Sai lầm nào khiến nghi án về Nga bùng nổ thành scandal mà Trump không dập tắt nổi?

Linh Nguyễn |

Tờ Los Angeles Times cho rằng sự vòng vo "không đầu không cuối" khi đáp trả nghi vấn ngầm liên lạc với Nga của chính quyền Trump là yếu tố khiến vụ bê bối này "bùng nổ".

Vào năm 2013, nhà tài phiệt Donald Trump khoe rằng ông có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đến năm 2016, Trump lại khẳng định chưa bao giờ liên lạc với Moscow - hay ít nhất ông cũng chưa gọi điện đến Nga suốt 10 năm qua.

Không chỉ vậy, loạt tên tuổi thuộc hàng ngũ cấp cao trong nội các của Trump đều đã hoặc đang phải đương đầu với cáo buộc gặp gỡ Đại sứ Nga tại Mỹ trong thời gian vận động tranh cử, Los Angeles Times ghi nhận.

Cố vấn an ninh cấp cao Michael Flynn đã phải từ chức; Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tự loại bản thân ra khỏi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, sau khi ông bị tố không nói với Quốc hội về các cuộc trao đổi với Đại sứ Nga. 

Tờ New Yorker mới đây công bố, cố vấn Nhà Trắng cấp cao Jared Kushner, cũng là con rể của Tổng thống Trump, đã tham dự cuộc họp với Đại sứ Nga nhưng Nhà Trắng hoàn toàn không nhắc tới.

Theo Los Angeles Times, những vụ việc trên đều xảy ra theo diễn biến sau: Các nhân vật chính phủ nhận sai lầm, sau đó truyền thông đưa ra bằng chứng, và họ bắt đầu giải thích hoặc biện hộ cho hành động trước đó. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ sẽ tung ra hàng loạt tweet giận dữ, đổ lỗi cho truyền thông, đảng Dân chủ và các nguồn rò rỉ tin từ trong Nhà Trắng.

Tấm màn bí ẩn xoay quanh mối quan hệ giữa Trump và Nga vốn chỉ gây tranh cãi bên lề, nhưng nó đã trở thành một vụ bê bối chấn động theo cách đó.

Los Angeles Times đặt câu hỏi, vậy mối quan hệ giữa Trump và Putin là gì? Tại sao khi các cơ quan tình báo Mỹ đưa tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, Trump lại chỉ trích CIA và biện hộ cho Putin? Những lần gặp gỡ Đại sứ Nga của quan chức cấp cao nội các chỉ đơn thuần bàn chuyện chính sách ngoại giao, hay là bằng chứng thông đồng với Moscow?

Bên cạnh những câu hỏi chưa có lời đáp, Los Angeles Times còn cho rằng ngài Tổng thống và những nhân vật cấp cao của ông đã phá vỡ mọi quy tắc quản lý khủng hoảng.

Thứ nhất: Khi có tin xấu, cần lập tức rà soát và không để nó kéo dài.

Thứ hai: Không dành quá nhiều thời gian chỉ để giải thích.

Thứ ba: Hãy xin lỗi và để tính thời sự của tin tức trôi qua. Cử tri có xu hướng tha thứ cho người chính trị gia mắc lỗi, nhưng ông ta cần biết nói lời xin lỗi.

Thế nhưng từ "xin lỗi" không có trong từ điển của Trump. Dường như ông chủ Nhà Trắng đã hình thành phản ứng đầu tiên là chỉ trích giới truyền thông, đổ lỗi cho các đối thủ chính trị, và nhấn mạnh rằng ông đã chiến thắng cuộc bầu cử.

Tờ Los Angeles Times nhận định, phong cách "thô ráp" này có tác dụng khi ông tranh cử, nhưng có nguy cơ phản tác dụng khi Trump ngồi trong Phòng bầu dục.

Không chỉ vậy, bằng việc công khai chỉ trích FBI và CIA, Trump đã vô tình "gây thù chuốc oán" với những người chịu trách nhiệm điều tra các động thái của Nga. Như vậy, gần như chắc chắn sẽ có người rò rỉ thông tin ra ngoài trong trường hợp kết quả điều tra có dấu hiệu bị che giấu.

Los Angeles Times ghi nhận, hầu hết các Tổng thống Mỹ chỉ vấp phải scandal chấn động khi bước sang nhiệm kỳ thứ hai, như trong trường hợp của Richard M. Nixon, Ronald Reagan và Bill Clinton.

Trong khi đó, Trump bước vào Nhà Trắng khi lùm xùm với Nga đang âm ỉ. Cộng với cách phản ứng dữ dội, gay gắt khiến ông "trông giống" một người có tội, có vẻ như scandal này sẽ còn tiếp tục gây "đau đầu" cho tân Tổng thống trong những tháng tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại