6 năm sau, Phan Thanh Hậu vẫn là cầu thủ dự bị ở HAGL. Ở tuổi 23, anh chưa một lần được cùng đội tuyển U23 Việt Nam chinh chiến ở bất kỳ giải đấu quốc tế nào. Dường như, chàng trai người Quảng Ngãi đã được đánh giá cao hơn quá nhiều so với thực lực bản thân.
Phan Thanh Hậu từng được đánh giá là 1 trong 40 tài năng trẻ triển vọng của bóng đá thế giới vào năm 2014. Ảnh: Tùng Lê.
Bình yên bị phá vỡ và tài năng trên giấy
Ngày 14/10/2014, một bài báo công phu trên tờ The Guardian nhận được lượt truy cập khổng lồ, trong đó không thể thiếu những tài khoản đến từ Việt Nam. Không truy cập sao được khi 1 trong 40 tài năng triển vọng của bóng đá thế giới lại là người Việt Nam.
"Phan Thanh Hậu đóng vai trò chủ chốt trong hàng tiền vệ U19 Việt Nam. Cậu ấy chuyền dài và ngắn đều tốt, có thể xé toang hàng phòng ngự đối phương chỉ với một cú chạm bóng tinh tế bằng chân trái. Sự nghiệp thi đấu sắp tới của Thanh Hậu có thể là ở V.League hoặc châu Âu", trích giới thiệu về cầu thủ Việt Nam được nhắc đến.
Phan Thanh Hậu sinh năm 1997, là thành viên thuộc khoá 2 Học viện HAGL JMG. Thời điểm bài báo ra đời, Thanh Hậu ghi dấu ấn ở VCK U19 châu Á 2014 nhưng vẫn không nhiều người Việt Nam biết thông tin về cậu. Những ngày năm 2014, số đông vẫn còn say mê với lứa đàn anh của Thanh Hậu gồm Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường. Bài báo vì thế càng gây tò mò và chấn động.
Thậm chí, một số người còn bóc tách được lỗi cơ bản của bài báo khi clip giới thiệu màn trình diễn của Thanh Hậu thì nhân vật chính lại là Công Phượng. Họ cho rằng đã có sự nhầm lẫn ở đây.
John Duerden, tác giải bài báo lại khẳng định: "Không có nhầm lẫn, chính xác là Phan Thanh Hậu. Tôi không có chọn video. Do không có video riêng về Thanh Hậu nên ban biên tập lựa chọn một video liên quan đến U19 Việt Nam".
Phần giới thiệu của John Duerden về Thanh Hậu trên tờ The Guardian.
Sự thật được xác nhận. Thế nhưng, mọi thứ không tốt đẹp như John nghĩ. Ở 5 lần cập nhật sau đó, ông cho ra đời những dòng chữ không mấy tích cực tịnh tiến theo thời gian.
Tháng 10/2015, Thanh Hậu vào đội 1 HAGL và đã chơi ổn định.
Tháng 10/2016, Thanh Hậu tiếp tục chơi cho U19 Việt Nam. Cậu ấy có thể được gọi lên ĐTQG thời gian tới.
Tháng 10/2017, Thanh Hậu liên tiếp vật lộn với chấn thương và bỏ lỡ SEA Games. Mục tiêu chơi cho ĐTQG trở nên khó khăn.
Tháng 10/2018, chấn thương đã làm chậm sự phát triển của Thanh Hậu. Anh đang chơi ở V.League nhưng vẫn chưa được gọi vào ĐTQG.
Tháng 10/2019, Thanh Hậu vẫn đang vật lộn với chấn thương, vẫn chơi cho HAGL.
Tháng 10/2020 thì chưa đến để xem tiếp đánh giá tiếp theo của John Duerden nhưng sau ngần ấy thời gian, Phan Thanh Hậu không còn là tài năng như từng được ca tụng nữa. Sau VCK U19 châu Á 2016, anh vắng mặt ở tất cả các giải đấu lớn của bóng đá Việt Nam. Từ FIFA U20 World Cup, SEA Games, VCK U23 châu Á đến ASIAD hay AFF Cup, Thanh Hậu đều không có tên.
5 mùa giải chơi cho HAGL ở V.League, anh thi đấu vỏn vẹn 39 trận (khoảng 8 trận/mùa). Người cùng lứa là Triệu Việt Hưng thi đấu 56 trận trong 4 mùa giải (khoảng 14 trận/mùa) dù xuất phát sau. Con số ấy tự thân đã nói lên nhiều điều.
Nhớ lại ngày ấy, Thanh Hậu từng giãi bày thật thà: "Không hiểu sao tôi lại được chọn,… Thực tế, nhiều người đã đặt câu hỏi: Tại sao lại là tôi, thay vì ai đó?".
John Duerden dường như đã sai lầm. Sai lầm ấy có thể không khiến ông mất nhiều danh tiếng nhưng với Thanh Hậu, anh phải đối mặt với áp lực vô hình từ một tài năng được tờ báo uy tín nước ngoài đánh giá. Không có nó, Thanh Hậu có lẽ đã đi theo một con đường khác nhẹ nhàng hơn trước ánh mắt người đời ở Việt Nam.
Phan Thanh Hậu năm 2014 sát cánh cùng Công Phượng, Tuấn Anh ở đội U19 Việt Nam. Anh sáng giá hơn Quang Hải nhưng vẫn chưa đạt đến đẳng cấp như kỳ vọng. Ảnh: VFF.
Thân hình thấp còi và nghịch lý ở Hàm Rồng
Không thể vươn lên tầm ngôi sao, nhiều phân tích đã xoay quanh cá nhân Phan Thanh Hậu, trong đó, yếu tố thể chất được xem là nguyên nhân chính dù cho anh có sức bền tốt.
Thể hình của Thanh Hậu được xem là "suy dinh dưỡng" trong giới cầu thủ bóng đá. Năm 2014, anh cao 1m70, nặng 53 kg. Năm 2020, con số này lần lượt là 1m74 và 60 kg. Tỷ lệ này là dưới chuẩn cân đối so với một nam giới. Nó được xem là nguyên nhân khiến Thanh Hậu không phát triển được các kỹ năng đúng với tiềm năng của bản thân.
Cũng năm 2014, trong cuộc khảo sát 3 khoá đầu tiên của học viện HAGL JMG, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM ngày ấy, đưa ra kết luận gây sốc: "Khảo sát 78 học viên thì 100% các em có chiều cao dưới chuẩn trung bình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có 3 em suy dinh dưỡng, thấp còi".
Thông tin này tạo nên nghịch lý khi học viện HAGL JMG thời điểm ấy được xem là có chế độ dinh dưỡng cho cầu thủ tốt nhất ở Việt Nam. Kể cả sau này khi tài chính của tập đoàn bị ảnh hưởng, đội 1 và các đội trẻ của HAGL vẫn được khẳng định là đang có chế độ dinh dưỡng tốt.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, các lứa cầu thủ HAGL so với các lò có điều kiện tốt như PVF, Viettel, Hà Nội đều thấp bé, nhẹ cân hơn. Lứa 1 của HAGL còn không có cầu thủ nào cao đến 1m80.
Phan Thanh Hậu (số 12) thi đấu cho U21 HAGL ở Giải U21 quốc tế Báo Thanh niên. Ảnh: BTC cung cấp.
Theo WHO, chiều cao con người do 4 yếu tố quyết định gồm dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), vận động (20%), giấc ngủ và môi trường (25%). Loại bỏ yếu tố di truyền, HAGL được cho là làm khá tốt khâu dinh dưỡng, vận động hay giấc ngủ. Chính vì vậy, vấn đề về môi trường là nguyên nhân cần chú tâm, cụ thể ở đây là những cây cao su.
Trung tâm Hàm Rồng của HAGL với diện tích 16 ha nằm giữa rừng cao su bạt ngàn của tập đoàn do bầu Đức đứng đầu. Cây cao su là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhưng được xác định là loại thực vật có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ con người.
"Cây cao su độc ngay cả trong việc trao đổi khí cả ban ngày lẫn ban đêm. Chính vì vậy, việc xây dựng nhà cửa gần rừng cao su là không nên bởi khả năng gây ra thiếu khí như oxy rất cao", trích trong cuốn "Cây cao su" của Hiệp hôi cao su Việt Nam.
Theo đó, trong điều kiện nhiệt độ cao, cây cao su sản sinh ra một loại chất có tên Pynthoncidere đơn nhất, kết hợp với một số chất có sẵn trong không khí, tạo nên một lượng lớn Ozon (O3) qua quang hợp và phản ứng hoá học phức tập, gây phương hại tới đường hô hấp của con người. "Rừng cao su hút mất sinh khí của cầu thủ HAGL" từ đấy mà thành câu chuyện đáng bàn.
13 năm trước, Trung tâm Hàm Rồng có cơ sở vật chất hiện đại nhưng sau ngần ấy năm, nơi đây đã không còn có giữ được vị trí độc tôn. Các cầu thủ trẻ đến đây ăn tập cũng không phát triển được thể trạng như các lò đào tạo khác. Câu chuyện về rừng cây cao su làm ảnh hưởng tới thể chất cầu thủ từ đấy mà thành. Ảnh: HAGL - Đ.Thảo.
Trung tâm Hàm Rồng không chỉ nằm giữa rừng cao su, thậm chí, đây còn là loại cây trồng chủ yếu trong trung tâm để tạo bóng mát. Thông tin này cũng đã được đưa lên trong quá khứ nhưng phía HAGL khẳng định đây không phải vấn đề khiến thể chất cầu thủ ngày càng tụt lại so với các lò đào tạo khác trong nước. Câu chuyện về rừng cao su vì thế vẫn còn đó để chờ thêm những nghiên cứu khoa học tỉ mỉ hơn.
Xây dựng một trung tâm bóng đá như Hàm Rồng đòi hỏi không ít công sức và rất nhiều tiền bạc. Bầu Đức đã chấp nhận đầu tư, trở thành cái tên tiên phong để sau này bóng đá Việt Nam có thêm những PVF, Hà Nội, Viettel. Vậy nhưng, kể từ sau lứa 1, HAGL chưa cho ra lò thêm bất cứ sản phẩm chất lượng nào, trong đó, nguyên nhân không thể phủ nhận nằm ở sự đi xuống về tài chính của ông bầu người Bình Định.
Phan Thanh Hậu được xem là đại diện tiêu biểu cho vấn đề vừa được nhắc. Sự phát triển về chuyên môn chững lại, thể chất không phát triển đúng mức và vì thế câu chuyện về rừng cao su cứ đeo bám lấy những cầu thủ HAGL.
Chính Phan Thanh Hậu cũng từng nghi hoặc, bán tín bán nghi về thông tin ấy như cái ngày anh thắc mắc "tại sao John Duerden lại chọn tôi?".