Sá xị Chương Dương dưới thời người Thái

Huy Lê |

Sá xị Chương Dương đã quay đầu có lãi nhưng chủ yếu do tiết giảm chi phí. Trong khi đó, doanh thu và thị phần của doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện nhiều.

Những biến chuyển kinh doanh

Từng được mệnh danh là "vua" nước giải khát Sài Gòn một thời với sản phẩm sá xị Chương Dương, CTCP Nước giải khát Chương Dương (HoSE: SCD) đang trải qua giai đoạn khó khăn khi doanh thu và lợi nhuận xuống thấp.

Đỉnh điểm của sự xuống dốc là năm 2017, Chương Dương lỗ 3 tỷ và là năm thua lỗ đầu tiên sau hơn một thập niên kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, bên cạnh việc doanh thu sụt giảm do kinh doanh bị thu hẹp thì chi phí lớn phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, đại lý… khiến kết quả kinh doanh đi xuống.

Sá xị Chương Dương dưới thời người Thái - Ảnh 1.

Diễn biến kinh doanh trong 10 năm của SCD.

Năm 2018, Sá xị Chương Dương ghi nhận sản lượng tiêu thụ đạt hơn 23 triệu lít, giảm 20% so với 2017. Thị phần công ty tiếp tục giảm sút do sự phát triển mạnh của các thương hiệu cạnh tranh. Doanh thu chỉ đạt 297 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 9 năm qua.

Tuy nhiên, công ty đã bắt đầu có những động thái tái cấu trúc và tín hiệu khả quan hơn trong kinh doanh. Sau 4 quý lỗ liên tiếp, vào quý II/2018, Chương Dương có lãi 1 tỷ đồng. Dù không đạt chỉ tiêu sản lượng, kết thúc năm 2018, công ty đã quay đầu có lãi hơn 5 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch đề ra nhờ vào việc tiết kiệm chi phí.

Trong báo cáo thường niên 2018, công ty cho biết sẽ tiếp tục định hình lại doanh nghiệp với các quyết định chiến lược nhằm mở rộng và xây dựng lại thương hiệu. Công ty cũng thay đổi mẫu mã bao bì, cải tạo hoạt động, xây dựng thương hiệu.

Sá xị Chương Dương dưới thời người Thái - Ảnh 2.

Các sản phẩm của SCD.

Năm 2019, công ty đặt kế hoạch tăng 7% sản lượng tiêu thụ dự kiến, lên 25 triệu lít, doanh thu tăng 20% lên 333 tỷ đồng và lợi nhuận kế hoạch tăng 84% ở mức 9,6 tỷ đồng.

Dưới thời người Thái: Sự hiệu quả về chi phí

Sự hiệu quả bước đầu của Chương Dương chủ yếu đến từ việc quản trị chi phí bán hàng, nhất là sau khi ông chủ mới của Sabeco (Thaibev) có những động thái can thiệp mạnh hơn vào công ty nước ngọt này.

Thông qua Sabeco, người Thái yêu cầu Chương Dương phải chia cổ tức năm 2017 để tạo sức ép tăng trưởng và cũng ngay sau đó cử nhân sự mới (ông Neo Bennet) làm Chủ tịch. Việc sắp xếp nhân sự tiếp tục diễn ra sau đó ở vị trí Giám đốc kinh doanh, Kế toán trưởng. Đầu năm 2019, Chương Dương quyết định bổ nhiệm ông Neo Hock Tai, Schubert làm Tổng giám đốc mới của công ty.

Phân tích sâu vào kết quả 2018, mặc dù doanh thu giảm đến 17%, biên lợi nhuận gộp vẫn tăng 0,5% lên gần 23,3%. Các chi phí khác cũng được Chương Dương cắt giảm mạnh là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp quay đầu có lãi.

Sá xị Chương Dương dưới thời người Thái - Ảnh 3.

Chương Dương tích cực tiết giảm chi phí.

Kết quả quý I/2019 cũng cho thấy doanh nghiệp đã giảm mạnh chi phí bán hàng để giúp lợi nhuận sau thuế thu về 4,7 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 411 triệu đồng cùng kỳ 2018.

Sá xị Chương Dương dưới thời người Thái - Ảnh 4.

SCD cắt giảm mạnh chi phí bán hàng trong quý I.

Tại họp Đại hội cổ đông vừa qua, Tổng giám đốc Schubert cho biết công ty đã có sự chuẩn bị trong việc kiểm soát chi phí và cam kết kiểm soát chặt chẽ chi phí, cổ đông có thể thấy điều này trong thời gian tới. Chương Dương sẽ tập trung về thương hiệu trước khi nghĩ đến sản xuất sản phẩm mới.

Còn Chủ tịch Neo Bennett cho biết Thaibev sẽ cùng Sabeco vào hỗ trợ công ty. Thaibev đã sử dụng đội ngũ của F&N để hỗ trợ bán hàng, trong khi Sabeco sẽ hỗ trợ về sản xuất và nhân sự.

Những chuyển biến của SCD dưới thời người Thái chỉ mới thể hiện ở khả năng kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, để vực dậy một Sá xị Chương Dương cũ kỹ phải cần nhiều hành động hơn nữa trong việc mở rộng thị phần, tăng doanh thu, phân phối và marketing, đầu tư máy móc, sản phẩm mới…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại