Phẫn nộ khi phát hiện sai phạm
Ngày 9/8, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ với báo chí về những tiêu cực xảy ra trong kì thi THPT Quốc gia 2018 tại một số tỉnh miền núi phía bắc.
Đối với cụm thi tỉnh Hà Giang, ngay khi nhận nhiệm vụ, trên đường đi từ Hà Nội lên Hà Giang, ông Trinh đã hình dung được 6 khâu dễ xảy ra sai phạm.
"Sau khi lên, tôi họp ngay với ban chỉ đạo thi Hà Giang và nêu ra 6 vấn đề liên quan đến 6 khâu dễ xảy ra sai phạm. Tôi trực tiếp phụ trách 1 khâu trọng yếu nhất, ở Hà Giang dù rất khó nhưng chỉ đến rạng sáng hôm sau thì chúng tôi tìm ra manh mối, đối tượng cũng đã bắt đầu khai nhận", ông Trinh cho hay.
Ông nói rằng, bản thân thực sự rất phẫn nộ khi phát hiện ra những sai phạm đó. Sau khi tìm ra được được thủ phạm là ai, cách làm như thế nào, điều khiến ông lo lắng nhất là có trả được lại điểm chuẩn cho các em học sinh để trả lại sự công bằng cho kỳ thi.
"Chúng tôi đã họp cùng bàn và chuyển sang trạng thái rất quyết tâm. Sự quyết tâm đó gắn liền với những đêm mà chúng tôi đã làm. Chúng tôi đã có những cuộc họp hội đồng, thảo luận giữa đêm sang ngày mới.
Quá trình đó, chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ động viên kịp thời từ Bộ trưởng. Tôi gọi điện khoảng 1, 2h sáng, Bộ trưởng đều nghe máy, chứng tỏ Bộ trưởng cũng không ngủ trong những ngày chúng tôi ở Hà Giang", ông Trinh nói.
Ông chia sẻ rằng, việc bước đầu đã rõ nhưng hiện nay ở Sơn La hay Hòa Bình, Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Công an rất quyết tâm với những giải pháp cao nhất có thể để trả lại điểm thật cho các em.
Ông Trinh tại buổi tọa đàm do Báo Lao Động tổ chức.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, với những thí sinh trượt nguyện vọng ở các trường mà các em mơ ước vì những thí sinh điểm giả kia liệu có còn cơ hội?. Ông Trinh trả lời, bình quân mỗi năm có khoảng 450.000 thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học. Số học sinh sai phạm để tăng điểm so với con số ấy là không nhiều.
Vấn đề được đặt ra thuộc vào quyền của các trường đại học trên tinh thần tự chủ tuyển sinh, nếu câu chuyện đó xảy ra thì các trường đại học sẽ có ý kiến. Trường nào mong muốn sẽ có trao đổi với Bộ GD&ĐT, các Bộ liên quan như Bộ Công an để có giải pháp.
Ông nói rằng, những em có năng lực thật, kết quả thật hãy tự hào và yên tâm vào kết quả mà mình có, kết quả học tập ấy trong tương lai không chỉ khẳng định các em là con người thế nào mà còn góp phần trả lời rằng đại đa số các học sinh ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình là những học sinh ngoan, tử tế và có ước mơ cao đẹp.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ hoàn thiện hơn năm 2018
Nhận định về diễn biến kì thi THPT Quốc gia năm tới, ông Mai Văn Trinh nói, nếu so sánh với những hình thức thi đại học, cao đẳng trước đây thì kì thi THPT quốc gia 2018 hiện nay phù hợp, sẽ không có phương án thi nào hoàn hảo 100% mà chỉ có phương án phù hợp nhất. Kì thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm tới.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhận thấy những hạn chế và cần phải quyết tâm để hoàn thiện.
Về khâu đề thi, cần phải làm giàu hơn về chất lượng, số lượng, trên cơ sở đó để xây dựng phù hợp với 1 kì thi có tính chất kì thi THPT Quốc gia.
Về mặt kĩ thuật, cần quan tâm đến việc hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật, để hạn chế tối thiểu những kẽ hỡ có thể bị lợi dụng gây ra sai phạm.
Công tác thanh kiểm tra, giám sát đặc biệt ở những khâu quan trọng của kì thi như tổ chức đề thi, coi thi, lưu trữ bài thi, chấm thi. Đây là dịp để rà soát lại toàn bộ về mặt quy trình, quy chế, kĩ thuật để hoàn thiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
"Trước mắt, thầy cô giáo và học sinh hay bình tĩnh bắt đầu năm học mới với những hứng khởi mới, chắc chắn kì thi THPT Quốc gia 2019 sẽ hoàn thiện và tốt hơn năm 2018", ông Trinh nói.