Sai lầm chiến lược của Trung Quốc và nguy cơ đối đầu với Mỹ ở Biển Đông

Kiều Anh |

Trung Quốc đã không còn đồng minh nào ở Washington giữa bối cảnh mối hiềm khích Mỹ - Trung ngày càng gia tăng về một loạt vấn đề khó giải quyết.

Sai lầm chiến lược của Trung Quốc

Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc đã mắc phải "sai lầm chiến lược" khi xa rời các đồng minh ít ỏi của nước này ở Washington giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang nghiêm trọng.

Tuần trước, xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cả hai đưa ra quyết định đóng cửa các lãnh sự quán của nhau. Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Lãnh sự quán ở Houston trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng cách yêu cầu Washington đóng cửa Lãnh sự quán ở Thành Đô.

Trung Quốc không còn đồng minh nào ở Washington nữa, thậm chí cả các thành viên đảng Dân chủ, các nhà phân tích nhận định.

Theo Robert Kaplan, cố vấn cấp cao của tổ chức Eurasia Group, các hành động của Trung Quốc gần đây khiến nước này "không còn người bạn nào ở Washington, không còn người bạn nào ở Quốc hội và không còn nhiều người bạn trong đảng Dân chủ nữa. Các thành viên đảng Dân chủ nghiêng về cánh tả cũng không thích Trung Quốc vì cùng lý do với các thành viên đảng Cộng hòa cánh hữu. Có một cảm nhận sâu sắc ở Mỹ rằng, Trung Quốc đang lấy đi các công việc của người Mỹ".

Kishore Mahbubani, một học giả tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore cũng nhất trí với quan điểm này.

"Sai lầm chiến lược lớn nhất của Trung Quốc là đã xa rời nhóm thân thiện số 1 với nước này ở Mỹ, đó là cộng đồng doanh nghiệp", chuyên gia Kishore Mahbubani đánh giá.

Nhà quan sát này cũng cho biết: "Thực tế là, trong một thời gian dài trước đây, chẳng hạn như vào giữa những năm 1990, khi Tổng thống Bill Clinton muốn thông qua một số biện pháp chống lại Trung Quốc, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã ngay lập tức nói rằng: "Dừng lại, hãy dừng lại. Làm ơn đừng làm vậy, Trung Quốc có một thị trường lớn". Họ luôn là lực lượng muốn ngăn cản bất kỳ sự lao dốc nghiêm trọng nào trong quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, không có ai lên tiếng cả".

Nguy cơ đối đầu quân sự ở Biển Đông

Căng thẳng giữa hai quốc gia đã leo cao trong năm nay khi hai bên bất đồng trong một loạt vấn đề từ nguồn gốc đại dịch Covid-19 đến những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các vấn đề "không thể giải quyết" này, bao gồm cả vấn đề Biển Đông đã khiến Mỹ và Trung Quốc ngày càng tách rời nhau, chuyên gia Kaplan đánh giá.

Biển Đông trở thành tâm điểm tranh cãi giữa hai bên giữa bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn trong những tuyên bố vô căn cứ nhằm chiếm trọn vùng biển này và Mỹ tăng cường phát động các chiến dịch tự do hàng hải.

"Mỹ và Trung Quốc có những tham vọng và mục tiêu hoàn toàn đối lập nhau tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Với Trung Quốc, việc kiểm soát Biển Đông có ý nghĩa quan trọng để nước này tiến gần tới tham vọng về một đế chế hàng hải ở Ấn Độ Dương đang ngày càng phát triển", chuyên gia Kaplan phân tích.

Trong khi đó, theo chuyên gia này, Mỹ muốn giữ vững và tiếp tục chiếm ưu thế ở Thái Bình Dương. Do đó cả Mỹ và Trung Quốc đều "sẽ không sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào".

Trong một động thái hiếm hoi vào đầu tháng này, Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu sân bay tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông ngày 4/7, cũng là Ngày Quốc khánh Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông từ ngày 1 - 5/7.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng về lập trường cứng rắn của Mỹ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Những yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.

Ông Pompeo cũng cho biết Mỹ ủng hộ quyết định năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Hague, Hà Lan, theo đó khẳng định, Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông.

Nhà sáng lập Eurasia Group Ian Bremmer nhận định, động thái ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài tức là Mỹ đã trực tiếp phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực và điều này có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng về mặt quân sự.

"Đây là một quyết định ngoại giao nhưng lại tạo tiền đề cho sự leo thang quân sự, với việc Lầu Năm Góc có thể mở rộng các cuộc tập trận trong khu vực, theo dõi các tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác và những điều tương tự vậy", Bremmer cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại