Điện thoại để trong túi quần có tốt không?
Cũng giống như con người, hầu hết điện thoại thông minh chỉ chịu đựng được trong phạm vi nhiệt độ nhất định. Đối với các thiết bị do Apple và Samsung sản xuất, nhiệt độ lý tưởng là 0 – 35 độ, trong khi Xiaomi của Trung Quốc tự hào có ngưỡng đến 40 độ.
Với tình trạng nắng nóng ngày càng gia tăng, những chiếc điện thoại của chúng ta đang chịu đựng nhiệt độ vượt quá giới hạn quy định.
Khi điện thoại vượt quá nhiệt độ hoạt động bình thường, cảm biến nhiệt tích hợp sẽ kích hoạt một loạt hành động như cảnh báo nhiệt độ, hiệu suất máy chậm lại và thậm chí tắt máy. Đó là tính năng được thiết kế để giữ điện thoại an toàn cho đến khi nguội đi.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bắt buộc phải dùng điện thoại ngoài thời tiết nắng nóng, như công việc ngoài trời hay đơn giản là đút điện thoại trong túi quần khi chạy xe máy.
Chắc hẳn nhiều người luôn cảm thấy điện thoại nóng ran trong túi quần khi đang di chuyển giữa thời tiết nóng bức đỉnh điểm, bất chấp đã có lớp vải che chắn bảo vệ. Việc thường xuyên để máy tiếp xúc với nhiệt độ cao dù là để trong túi quần khi đi ngoài đường có thể làm giảm tuổi thọ của pin và làm hỏng các bộ phận bên trong.
Asurion - một công ty Mỹ cung cấp dịch vụ bảo hiểm điện thoại và vận hành 700 cửa hàng sửa chữa điện thoại thông minh - đã ghi nhận các sự cố liên quan đến pin nhiều hơn gần 15% trong mùa hè nóng kỷ lục năm ngoái so với khoảng thời gian còn lại của năm 2023.
Khi mùa hè năm 2024 còn nóng hơn nữa, người dùng sẽ phải cẩn trọng hơn nếu không muốn chứng kiến điện thoại của mình đột tử.
Khi nào điện thoại có dấu hiện quá nhiệt?
Hầu như mọi thứ bạn làm với thiết bị cầm tay đều tạo ra nhiệt và vì điện thoại thông minh không thể đổ mồ hôi như con người nên lượng nhiệt đó sẽ tích tụ mà không được giải phóng.
Khi nhiệt độ bên ngoài ở mức rất cao, không mất nhiều thời gian để nhiệt độ của điện thoại cũng tăng lên nhanh chóng. Ví dụ, trong đợt nắng nóng năm ngoái ở châu Âu, nhiệt độ lên tới 45°C đã "giết chết" một số điện thoại di động trên đảo Sardinia của Ý theo đúng nghĩa đen.
"Khi nhiệt độ môi trường xung quanh là 43 độ trở lên hoặc khi thiết bị tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời vào một ngày rất nóng thì phần lớn điện thoại sẽ bắt đầu gặp sự cố", Tom Paton, người sáng lập Green SmartPhones, một nền tảng so sánh điện thoại trực tuyến cho biết.
Tháng 5 vừa qua đánh dấu tháng thứ 12 liên tiếp Trái đất có nhiệt độ phá kỷ lục, với các đợt nắng nóng kinh hoàng ở Ấn Độ, Thái Lan và Ai Cập.
Điện thoại quá nóng sẽ gặp vấn đề gì?
Hầu hết các điện thoại thông minh đều cảnh báo người dùng về tình trạng quá nhiệt sắp xảy ra. Các ứng dụng của bên thứ ba như AIDA64 (dành cho Android và iOS) và Cooling Master (Android) cũng cho phép theo dõi nhiệt độ điện thoại theo thời gian thực.
Tuy nhiên, chuyên gia Paton áp dụng một nguyên tắc cơ bản hơn: Nếu điện thoại trên tay nóng đến mức bạn cảm thấy khó chịu, đó là lúc gặp vấn đề.
Nicholas Bains, chuyên gia về điện thoại thông minh tại Asurion, cho biết điện thoại hoạt động chậm lại cũng là một dấu hiệu nguy hiểm khác. Điện thoại sẽ cố tình làm chậm quá trình xử lý để không tạo ra nhiều nhiệt hơn nữa nhưng điều này có thể là quá muộn.
"Việc tiếp xúc thường xuyên và lặp đi lặp lại với nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng lâu dài đến hiệu suất điện thoại và có thể rút ngắn tuổi thọ pin vĩnh viễn", ông nói với Bloomberg.
Không chỉ hỏng pin, chip xử lý của điện thoại có thể bị hỏng nếu vượt quá nhiệt độ hoạt động tối đa. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, sự tích tụ nhiệt có thể dẫn đến cháy pin, gây cháy hoặc nổ nhỏ.
Do đó, với tình trạng nắng nóng hiện nay như ở Việt Nam, lời khuyên là hạn chế để nhiệt độ điện thoại tăng cao. Không nên sử dụng điện thoại hoặc mang điện thoại ra ngoài trời mà không có sự che chắn. Nếu để điện thoại trong túi quần đi ngoài đường mà cảm thấy máy nóng ran, hãy để thiết bị ra chỗ khác mát mẻ hơn.
Một điều tối kỵ khác là không nên để điện thoại trong xe ô tô đỗ dưới ánh nắng mặt trời. Không sạc điện thoại dưới trời nắng nóng. Và nếu điện thoại bị quá nhiệt, hãy làm mát bằng các phương pháp đơn giản như ngừng sử dụng, đặt trước quạt. Tuy nhiên, đừng bao giờ để điện thoại vào tủ lạnh.