Gần 50 mới đóng phim
Trong 4 vai chính của “Tây du ký” bản 1986, Sa Tăng là vai diễn trầm lặng nhất. Dù ít đất diễn và lời thoại hơn Đường Tăng, Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới, nhưng qua sự thể hiện của Diêm Hoài Lễ, nhân vật này để lại ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ, cũng như trở thành “tượng đài” mà bao nhiêu lớp diễn viên sau này không thể phá vỡ.
Tạo hình Sa Tăng của Diêm Hoài Lễ đã quá quen thuộc đối với người hâm mộ.
Diêm Hoài Lễ sinh năm 1936 tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Là “tam sư đệ”, vai vế nhỏ nhất trong bốn thầy trò Đường Tăng, nhưng trong thực tế, ông là diễn viên lớn tuổi nhất đoàn làm phim.
Thời điểm “Tây du ký” bắt đầu khởi quay vào năm 1982, Diêm Hoài Lễ đã 46 tuổi. Đây cũng là vai diễn đầu tiên của ông ở mảng phim truyền hình. Trước đó, ông chủ yếu hoạt động ở mảng kinh kịch. Ông từng tham gia nhiều vở kịch nổi tiếng như Tuổi trẻ một thời, Trí tuệ Uy Hổ Sơn...
Diêm Hoài Lễ bén duyên phim truyền hình ở tuổi U50.
Được biết, ban đầu Diêm Hoài Lễ tìm đến đoàn phim Tây du ký để casting vai quốc vương trong phần Trừ yêu ở nước Ô Kê. Tuy nhiên, ông bị loại do không phù hợp. Những tưởng vô duyên với “Tây du ký”, ông lại được nghệ sĩ Đổng Hành Khiết giới thiệu cho đạo diễn Dương Khiết để vào vai Sa Tăng – vốn mãi không tìm được diễn viên vừa ý.
Đến khi hoàn thành hóa trang, đoàn phim mới gật gù rằng, Diêm Hoài Lễ chính là “Sa sư đệ” bước ra từ nguyên tác.
Trước khi trở thành "tam sư đệ" hiền lành, ít nói, Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng trên Thiên Đình, vì lỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly nên bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới. Sa Tăng biến thành yêu quái ở dưới Lưu Sa Hà, làm hại vô số dân lành và đòi ăn thịt trẻ con.
Một mình đảm nhận 10 vai dù “không công”
Trên phim, người hâm mộ đều thấy Diêm Hoài Lễ hóa thân thành công vào một Sa Tăng cao lớn, râu ria xồm xoàm nhưng chân chất, ít nói, điềm tĩnh và chăm chỉ. Nhưng Sa Tăng không phải vai diễn duy nhất của ông trong phim.
Do kinh phí eo hẹp, điều kiện thiếu thốn, đoàn làm phim không đủ tiền để mời diễn viên. Do vậy, các diễn viên phải đồng thời đảm nhận nhiều vai phụ khác. Diêm Hoài Lễ cũng không ngoại lệ.
Ngoài vai Sa Tăng, ông còn thể hiện 8 vai khác, gồm Ngưu Ma Vương, Tây Hải Long Vương, Thái Thượng Lão Quân, Thiên Lý Nhãn, ông lão, hòa thượng, Ngự Mã giám và Quyển Liêm đại tướng.
Những vai phụ do Diêm Hoài Lễ đảm nhận mà không phải ai cũng biết.
Vất vả là thế, trong suốt 6 năm cùng đoàn làm phim rong ruổi khắp mọi miền đất nước, ông không nhận bất kỳ một khoản thù lao nào, với mong muốn có thể hỗ trợ một phần cho bộ phim.
Công sức của Diễm Hoài Lễ và các bạn diễn cuối cùng cũng được đền đáp. Sau khi phát sóng vào năm 1986, “Tây du ký” đạt được thành công rực rỡ, không chỉ được yêu mến ở trong nước, mà còn làm “chao đảo” nhiều quốc gia khác. Phim trở thành tác phẩm kinh điển trong lịch sử điện ảnh Trung Hoa, đưa loạt tên tuổi trở thành “bất diệt” trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Phim được chiếu đi chiếu lại hàng trăm lần vẫn giữ nguyên sức hút. Hiện tại, phim đang được phát sóng vào lúc 19h trên VTV2.
Sau “Tây du ký”, Diêm Hoài Lễ còn tham gia nhiều tác phẩm đình đám khác như Tam quốc diễn nghĩa (1991, vai Trình Phổ), Ỷ Thiên Đồ Long ký (1993, vai Tạ Tốn), Đông Chu Liệt Quốc (1996, vai Tề Công) và Kỷ Hiểu Lam (2000, vai Trần Huy Tổ).
Nhờ những cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, ông được trao tặng danh hiệu Diễn viên cấp 1 quốc gia, và Nghệ sĩ nhân dân toàn quốc.
Cuối đời bị bệnh tật giày vò
Sau bộ phim Kỷ Hiểu Lam, sức khỏe của Diêm Hoài Lễ vốn không tốt lại ngày càng lao dốc. Đến mức, ông phải lỡ hẹn với “Tây du ký” phần 2, quay vào năm 2000.
Được biết, ông bị viêm phổi mãn tính. Theo chia sẻ của “Trư Bát Giới” Mã Đức Hoa, Diêm Hoài Lễ từng bị trúng độc hương muỗi trong thời gian quay “Tây du ký” phần 1, khiến ông bị sưng phổi, ngất xỉu.
Bệnh tật biến một người cao lớn như Diêm Hoài Lễ trở nên ốm yếu.
Về cuối đời, căn bệnh càng trầm trọng, Diêm Hoài Lễ không thể ngửi, mất vị giác, mắt không nhìn rõ, tai lãng, bất lực trên giường bệnh. Đến ngày 12/4/2009, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Millennium Monument ở Bắc Kinh.
Trước lúc qua đời, ông có tâm nguyện được gặp lại “đại sư huynh” và “nhị sư huynh”. Tuy nhiên chỉ có Lục Tiểu Linh Đồng đến kịp.
“Tôn Ngộ Không” từng kể lại khoảnh khắc ấy rằng, nhận được điện thoại của vợ Diêm Hoài Lễ, ông tức tốc chạy đến bệnh viện. Thậm chí chờ thang máy quá lâu, ông không ngại leo thang bộ lên tầng 12 vì sợ không thể gặp mặt “Sa sư đệ” lần cuối.
“Lúc đến nơi, anh ấy đang thở oxy và được các bác sĩ tại đây cấp cứu. Vợ Hoài Lễ ở bên cạnh nói với chồng: "Anh ơi, Đại sư huynh đến thăm anh rồi này". Anh ấy không nói được, nhưng tôi thấy nước mắt chảy ra từ khóe mắt Hoài Lễ”, Lục Tiểu Linh Đồng nhớ lại.
Bốn thầy trò Đường Tăng tái ngộ.
Đám tang của Diêm Hoài Lễ được tổ chức vào ngày 16/4/2009, với sự có mặt của đông đảo đồng nghiệp, người hâm hộ, trong đó phải kể đến dàn diễn viên “Tây du ký” như Trì Trọng Thụy, Uông Việt, vợ chồng Lục Tiểu Linh Đồng - Vu Hồng, Mã Đức Hoa, Lưu Đại Cương (vào vai Sa Tăng phần hai), Vương Bá Chiêu (vai Tiểu Bạch Long), Châu Lâm, Châu Long Nghiễm (vai Phật tổ), Tôn Phượng Cầm (vai Lê Sơn Lão Mẫu)…
Không kịp gặp “Sa sư đệ” lần cuối khiến Mã Đức Hoa vô cùng tiếc nuối. Ông không kìm nén được khóc lớn tại đám tang, còn trách vợ Diêm Hoài Lễ không thông báo sớm.