Sài Gòn rộng lòng vậy đó!

Hoàng Xuân |

"Thiệt tình ở Sài Gòn này xưa đến giờ có thay đổi chút xíu nào đâu... Người Sài Gòn thì hồi nào tới giờ cũng vẫn sống với nhau như vậy à!".

Hôm đó, xe hết xăng dọc đường, tôi dắt bộ trên đường Trần Quang Khải đến cây xăng gần đó. Nắng tháng tư chang chang đổ lửa. Ngang qua ngã tư chợt nghe ơi ới "Xe sao đó". Nhìn lại, hóa ra anh xe ôm trên lề đường. Tôi ới lại trả lời.

"Cần đẩy phụ hông?"- anh tiếp. Bạn ơi, anh ấy "ngang nhiên" đòi giúp đỡ, dù tôi với anh ấy chưa từng quen biết. Và không hề có chuyện đẩy giùm rồi đòi trả tiền công đâu nhé.

Chỉ đơn giản là vì người Sài Gòn vốn vậy.

Sài Gòn rộng lòng vậy đó! - Ảnh 1.

"Mình bị rớt ví lúc gửi xe khi đi dự triển lãm tại 1 trường đại học, lúc đó mình không hay biết gì luôn, đến khi xuống lấy xe đi về thì thấy xe mình bị đẩy ra một góc khác biệt với các xe còn lại, còn trên xe thì đính kèm tờ giấy này đây", câu chuyện mất ví được người Sài Gòn chia sẻ. Ảnh: Human of Sài Gòn.

Một chiều khác, tôi đang đi trên đường Thành Thái, quận 10. Mưa chèm nhẹp, và xe tôi đột nhiên hục hặc rồi khựng lại. Dắt vô tiệm sửa xe bên đường. Anh thợ trẻ giục giã vào trong cho khỏi ướt, còn anh thì dầm mưa ra dắt chiếc xe lên lề.

Ra là ẩm IC, anh tháo ra, lau sạch sẽ, đề thử vài lần. Xe nổ ngon. Anh cúi xuống gõ thử lốp xe xem có căng không mặc dù tôi không nhờ.

Ổn mọi thứ, anh dắt xe xuống đường, nổ máy sẵn. Anh hỏi tôi đi lối nào để quay đầu xe theo hướng ấy. Nhưng khi tôi cảm ơn và hỏi giá tiền thì anh dứt khoát không lấy, chỉ cười: "Có nhiêu đâu mà lấy chị, hổng sao đâu, chị đi đi không mưa lớn đó".

Lại một đêm khác. Tôi và cô bạn thân ở xa về mải chuyện trò quá nên khi rời quán thì đã khuya. Đang băng qua ngã tư thì rầm, một chiếc xe bên kia phóng tới. Cả ba té lăn.

Nhìn anh nọ đã xỉn xỉn, mặt mũi bặm trợn, cau có, nhìn lại ngã tư vắng vẻ giữa khuya, chúng tôi hơi hoảng. Thì lao nhao, ba bốn bác đạp xích lô đang nằm trong xe ngủ gần đó chạy ra.

Các bác người thì đỡ chúng tôi dậy, người thì dựng xe, xem xe có bị gì không, quay thử bánh xe có bị méo hay trật. Rồi họ nói với anh kia, lúc này đang có bộ dạng gây sự: "Anh đi sai rồi, may người ta hông sao đó. Chớ gặp người khác là bắt thường anh tới rồi".

Các chú giục chúng tôi: "Hai đứa đi đi, đi đi".

Sài Gòn rộng lòng vậy đó! - Ảnh 2.

"Nghệ sĩ xế chiều như chú thì biết làm cái gì con ơi. Nè thấy không, đồ nghề kế một bên hết nè. Ở thì ở hotel mái che ngay đây luôn, người ta thương chú, người ta kéo cái mái che ra cho ở nhờ đó. Xe dựng kế bên đây, trời mưa một cái là lấy dông luôn.Nói giỡn chứ mấy đứa bây đứa nào muốn học đờn ra đây chú dạy cho. Đờn gì cũng được, guitar, đờn cổ gì chú biết chơi hết. Học phí cho tiền bánh kẹo thôi hà hà.Tụi bây lẹ lên nha, chứ chú sắp đi rồi đó. Đi đâu hả? Đi lên trời chớ đi đâu". Ảnh: Human of Sài Gòn

Sài Gòn của chúng tôi, những câu chuyện nhỏ xíu như vậy ai cũng có sẵn một bụng, có thể kể với nhau không dứt.

Nhưng chẳng ai kể những chuyện đó khi ngồi với nhau cả, vì hình như ai cũng thấy những việc làm đó là quá bình thường, là tất nhiên rồi, không có chi lớn lao để mà ca ngợi.

Một câu chuyện rất Sài Gòn khác nữa: ban đêm, chạy xe một mình trên đường vắng, chợt bạn thấy một người cắm đầu cắm cổ phóng theo. Hết hồn hết vía, bạn càng tăng ga chạy vun vút. Nhưng "soái ca" đó vẫn phóng nhanh hơn bạn, và khi vừa chạm đến bạn thì ảnh, hay chỉ, kìm ga lại để hét lên một câu kinh điển: "Đá tóóóo" (gạt chống xe lên).

Bạn giật mình nhìn xuống. Cái chân chống chưa gạt lên, may quá, chưa kịp xẹt lửa trên mặt đường hoặc vướng vào vật nào đó và quật ngã bạn dập xương sống.

Sau phút ú tim, bạn tìm ân nhân để nói một câu cám ơn thì người đó hoặc đã trở lại tốc độ cũ chạy bình thường đằng sau bạn, hoặc đã phóng vút lên phía trước, hoặc thậm chí đã quay đầu xe để trở lại con đường của mình.

Hóa ra, họ không đi cùng đường với bạn. Chỉ vì thấy chiếc chân chống nguy hiểm nên rượt theo bạn để nhắc vậy thôi.

Sài Gòn rộng lòng vậy đó! - Ảnh 3.

Ảnh: Human of Sài Gòn

Trên trang Human of Sài Gòn, hết lần này đến lần khác, những câu chuyện tình nghĩa về Sài Gòn được những người từ nơi khác đến sinh sống kể lại.

Nick Kan Nguyễn thuật câu chuyện của bản thân: "Hồi xưa còn làm sale bánh kẹo, chở kẹo đi giao hàng. Đang chạy ngon thì có 1 chị rượt theo la ơi ới: "em... em... rớt hàng kìaaaa".

Mình quay lại lượm thì người dân xung quanh ra lượm giùm, còn cho cái thùng mới để đựng, cho sợi dây thun cột thùng. Cô bán cơm thì dặn dò đi đứng cẩn thận, "mất hàng là nhịn đói cả tháng nha con".

Nick Quách Phúc thì kể: "Bữa chạy xe, bị bể bánh đầu, mất lái, đâm vô chiếc xe của chú kia. Xe mình cong luôn vành bánh đầu. Loạng choạng đứng dậy, dân trong nhà túa ra nói mình xỉn, la chửi quá trời luôn. Sau thì mọi người thấy mình không xỉn nên kêu "pha nước chanh cho thằng nhỏ nó uống".

Hỏi chú kia đền xe hư bao nhiêu tiền để con gởi chú thì chú nói xe chú bị đụng quen rồi, con coi để tiền sửa xe con đi".

Mấy hôm trước, trên mạng xã hội bao nhiêu trái tim bay lên với tấm ảnh một cô gái đang chạy xe thì dừng lại mở áo mưa khoác cho bà cụ bán hàng rong bên đường (Hà Nội).

Sài Gòn cũng vậy.

Sài Gòn rộng lòng vậy đó! - Ảnh 4.

Cô cầm chổi chứ thông minh lắm nha. Con cô học là cô cũng học đó!Hơn nhau là hơn ở cái đầu, chứ không phải tiền bạc.

Nick Trần Thùy Dương kể, bữa nọ bạn đang trú mưa thì một ông chú đứng gần rút ra cái áo mưa. Ông đưa cho bạn rồi nói "Mưa lớn lắm, chạy là ướt đó con. Chú còn dư nè, con mặc đi".

"Ở Sài Gòn bao nhiêu năm, không nhớ nổi có bao nhiêu người chủ động đưa áo mưa cho mình nữa, nhiều lắm..." - bạn này viết tiếp.

Nick Duy Đài, có lẽ là một shipper góp chuyện: "Mới chiều đi giao hàng. Tới khúc đường xấu òm thì rớt hàng. Đường vắng nhưng hễ có ai đi ngang là dừng xe lại giúp, dầm mưa người ướt nhẹp, hàng cũng ướt nhưng thấy lòng mình vẫn ấm áp lạ thường".

Ấm lắm, dù Sài Gòn đang vô mùa mưa và những đợt triều cường cộng hưởng dìm người ta vào cái ướt át lạnh run.

"Thiệt tình ở Sài Gòn này xưa đến giờ có thay đổi chút xíu nào đâu. Tụi anh vẫn lao động sống qua ngày, có khi khó nhưng vẫn đủ cơm hai bữa. Còn người Sài Gòn thì hồi nào tới giờ cũng vẫn sống với nhau như vậy à!" - một người lao động, không cho biết tên, chỉ có tấm ảnh trên trang, nói vậy.

Dạ, anh à, từ hồi nào tới giờ, và chắc chắn từ giờ tới sau sau mãi nữa, người Sài Gòn mình vẫn sẽ luôn luôn nồng nhiệt và rộng lòng một cách giản dị như vậy, héng anh!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại