công trình để được thanh toán chi phí phát sinh.

Sai phạm tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Cả 7 gói thầu bị rút ruột như thế nào? - Ảnh 5.

Đường dân sinh ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) sau khi dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mượn để thi công dự án.


“Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không có sự tham gia, xác nhận của đơn vị thiết kế kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ có sự thông đồng, móc ngoặc làm thiệt hại tài sản nhà nước”, văn bản kết luận của Bộ Công an nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ Công an cho hay trong hoạt động giám sát thi công các gói thầu của dự án, VEC đã ký hợp đồng với liên danh các nhà thầu nước ngoài là OC-KEI (Nhật Bản) - SMEC (Úc) đoạn 65 km và CDM Smith (Mỹ) đoạn 75 km.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động giám sát thi công tại hiện trường chỉ có một ít kỹ sư người nước ngoài, còn phần lớn do các kỹ sư tư vấn của Việt Nam. Đội ngũ này vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu về năng lực thực hiện, không có công cụ để kiểm tra chất lượng, thí nghiệm độc lập mà phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành hoạt động của nhà thầu thi công tại công trường.

“Do vậy, tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn khi thực hiện công tác tư vấn giám sát, không phản ánh được thực tế chất lượng công trình xây dựng nhưng vẫn tham gia ký xác nhận chất lượng các hạng mục thi công, công trình xây dựng. Liên danh giám sát thi công tự giải thể do chủ đầu tư không đảm bảo thanh toán các khoản chi phí mặc dù dự án còn nhiều công đoạn thực hiện, công trình chưa được bàn giao chính thức đúng quy định…”, văn bản của Bộ Công an chỉ rõ.

Còn 58 đường gom chưa hoàn thành

Về việc giải ngân, thanh quyết toán và hoàn trả hạ tầng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ Công an cho rằng VEC đưa vào khai thác sử dụng toàn tuyến từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, còn rất nhiều hạng mục chưa hoàn thành, trong đó có 58 đường gom, đường ngang dân sinh, đường mượn của nhân dân để thi công công trình và một đường mở rộng quốc lộ 24B để kết nối với nút giao Bắc Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Bộ Công an, quá trình điều tra, công an phát hiện chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu thiết kế dự án đã được phê duyệt trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Vấn đề trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kết nối các tuyến giao thông khu vực. Đặc biệt, người dân ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có kiến nghị phản ánh rất nhiều đến chủ đầu tư và đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Nguyên nhân cơ bản là do VEC và các đơn vị liên quan không đảm bảo tiến độ giải ngân khoản vay theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn, dẫn đến hết thời hạn, hiệp định vay vốn bị đóng lại, tổ chức tài trợ vốn không tiếp tục giải ngân vốn vay.

“Bên cạnh đó, tại các hợp đồng xây lắp của dự án, Tổng Công ty VEC đã đưa các điều khoản đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà thầu thi công có sự mâu thuẫn về quyền hạn và trách nhiệm trong nghĩa vụ hoàn trả đường để thi công dự án. Cụ thể ở đây là có điều khoản “chi phí hoàn trả này do nhà thầu chi trả” nhưng có điều khoản khác lại quy định “chi phí này nằm trong dự trù của gói thầu (chủ đầu tư chi trả)”, văn bản của Bộ Công an chỉ ra bất cập./.

Khởi tố 19 bị can liên quan dự án

Ngày 27/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VEC và các đơn vị liên quan, theo Điều 298 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Ngày 4/6/2020, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, từ tội danh trên sang tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố đối với 19 bị can, gồm Phó Tổng Giám đốc VEC và quản lý dự án, những người liên quan đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại