Đã gần nửa đêm, Vlada - một kĩ sư người Serbia - nhanh chóng trở về căn hộ ở Belgrade. Ông đi cùng người con trai 20 tuổi và bom đã bắt đầu rơi xuống thủ đô Nam Tư. Điện lưới bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đã liên tục thực hiện các cuộc không kích xuống Nam Tư từ cuối tháng 3 để ngăn chặn tội ác của các lực lượng dưới quyền tổng thống Slobodan Milosevic đối với những người dân tộc Albania ở tỉnh Kosovo. Hiện tại là ngày 7/5/1999 và chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ngày càng khốc liệt hơn.
Trong nhiều tuần trở lại đây, gia đình của Vlada đã trải qua nhiều đêm trú ẩn cùng những người khác trong tầng hầm của khu căn hộ. Những tiếng bom dội lại từ xa, tiếng máy bay gầm thét trong màn đêm tĩnh mịch và tất cả người dân đều cầu nguyện, mong rằng không có quả tên lửa nào phóng trúng nhà của họ.
Một vài người nghĩ rằng họ rất may mắn khi sống ngay cạnh Đại sứ quán Trung Quốc - một trụ sở ngoại giao quan trọng. Đây sẽ là "tấm bùa hộ mệnh" cho những khu dân cư lân cận.
Nhưng khi Vlada và con trai ông vừa nhìn thấy cửa kính của khu căn hộ, máy bay tàng hình B-2 của Mỹ đã chuẩn bị tung hỏa lực từ trên bầu trời Belgrade. Máy bay định vị những mục tiêu chính xác và được chọn lựa bởi CIA. Tất cả những gì Vlada nghe thấy là tiếng tên lửa đang vụt tới. Không có thời gian để di chuyển. Cánh cửa kính vỡ vụn, các mảnh vỡ rơi phủ xuống người Vlada.
"Áp lực của quả bom đầu tiên khiến chúng tôi mất cân bằng rồi ngã gục. Và những quả tiếp theo rơi xuống - bùm, bùm bùm. Tất cả cửa kính ở khu nhà bị vỡ hết do chấn động từ vụ nổ."
Hai cha con nhà Vlada hoảng sợ nhưng không bị thương. Cả 5 quả bom đều đánh trúng Đại sứ quán nằm cách đó 100 mét.
Mặt trước của Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade. Ảnh: SASA STANKOVIC/EPA/REX/SHUTTERSTOCK
Trước đó, Mỹ và NATO đã chịu nhiều chất vấn vì gây ra thương vong lớn cho dân thường trong chiến dịch không kích không được sự cho phép của Liên Hợp Quốc và bị Trung Quốc, Nga lên án mạnh mẽ. Bây giờ, Mỹ lại tấn công biểu tượng của Trung Quốc ngay giữa vùng Balkan.
Phía bên kia thị trấn, Shen Hong, một thương nhân Trung Quốc đang nỗ lực thông báo rằng Đại sứ quán đã bị tấn công. Ông Shen dường như không tin vào mắt mình. Mới một vài ngày trước, cha ông mới gọi điện từ Thượng Hải và đùa rằng ông nên đỗ chiếc Mercedes ở khu Đại sứ quán cho an toàn.
"Tôi gọi một cảnh sát và anh ta xác nhận với tôi. Viên cảnh sát này cũng vội vàng đi tới hiện trường, nên tôi nghĩ là mọi chuyện đã thực sự xảy ra".
Ông Shen tới gần địa điểm bị ném bom. Cả Đại sứ quán chìm trong biển lửa; các nhân viên bên trong tìm cách trèo ra ngoài từ cửa sổ để tìm lối thoát.
"Chúng tôi không thể tiến vào. Có quá nhiều khói, không có điện và không ai có thể nhìn thấy gì. Thật kinh khủng," ông Shen nói.
Ông Shen nhận ra một tùy viên văn hóa. Người này đã phải buộc thắt nút rèm cửa để trèo xuống từ tầng 2. "Chúng tôi không nhận ra rằng ông ấy đã bị thương nặng và chính ông ấy cũng không biết điều đó. Chỉ khi hai chúng tôi bắt tay, tôi mới thấy tay tôi nhuốm đầy máu. Tôi nói: 'Này anh đã bị thương rồi đấy, anh bị thương rồi! - nhưng lúc đó người tùy viên đã ngất đi".
Ngày hôm sau, ông Shen biết thêm rằng hai người bạn thân - đôi phóng viên mới cưới Xu Xinghu, 31 tuổi và Zhu Ying, 27 tuổi - đã thiệt mạng trong cuộc tấn công. Thi thể của họ được tìm thấy bên dưới những bức tường đổ nát. Cả hai qua đời khi đang ngủ.
Hai phóng viên Xu và Zhu là các phóng viên của tờ Quang Minh Nhật báo. Xu thành thạo tiếng Serbia và đã tự thuật lại những sự kiện ở Belgrade trong loạt phóng sự đặc biệt có tên "Sống cùng tiếng súng".
Zhu Ying là biên tập viên mảng nghệ thuật ở bộ phận truyền thông của báo. Mẹ của Zhu đã ngất đi vì đau khổ và phải nhập viện khi biết tin con gái thiệt mạng. Bố của Zhu phải đi một mình tới Belgrade để nhận thi thể con gái.
Phóng viên thứ 3 - Shao Yunhuan, 48 tuổi, làm việc tại Xinhua - cũng thiệt mạng. Chồng cô là Cao Rongfei bị mù sau vụ đánh bom. Tùy viên quân sự của Đại sứ quán - đảm nhiệm một cơ quan tình báo tại đây - đã được gửi trở lại Trung Quốc trong tình trạng hôn mê. Tổng cộng, 3 người đã thiệt mạng và ít nhất 20 người khác bị thương.
Ba phóng viên Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc ném bom Đại sứ quán Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
Đối với Shen, đây là tội ác chiến tranh. Và đây cũng là dấu hiệu của những sự việc khác phát sinh trong tương lai.
Chỉ vài giờ sau vụ đánh bom, hai câu chuyện khác nhau được hình thành và được kể lại từ hai phía Trung - Mỹ. Chúng được củng cố bằng các dẫn chứng trong những tháng sau đó và tiếp tục được đem ra tranh luận cho tới ngày hôm nay, ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Vụ đánh bom đã để lại nhiều nghi hoặc, hàng loạt câu hỏi chưa được giải quyết và không thiếu những thuyết âm mưu khác nhau. Nhiều tháng sau vụ việc, hai tờ báo Châu Âu cho rằng vụ tấn công đã được thực hiện có chủ đích.
Nhưng, như những cựu quan chức NATO đã phát biểu, trong hơn 20 năm không có bằng chứng cụ thể nào chứng tỏ được rằng đây là vụ tấn công cố ý. Trung Quốc vẫn khẳng định câu chuyện theo hướng này còn Mỹ vẫn một mực phủ nhận.
Vài giờ sau khi những quả bom rơi xuống, Mỹ và NATO đã ngay lập tức thông báo đây là vụ tai nạn. Trong khi đó, đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gọi đây là "tội ác chiến tranh" và "hành động man rợ".
Tại Brussels, Jamie Shea - phát ngôn viên người Anh của NATO - tỉnh giấc trong đêm và nói ông sẽ phải đối diện với truyền thông thế giới vào buổi sáng. Những thông tin ban đầu rất ít ỏi nhưng ông sẽ phải đưa ra những lời giải thích về chuyện đã xảy ra, và kèm theo đó là một lời xin lỗi. Trên bục phát biểu, ông nói máy bay chiến đấu Mỹ đã "không kích nhầm mục tiêu".
"Giống như một vụ tai nạn tàu hỏa hoặc tai nạn ô tô - mọi người biết tai nạn xảy ra nhưng không biết tại sao nó xảy ra. Cần rất nhiều thời gian để giải thích... nhưng ngay từ đầu mọi chuyện rất rõ ràng rằng tấn công đại sứ quán ở nước ngoài không phải là kế hoạch của NATO," ông Shea trả lời vào thời điểm 20 năm sau vụ việc.
Hơn một tháng sau Mỹ mới đưa ra lời giải thích đầy đủ cho Bắc Kinh: đó là một loạt những lỗi cơ bản đã dẫn tới việc 5 quả bom định vị GPS đánh xuống đại sứ quán Trung Quốc - trong đó 1 quả trượt qua mái nhà của đại sứ Trung Quốc ở sát trụ sở chính nhưng không phát nổ, và đại sứ đã may mắn thoát chết.
Theo các quan chức Mỹ, mục tiêu mà họ nhắm tới là trụ sở của Tổng cục Liên bang Nam Tư về Cung ứng và Mua sắm (FDSP) - cơ quan xuất nhập khẩu các thiết bị quốc phòng. Công trình này tới ngày nay vẫn ở địa điểm này - chỉ cách khu vực đại sứ quán vài trăm mét.
Cha của phóng viên Zhu Ying khóc tại lễ tang ở Belgrade. Ảnh: BORIS SUBASIC/EPA
Ban đầu, NATO hi vọng rằng chiến dịch không kích sẽ chỉ kéo dài vài ngày và ông Milosevic sẽ từ bỏ, rút quân khỏi Kosovo và cho phép những nhà gìn giữ hòa bình tiến vào. Nhưng tới trước thời điểm đại sứ quán Trung Quốc bị tấn công, các cuộc không kích đã kéo dài tới hơn 6 tuần và ông Milosevic vẫn không chịu bỏ cuộc. Trong nỗ lực tìm kiếm các mục tiêu tiếp theo để đáp bom, CIA đã quyết định tấn công FDSP.
Tuy nhiên, cơ quan tình báo Mỹ cho rằng họ đã sử dụng một tấm bản đồ không tốt.
"Nói một cách đơn giản, một trong số các máy bay của Mỹ tấn công nhầm mục tiêu bởi chỉ dẫn ném bom được dựa trên một tấm bản đồ đã lỗi thời," Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen nói hai ngày sau vụ ném bom. Ông ám chỉ rằng bản đồ mà Mỹ sử dụng đã không chỉ ra chính xác vị trí của FDSP mà chỉ nhầm sang Đại sứ quán Trung Quốc.
Cụ thể, các chuyên viên tình báo Mỹ chỉ có trong tay địa chỉ của FDSP là số 2 Bulevar Umetnosti, và họ sử dụng kĩ thuật định vị quân sự cơ bản để xác định vị trí tương đối của khu vực. Giám đốc CIA George Tenet sau này đó nhận kĩ thuật định vị rất thiếu chính xác, và không nên bao giờ được sử dụng để chọn mục tiêu ném bom.
Ngoài ra, ông Tenet nói khi đối chiếu cơ sở dữ liệu tình báo và quân đội, Mỹ không xác định được vị trí mới của đại sứ quán Trung Quốc tại đây, mặc dù một số nhà ngoại giao Mỹ đang có mặt trong khu công trình vào thời điểm bị ném bom.
Vụ tấn công và lời giải thích của CIA khiến nhiều người cảm thấy khó tin, đặc biệt khi xét tới việc quốc gia có quân đội tân tiến nhất thế giới đã đáp bom một thành viên cùng thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng là quốc gia lên tiếng phản đối chiến dịch không kích của NATO dữ dội nhất chỉ vì sai lầm trong việc sử dụng bản đồ.
Trung Quốc tất nhiên không chấp nhận lời giải thích của Mỹ, và nói mọi việc đơn thuần "không thuyết phục".
1 trong số 5 quả bom đã không phát nổ. Ảnh: SASA STANKOVIC/EPA
"Chính phủ và nhân dân Trung Quốc không thể chấp nhận kết luận rằng vụ ném bom là một sai sót," ngoại trưởng Trung Quốc đáp trả lời giải thích của đoàn đại biểu Mỹ tại Bắc Kinh vào tháng 6/1999.
Nhưng nếu không phải là sai sót, thì tại sao Mỹ chủ đích tấn công Trung Quốc?
Sáng sớm ngày 8/5/1999, nhà ngoại giao Mỹ David Rank vừa tỉnh giấc ở Bắc Kinh. Ông bật tivi lên và chứng kiến hàng loạt hình ảnh kinh hoàng về vụ ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade.
Tới buổi chiều hôm đó, hàng nghìn người biểu tình Trung Quốc đã tập trung bên ngoài. Tuy nhiên, ông Rank vẫn cảm thấy bình tĩnh. Ông gọi cho cấp trên của mình và nói: "Anh biết đấy, Jim, đây là điều quái đản nhất".
Nhà ngoại giao vội rời nhà, tới đại sứ quán Mỹ để gặp mặt các đồng nghiệp, tìm hiểu chuyện đã xảy ra vào đêm hôm trước. Rõ ràng một chuyện gì đó đã xảy ra, và đó là một thảm họa cực kì đáng buồn.
"Khi chạy dọc con đường tới đại sứ quán, tôi không nghĩ rằng đây sẽ là vấn đề lớn. Tất nhiên, vụ ném bom là vấn đề không nhỏ, nhưng không phải là câu chuyện phức tạp và kéo dài tới mãi về sau," ông Rank nói.
Nhưng trong vài giờ tiếp theo, cách chính phủ và nhân dân Trung Quốc phản ứng đã dần trở nên rõ ràng hơn.
Rank nhận được các cuộc gọi từ những người bạn Trung Quốc. Họ tỏ ra rất tức giận vì vụ ném bom. Các phóng viên Mỹ cũng nhận được các cuộc gọi tương tự từ những đồng nghiệp Trung Quốc, nói rằng họ rất bàng hoàng và cảm thấy bị phản bội.
Truyền thông của Trung Quốc đã có một câu chuyện rất rõ ràng - Mỹ đã phá vỡ luật pháp quốc tế bằng vụ đánh bom vào cơ sở ngoại giao của Trung Quốc.
"Tôi nghe được những câu chuyện giống nhau từ rất nhiều người Trung Quốc. Hết thảy đều tỏ ra rất tức giận," ông Rank nói.
Sinh viên Trung Quốc xuống đường biểu tình. Ảnh: PETER ROGERS/GETTY IMAGES
Tới buổi chiều hôm đó, hàng nghìn sinh viên đã đổ xuống khắp các con đường ở Bắc Kinh. Họ tập trung quanh đại sứ quán và mọi chuyện dần chuyển sang hướng bạo lực.
"Các sinh viên Trung Quốc gỡ những viên đá lát đường lên. Vỉa hè ở Bắc Kinh khi đó không được lát gạch mà chỉ có những viên đá lớn xếp xen kẽ. Đoàn người biểu tình gỡ các viên đá, ném và đập chúng quanh đại sứ quán Mỹ."
Nhiều mảnh bê tông rơi xuyên qua cửa sổ của tòa nhà. Hơn 10 nhân viên đại sứ quán, bao gồm cả Đại sứ Mỹ James Sasser, phải tìm chỗ trú ẩn. Xe của đại sứ quán cũng bị phá.
Thông điệp dường như rất rõ ràng: vụ đáp bom là do Mỹ cố ý và "nợ máu của người Trung Quốc phải được trả". Vụ biểu tình tiếp diễn vào ngày tiếp theo với quy mô lớn hơn - một số báo ước tính rằng có tới 100.000 người đổ xuống các khu vực, ném đá, sơn, trứng và gạch vào đại sứ quán Anh và Mỹ.
"Chúng tôi cảm thấy mình như là tù nhân vậy," Bill Palmer, phát ngôn viên của đại sứ quán, mô tả lại cảnh tượng khi ấy.
Những cuộc biểu tình quy mô lớn như thế này hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc. Vì vậy, chính phủ Trung Quốc đã phải cố gắng để kiểm soát vụ việc.
Đại sứ Mỹ James Sasser bị mắc kẹt trong Đại sứ quán Mỹ 4 ngày trong khi các cuộc biểu tình nổ ra. Ảnh: REUTERS
Trong một bài phát biểu hiếm hoi, ông Hồ Cẩm Đào lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình nhưng cũng cảnh báo rằng những người tham gia cần "tuân thủ pháp luật".
Cơn giận giữ của người Trung Quốc không chỉ diễn ra ở Bắc Kinh. Các đám đông cũng biểu tình mạnh mẽ ở Thượng Hải và những thành phố khác. Ở trung tâm Thành Đô, khu nhà ở của lãnh sự Mỹ bị đốt cháy.
Weiping Qin - khi đó mới 19 tuổi, là sinh viên đại học hàng hải ở Quảng Châu - nói những người biểu tình không biết rằng NATO đã xin lỗi vì nói rằng đây là một vụ tai nạn. "Chúng tôi không biết điều đó. Chúng tôi chỉ muốn xuống đường và biểu tình chống Mỹ".
Qin cho biết ban đầu các sinh viên được yêu cầu ở trong kí túc xá. Nhưng 24 giờ sau vụ ném bom, ban giám hiệu trường nói sẽ cần 30.000 sinh viên biểu tình ở các con đường quanh lãnh sự quán Mỹ.
Các sinh viên rút thăm để chọn người sẽ tham gia biểu tình. Sau đó, họ lên xe buýt và hô vang những khẩu hiệu nói rằng Mỹ và NATO "rất độc ác".
"Chúng tôi còn rất trẻ và rất giận dữ. Cơn tức giận sôi sục như những cơn sóng vậy," Qin nói.
David Rank thừa nhận rằng đó là sự tức giận tột cùng. "Tôi nghĩ rằng việc nói rằng sai lầm do hệ thống máy tính gây ra sẽ khiến người Trung Quốc rất tức giận."
Từ đầu những năm 1990, Trung Quốc đã tuyên truyền và giáo dục nhiều về tình yêu nước. Nhiều bài giảng trong sách giáo khoa, trường đại học và trên truyền thông đều nhắc nhở về những lần Trung Quốc "mất mặt" trước các thế lực phương Tây. Vụ đánh bom Belgrade cũng là một trong những câu chuyện như vậy.
"Sự tức giận mà một người Trung Quốc bình thường cảm thấy chỉ có thể được hiểu khi đặt trong bối cảnh lịch sử," Peter Gries, một giáo sư về chính trị Trung Quốc ở Đại học Manchester, nói.
Liu Mingfu - một cựu sĩ quan trong quân đội Trung Quốc - nói vụ đánh bom đại sứ quán là một trong chuỗi những sự kiện chứng tỏ rằng Mỹ phát động "cuộc Chiến Tranh Lạnh mới nhằm vào Trung Quốc".
"Đó hoàn toàn là cố ý. Là một vụ tấn công có chủ đích, có kế hoạch, chứ không phải là tai nạn," ông Liu nói.
Trung Quốc sau đó đã nhận 28 triệu USD tiền bồi thường từ Mỹ, nhưng sau đó phải trả lại 3 triệu USD vì những thiệt hại tài sản ngoại giao của Mỹ ở Bắc Kinh và những nơi khác. Mỹ cũng bồi thường 4,5 triệu USD cho gia đình của những người bị thương và thiệt mạng trong vụ đánh bom.
Sai lầm "chết người" của CIA khi ném bom sai mục tiêu 350m. Đồ họa: BBC
Năm tháng sau vụ tấn công, tháng 10/1999, hai tờ báo - Observer của Anh và Politiken của Đan Mạch - cho rằng những thông tin mà tùy viên quân sự Trung Quốc thu thập được có thể là lí do khiến Mỹ đáp bom đại sứ quán.
Dẫn các nguồn tin NATO, hai tờ báo nói trên cho biết đại sứ quán Trung Quốc đã được sử dụng sử dụng làm trạm phát sóng phát lại thông tin liên lạc cho quân đội Nam Tư. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã gọi đây là "những lời bịa đặt", trong khi Ngoại trưởng Anh Robin Cook nói rằng "không có một chút bằng chứng nào"để chứng tỏ câu chuyện này.
Nhưng hai thập kỉ sau, Jens Holsoe, phóng viên của Politiken tại Balkans từ năm 1995 tới năm 2004, và John Sweeney, cựu nhân viên của tờ Observer và hiện làm việc cho BBC, nói rằng họ tin chắc vụ đánh bom là có chủ ý.
Holsoe cho biết điều khiến ông nghi ngờ là việc Giám đốc CIA George Tennet công khai nói những hình ảnh vệ tinh không cho thấy mục tiêu là một đại sứ quán - "không cờ, không huy hiệu, không có đánh dấu rõ ràng" - trong khi trên thực tế không phải như vậy.
Một trong những nguồn tin của Holsoe - một sĩ quan cấp cao người Đan Mạch - thậm chí còn thu âm để xác nhận rằng vụ đánh bom là có chủ ý. "Nhưng ông ấy đột ngột dừng lời và nói nếu ông ấy còn nói thêm một từ nào về vụ đánh bom nữa, thì ông không chỉ bị sa thải, mà còn có thể bị tử hình".
Holsoe nói có bằng chứng rõ ràng về mối quan hệ hợp tác giữa quân đội Serbia và Trung Quốc. Holsoe đã tận mắt nhìn thấy những phương tiện quân đội ra vào đại sứ quán Trung Quốc. Trả lời tờ The New York Times, các quan chức Mỹ nói sau vụ đánh bom họ mới biết rằng đại sứ quán là nơi thu thập tình báo quan trọng nhất của Trung Quốc ở châu Âu.
"Đây đã, đang và sẽ luôn là câu chuyện bí ẩn," Sweeney nói.
Đại sứ Trung Quốc Pan Zhanlin - người may mắn sống sót sau vụ tấn công, đã phủ nhận việc đại sứ quán Trung Quốc được sử dụng làm trạm truyền tin và Trung Quốc đã nhận một số mảnh vỡ của máy bay chiến đấu tàng hình F-117 mà quân đội Serbia đã bắn rơi trong thời kì đầu của chiến dịch do NATO tổ chức.
Nhiều người cho rằng Trung Quốc đã giữ những mảnh vỡ này để học hỏi công nghệ. Những người khác đoán Trung Quốc tận dụng chiến lược không kích của NATO để kiểm tra công nghệ theo dõi máy bay tàng hình - vốn không thể phát hiện bằng các biện pháp thông thường được.
Nhưng kể cả khi những câu chuyện ấy là thật - câu hỏi được đặt ra vẫn là: Mỹ có sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ném bom Đại sứ quán Trung Quốc một cách cố ý không?
Thậm chí các chuyên gia ở Nam Tư cũng không có ý kiến nhất quán về vấn đề này. Một cựu quan chức tình báo quân sự nói với BBC rằng vụ ném bom là có chủ ý và lời giải thích của CIA quá "lố bịch"; trong khi đó, một sĩ quan nghỉ hưu khác lại tin vào câu chuyện của Mỹ.
"Khi một chuyện không may xảy ra, mọi người thường nghĩ rằng sẽ có lí do bí mật nào đó - họ nghĩ rằng không phải là sự rủi ro mà là một thuyết âm mưu," cựu phát ngôn viên NATO Jamie Shea nói. "Tôi nghĩ đó hoàn toàn là điều phi lí - chẳng qua chỉ là một lỗi bản đồ và một sai lầm tệ hại mà thôi".
Một ngày nắng đẹp vào cuối tháng 4, Shen Hong tới thăm nơi đại sứ quán bị ném bom để tưởng nhớ những người bạn đã qua đời. Nhưng ông không phải là người duy nhất tới đây. Trong những ngày kỉ niệm đau thương, những chiếc xe buýt chở hàng loạt khách du lịch Trung Quốc tới thăm viếng ở nơi này.
Ông Shen Hong tới thăm khu tưởng niệm. Ảnh: LAZARA MARINKOVIC
Zhang và He, hai thanh niên người Trung Quốc, đang trong tuần trăng mật ở Belgrade và họ quyết định tới thăm khu tưởng niệm. Hai người cũng tầm tuổi Xu Xingu và Zhu Ying khi họ qua đời vào năm 1999. "Chúng tôi biết về chuyện này khi chúng tôi còn nhỏ. Chúng tôi tới đây để thăm viếng họ," He nói.
Yang, một hướng dẫn viên du lịch khoảng hơn 30 tuổi, nói đại sứ quán này là địa điểm dừng chân bắt buộc. "Đại sứ quán của chúng tôi bị người Mỹ phá hủy. Người Trung Quốc nào cũng biết điều đó."
Nhưng thậm chí cả những người kêu gọi trả đũa ngay lập tức vào năm 1999 cũng nhận ra rằng thật may mắn khi Trung Quốc đã không mất kiểm soát: không người Mỹ nào thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và thỏa thuận bồi thường đã cho phép Bắc Kinh có một lằn ranh - dù chỉ mỏng manh - sau vụ việc ấy.
Khu Đại sứ quán đang được tái thiết để trở thành một trong những trung tâm văn hóa Trung Quốc lớn nhất Châu Âu. Ảnh: LAZARA MARINKOVIC
"Chúng tôi có nền kinh tế phát triển rất nhanh, hàng năm chỉ số kinh tế tăng trưởng rất mạnh. Và nếu chúng tôi dừng lại chỉ vì chiến tranh vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ mất rất nhiều," Shen nói.
"Thú thực, tôi là người cực đoan. Tôi luôn muốn giải quyết qua chiến tranh hơn đàm phán. Nhưng khi nhìn lại, thì người Trung Quốc đã làm điều đúng. Bởi vì ít nhất bây giờ chúng tôi có thể nói chuyện ngang hàng với người Mỹ".