Rút sổ bảo hiểm một lần chỉ có hại không có lợi
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành hơn 2 năm qua, nhiều người lao động mất việc làm dẫn đến không có thu nhập.
Theo thống kế, cả nước đã có hơn 200.000 lượt người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong 3 tháng đầu năm 2022 sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chỉ riêng tại TP.HCM, 3 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 37.000 người làm thủ tục nhận BHXH một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Phân tích về cái lợi và hại của việc rút BHXH một lần, trao đổi với PV báo Tuổi trẻ, ông Phan Văn Mến - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết: Việc rút BHXH một lần như thời gian gần đây không mang đến lợi ích gì cả, mà chỉ có thiệt cho người lao động.
Theo tính toán của chúng tôi, bình quân một người một năm phải đóng tiền BHXH lên tới 2,64 tháng lương, nhưng khi rút tiền BHXH 1 lần họ chỉ được hưởng 1,5 tháng (trước 2014) và 2 tháng (sau 2014). Đây là con số chênh lệch khá lớn, thiệt thòi cho người lao động.
Ngoài ra, rút tiền BHXH sẽ đồng nghĩa với việc người lao động tự đưa mình ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Tức sau này không được hưởng chế độ hưu trí và đặc biệt không còn được hưởng chế độ BHYT lúc ốm đau bệnh tật. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống an sinh của chính bản thân người đó, đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, xã hội.
Ví dụ điển hình như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, có nhiều người trước đó đã rút sổ BHXH, do đó khi nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp được thông qua, họ không còn được hưởng chế độ BHXH.
Cách tính mức hưởng Bảo hiểm xã hội một lần
Để làm rõ những thiệt thòi khi rút Bảo hiểm xã hội một lần, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra tình huống so sánh trường hợp người lao động nhận BHXH một lần với việc nhận lương hưu hàng tháng như sau:
Ví dụ: Bà Nguyễn Thị B năm 2022 đủ 55 tuổi 08 tháng, đến hết năm 2019 đã tham gia Bảo hiểm xã hội được 18 năm (từ năm 2002-2019).
Giả định Bà B thọ 76,3 tuổi (tuổi thọ trung bình theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tuổi thọ của nữ giới), không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ BHXH, có các kết quả như sau:
1. Nếu Bà B quyết định nhận Bảo hiểm xã hội một lần thì có mức hưởng là:
(12 năm X 1,5 tháng lương) + (6 năm X 2,0 tháng lương) = 30 tháng lương.
Theo đó, thời gian đóng Bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng Bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội khác.
Không còn trong hệ thống Bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội; Mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; Phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần (12 tháng); Mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội đã nhận một lần.
2. Nếu Bà B đóng Bảo hiểm xã hội thêm 2 năm cho đủ 20 năm (đảm bảo điều kiện về số năm tham gia Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu) thì mức hưởng lương hưu Bà B nhận được trong khoảng 20 năm là:
20 năm X 12 tháng X 45% = 108 tháng lương.
Ngoài lương hưu lĩnh hằng tháng, Bà B còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm:
Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ Bảo hiểm xã hội.
Được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe (hằng tháng quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bằng 4,5% mức lương hưu).
Thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi Bà B qua đời gồm có: Trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (Trợ cấp tuất một lần mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ cấp tuất hàng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 04 người, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở).
Đây chỉ là ví dụ về trường hợp người lao động đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu tham gia Bảo hiểm xã hội nhiều hơn thì mức hưởng sẽ cao hơn, chưa kể đến mức hưởng lương hưu còn được điều chỉnh tăng và khi người lao động sống càng thọ thì tiền hưởng lương hưu sẽ càng nhiều hơn.
Tổng hợp