Sai lầm khiến cảnh sát chờ 3 tiếng mới giết nghi phạm vụ Orlando

Ngọc Minh |

Cảnh sát Orlando đang đối diện với nhiều chất vấn về việc, vì sao mất tới 3 tiếng - một khoảng thời gian rất lâu, để ập vào hộp đêm Pulse, tiêu diệt nghi phạm Omar Mateen.

Trưởng đội cảnh sát tuần tra hạt Suffolk, New York, ông Stuart Cameron, cho rằng, những phân tích về các vụ bắn giết cho thấy, trong một vụ xả súng điển hình, cứ 15 giây lại có 1 nạn nhân bị nghi phạm bắn chết.

Chính vì thế, ông Ben Tisa, cựu nhân viên FBI, cựu thành viên SWAT khẳng định: "Chúng ta không thể để cho nghi phạm có thời gian muốn làm gì thì làm và tiếp tục nổ súng".

Đánh giá sai lầm trì hoãn quyết định?

Khi vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại bắt đầu xảy ra, một nhân viên cảnh sát, vốn đang không trong thời gian làm nhiệm vụ, đã nổ súng về phía nghi phạm, tìm cách khống chế hắn. Sau đó, 2 cảnh sát khác cũng nhanh chóng tới "yểm trợ", song vẫn chưa thể tiêu diệt hắn.

Tuy nhiên, giới chức Orlando chưa cho các đơn vị chiến thuật ngay lập tức ập vào hộp đêm Pluse, nơi hơn 100 người đang bị bắt giữ làm con tin, tiêu diệt Omar Mateen.

Chuyên gia Jim Bueermann chia sẻ: "Sở Cảnh sát Orlando rất có tiếng tăm. Họ tổ chức tổt, và quen với việc đối phó với các tình huống phức tạp. Tôi rất ngạc nhiên rằng chính sách của họ lại không nhất quán với thông lệ hành động hiện tại của cảnh sát trong các tình huống tay súng vẫn còn tiếp tục bắn giết".

Tuy nhiên, giải thích về quyết định của mình, giới chức Orlando cho hay, tình hình đã thay đổi, từ kịch bản tay súng tiếp tục bắn giết sang kịch bản bắt giữ con tin.

Cảnh sát trưởng Orlando Mina nói, khi Omar ở trong nhà vệ sinh - nơi một số người đang lẩn trốn, hắn đã gọi điện ra bên ngoài và tuyên bố trung thành với IS. Đó cũng là lúc hắn ngừng bắn giết và nói chuyện với các đàm phán viên.

"Chúng tôi có một đội đàm phán khủng hoảng, họ đã nói chuyện với nghi phạm, cố gắng lấy được nhiều thông tin nhất có thể. Đó là điều chúng tôi có thể làm để đưa ra giải pháp cho tình hình. Hắn ta không đòi hỏi nhiều, và chúng tôi cố gắng đáp ứng gần như mọi thứ hắn yêu cầu".

Tuy nhiên, Mateen lập tức bắt đầu nói về bom và chất nổ, khiến ông Mina quyết định tiến hành kích nổ tường bao bên ngoài hộp đêm, rồi dùng chiếc xe bọc thép tạo ra lỗ hổng trên tường, đủ để cảnh sát có thể hành động.

Tới 5 giờ, cảnh sát Orlando quyết định sử dụng các thiết bị gây nổ để đánh lạc hướng nghi phạm, tạo điều kiện cho các khoảng 11 đặc nhiệm xông vào bên trong hộp đêm, bắn chết Omar.

Sai lầm khiến cảnh sát chờ 3 tiếng mới giết nghi phạm vụ Orlando - Ảnh 1.

FBI và pháp y kiểm tra các lỗ trống trên trường gây ra bởi thiết bị nổ và xe bọc thép của cảnh sát, trong lúc tìm cách đối phó với nghi phạm

Tuy vậy, thị trưởng Orlando Buddy Dyer thì tiết lộ, ban đầu, cảnh sát đã có một sự nhầm lẫn khi nghĩ rằng tay súng buộc chất nổ vào một số con tin, sau khi rô-bốt của họ tại hiện trường gửi về các hình ảnh một thứ trông như bảng mạch đặt bên cạnh một thi thể.

Theo ông, điều đó đã khiến họ trì hoãn việc xông vào bên trong hộp đêm, cho tới khi phát hiện đó chỉ là một phần của biển báo lối ra hoặc thiết bị phát hiện, cảnh báo khói.

Một số phương tiện truyền thông thì cho rằng, cảnh sát chờ khi xe bọc thép tới hiện trường và đảm bảo có đủ nhân sự mới tiến hành hành động.

Nên hành động, hay thận trọng chờ đợi?

Cảnh sát Mỹ đã thay đổi chiến thuật sau vụ thảm sát năm 1999 tại trường trung học Clumbine. Khi đó, cảnh sát đã đấu súng với các nghi phạm, rồi quyết định dừng lại và chờ đội SWAT tới. Khoảng thời gian chờ đợi là 45 phút, và 13 người đã thiệt mạng.

Nó phù hợp với cách thức hành động tiêu chuẩn của cảnh sát trước đây là thiết lập một vành đai và chờ lực lượng SWAT tới rồi mới tiến vào bên trong. Nhưng giới chức nhận ra rằng, việc trì hoãn hành động sẽ chỉ cho nghi phạm thêm thời gian bắn giết.

Theo ông Bueermann, bài học rút ra sau nhiều vụ xả súng là những cảnh sát đầu tiên tới hiện trường phải nhanh chóng thiết lập một đội và tiến vào bên trong nhằm khống chế nghi phạm, giải cứu nạn nhân, ngay cả khi họ đối mặt với nguy hiểm lớn.

Do đó, chuyên gia Chris Grollnek, cựu sĩ quan cảnh sát, cựu thành viên đội SWAT bày tỏ sự tức giận đối với việc các chỉ huy cảnh sát ở Florida buộc đặc nhiệm phải chờ vài tiếng trước khi ập vào bên trong hộp đêm.

"Trong 100% các vụ, hành động luôn hơn là không hành động".

Dù vậy, cũng có nhiều ý kiến trung lập hơn đối với cách thức triển khai hành động của cảnh sát trong vụ Orlando.

Sai lầm khiến cảnh sát chờ 3 tiếng mới giết nghi phạm vụ Orlando - Ảnh 2.

Pháp y khám nghiệm thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng

Một số chuyên gia cho rằng, có một sự khác biệt lớn giữa việc đối phó với tay súng hành động một mình và tay súng đang giữ con tin.

Trong các tình huống tay súng đang tiếp tục bắn giết, cánh sát Mỹ được huấn luyện phải phản ứng ngay lập tức, thậm chí nếu khi đó chỉ có 1 hoặc 2 cảnh sát có mặt tại hiện trường, đối mặt với kẻ tình nghi.

Còn trong tình huống bắt giữ con tin, thì các nhân viên thực thi pháp luật nói chung chọn cách đàm phán.

Theo ông Cameron, mục đích của các nghi phạm cũng là một yếu tố rất quan trọng trong quyết định của cảnh sát - liệu hắn chỉ gây tội ác với một người hoặc một nhóm nhỏ, hắn bị bệnh tâm thần, hay là kẻ khủng bố.

"Nếu vụ xả súng có yếu tố khủng bố, thì mọi tính toán đều thay đổi".

Nghi phạm khủng bố thường ít có khả năng để cho con tin của mình sống sót, và có thể nói với cảnh sát rằng chúng sẵn sàng thương lượng, chỉ với mục đích kéo dài thời gian và để các phương tiện truyền thông lao vào đưa tin.

Theo ông này, cảnh sát được dạy phải chạy về phía tiếng súng nổ.

"Khi súng ngừng nổ, bạn cũng phải dừng. Bạn không biết điều gì đang diễn ra bên trong. Hắn ta có thể có con tin, hắn ta có thể tự tử hoặc có thể không có kế hoạch gì, chỉ chờ bạn tới, tiến hành trao đổi".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại