Sài Gòn ăn rong cũng quẹt thẻ

Uyên Phương |

Không phải chỉ những nhà hàng sang trọng khách hàng mới có thể quẹt thẻ. Ở Sài Gòn, mua gói xôi, tô bún bò hay ly cam vắt… hàng rong, khách vẫn có thể quẹt thẻ thanh toán vô tư.

Trả tiền bằng quẹt, chạm

Phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1), lúc nào cũng nhộn nhịp người mua hàng. Điều khiến du khách rất ngạc nhiên lẫn thích thú là trước các quầy hàng đều dán hàng loạt các mã thanh toán (QR code) của ví điện tử (VĐT) để khách hàng thoải mái lựa chọn khi muốn thanh toán không dùng tiền mặt.

Gọi hộp bánh cuốn giá 20.000 đồng, ly cà phê 12.000 đồng, đang loay hoay tìm cho đủ số tiền lẻ, chị Hoài Phương (28 tuổi, nhân viên văn phòng) nhìn thấy biểu tượng chấp nhận thanh toán bằng mã QR dán trước quầy hàng. Ngay lập tức, chị mở điện thoại quét mã để thanh toán. Tổng số tiền 32.000 đồng được chuyển cho chủ quán theo số điện thoại đăng ký chỉ bằng vài thao tác “quẹt, chạm”.

“Nhiều lúc trong túi không có tiền lẻ, mới sáng sớm đưa tờ tiền lớn, chủ quán không đủ tiền thối, họ bảo mình đi đổi tiền rồi ghé lại mua. Rất bất tiện! Bây giờ có phương thức thanh toán mới này, tôi chỉ cần đem theo chiếc điện thoại là đủ, có lỡ đi đâu quên đem theo ví tiền cũng không lo lắng như trước” - chị Hoài Phương vui vẻ nói.

Rủ bạn đi ăn trưa, sau khi kêu 2 dĩa cơm tấm giá 50.000 đồng, chị Thu Thủy bèn rút điện thoại, chọn một cửa hàng điện tử mà mình có liên kết, trong vòng 3 giây, điện thoại hiện lên thông tin đã thanh toán thành công, và số tiền phải trả chỉ 40.000 đồng do được áp dụng chương trình khuyến mãi của ví điện tử.

Non tháng trở lại đây, khách hàng mua xôi bắp Huỳnh Mai tại khu vực đường Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) có thể trả bằng tiền mặt hoặc lấy điện thoại thông minh ra quét mã thanh toán dán trên thùng đựng xôi. Thông tin về điểm bán xôi bắp sẽ hiện trên màn hình điện thoại, 12.000 đồng tiền gói xôi được chuyển cho người bán theo số điện thoại đăng ký trên VĐT.

“Tôi đăng ký làm điểm chấp nhận thanh toán VĐT Momo vì đơn vị này cung cấp cho tôi một lượng khách hàng khá lớn là những khách hàng đang sử dụng VĐT Momo. Doanh số bán hàng của tôi từ đó tăng đáng kể” - chủ xôi bắp Huỳnh Mai nói.

Còn bà Minh (bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Q.1), cho biết chỉ mới hơn một tháng qua nhưng doanh số thanh toán qua VĐT của bà và nhiều người bán hàng rong ở đây đã đạt khoảng 1 triệu đồng, khá cao nếu so với giá trị món hàng và thời gian phương thức quét mã QR triển khai tại đây.

Trên các tuyến đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Cầu, Trần Khắc Chân, Lê Thị Riêng hay khu vực chợ Bến Thành, Tân Định (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) cũng có nhiều xe bán dạo trà sữa, cà phê, nước cam, điểm tâm sáng gắn biểu tượng chấp nhận thanh toán qua VĐT. TPHCM hiện có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng VĐT Momo, GrabPay by Moca và các VĐT khác.

Việc đẩy mạnh thanh toán thông qua VĐT đem lại lợi ích ba bên: khách được nhận khuyến mãi tiện ích của dịch vụ VĐT, người bán được nâng doanh số bán hàng, đơn vị thanh toán trung gian là các VĐT được lãi từ các giao dịch. Chị Tuyền mỗi ngày rong ruổi dã chiến với chiếc xe máy cũng bán được hơn trăm ly cà phê, nước cam trên đường Võ Văn Kiệt (Q.5) kể, cái lợi trước mắt là chuyện quản lý tiền nong dễ dàng hơn trước rất nhiều.

“Tôi muốn giao dịch rộng rãi để mở rộng việc bán hàng nhiều hơn. Từ ngày liên kết với các cửa hàng điện tử, mình được hưởng nhiều cái lợi lắm. Cái thứ nhất là không có tiền rách, không có tiền giả, hơn nữa mình cũng không phải thối tiền; mình cũng nhận được khuyến mãi như tặng card điện thoại, vé xem phim hoặc tiền (khoảng 20.000 đồng)” - chị Tuyền cho hay.

Sài Gòn ăn rong cũng quẹt thẻ - Ảnh 1.

Không cần đến nhà hàng sang trọng mới có thể quẹt mã QR, hàng rong ở Sài Gòn vẫn có thể “chạm, quét” bình thường

Sài Gòn ăn rong cũng quẹt thẻ - Ảnh 2.

Phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm (Q.1), quầy hàng nào cũng có 2-3 mã QR của nhiều ngân hàng điện tử để khách thoải mái lựa chọn

Sài Gòn ăn rong cũng quẹt thẻ - Ảnh 3.

Không còn loay hoay tìm tiền lẻ khi mua hàng

Thị trường tiềm năng

Số liệu từ Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Ngoài ra, thị trường có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Một số ngân hàng đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Theo đơn vị cung cấp ví điện tử, chỉ trong vòng 1 năm qua, số điểm thanh toán không tiền mặt là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán hàng rong đã tăng lên rất nhiều, với khoảng 100.000 điểm thanh toán. Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT M Service - công ty chủ quản MoMo chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi gặp khó khăn về công nghệ, đến nói rất phức tạp nên người dân không hiểu được. Năm 2018, chúng tôi tìm ra được phương thức để giới thiệu với người dân bình thường, mục tiêu là làm sao trong vòng 30 giây, người dân hiểu thanh toán không dùng tiền mặt là gì, với chi phí bằng không”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Đoàn Đình Hùng cho hay: “Số liệu được công bố gần đây cho thấy, những khoản chuyển tiền nhỏ hơn 5 triệu đồng tại Việt Nam lên đến 35 tỷ USD. Theo tôi, Việt Nam có dân số trẻ với hơn 90 triệu người, trong đó hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các hình thức thanh toán mới khai phá”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, xu thế không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Từ đó không chỉ giúp giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế mà bản thân doanh nghiệp cũng giảm được chi phí, tăng cường kết nối với người dùng trong và ngoài nước. Còn bản thân người tiêu dùng sẽ có nhiều tiện lợi trong việc thanh toán, mua hàng hóa hàng ngày…

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, để đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt, cần mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực công. Ngoài các lĩnh vực đã và đang thực hiện, cần mở rộng và gắn kết vào việc thu phí, lệ phí các dịch vụ công trực tuyến, dự án xe buýt điện tử, vé tàu điện tử. Bên cạnh đó, cần tăng truyền thông để từng bước thay đổi thói quen của người dân.

Lãnh đạo phụ trách ngân hàng điện tử của một ngân hàng thương mại cho rằng dù chỉ là các món thanh toán nhỏ lẻ nhưng giá trị thị trường này tại Việt Nam rất lớn, do đây là các khoản mà người dân phải chi tiêu hằng ngày, như buổi sáng phải đi ăn sáng, mua ly cà phê, trưa phải ăn trưa, hằng tuần phải đổ xăng...

“Thị trường này đang còn tiềm năng rất lớn để các ngân hàng, công ty thanh toán chạy đua lôi kéo khách hàng, do thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm phần lớn” - vị này nói.

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán sẽ ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có ít nhất 300.000 POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt trên 200 triệu giao dịch mỗi năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cũng có POS; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng có POS để phục vụ thu ngân sách nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại