Rút quân Mỹ khỏi Syria: Tổng thống Trump có vi hiến?

Thanh Tuấn |

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang trải qua quãng thời gian sóng gió với quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan. Vì sao hành động này bị chỉ trích mạnh mẽ và liệu bước đi đó có vi hiến hay không?

Quyết định gây tranh cãi

Ngày 19/12, Tổng thống Trump đã bất ngờ ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria ngay lập tức, khép lại 4 năm can dự của Washington tại quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria, điều ông coi là lý do duy nhất cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Syria.

Đây là bước đi hết sức bất ngờ và vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Dù quyết định rút quân khỏi Syria được phe Dân chủ đồng tình, song ông Trump đang đối mặt với “cơn thịnh nộ” của các chính khách Cộng hòa.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng rút quân vào thời điểm này là một thất bại. Chia sẻ quan điểm trên, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh “rút quân là trao thắng lợi cho IS, cho Iran, chính quyền (Tổng thống) Bashar Assad và Nga. Động thái này sẽ gây hậu quả to lớn đối với nước Mỹ, khu vực và thế giới”.

Không chỉ các nhà lập pháp, hàng loạt quan chức Bộ Quốc phòng và các đồng minh quốc tế của Washington cũng lên tiếng phản đối rút quân. Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình trên thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị khó lường.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi tiến hành điều trần về quyết định này, trong khi dư luận thắc mắc liệu hành động của Tổng thống Trump có vi phạm Hiến pháp Mỹ hay không?

Qui định của Hiến pháp

Hiến pháp Mỹ qui định tổng thống giữ vai trò là Nguyên thủ quốc gia và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, nắm toàn quyền chỉ huy và trực tiếp điều động quân đội Mỹ. Tổng thống, với tư cách Tổng tư lệnh, hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với an ninh quốc gia và sự an toàn của công dân Mỹ, có quyền xác định đất nước có bị đe dọa hay không.

Bên cạnh đó, trên cương vị Nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Mỹ cũng là người đứng đầu chính phủ (nhánh hành pháp), chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các bộ sức mạnh khác, tổng thống Mỹ có quyền sử dụng các công cụ phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia, tài sản và công dân Mỹ, trong đó có cả biện pháp sử dụng sức mạnh quân sự, cũng như thực hiện các thỏa thuận và hiệp ước mà nước này ký với các đối tác hay đồng minh.

Rút quân Mỹ khỏi Syria: Tổng thống Trump có vi hiến? - Ảnh 2.

Lực lượng Mỹ tham chiến tại Syria. Ảnh: Global Research

Dù vậy, các nhà lập quốc Mỹ khi soạn thảo Hiến pháp cũng “cài” vào điều khoản nhằm hạn chế quyền lực của tổng thống đối với quân đội. Theo Mục 1, Điều 8 Hiến pháp Mỹ, việc đưa quân đội ra nước ngoài tham chiến phải được Quốc hội đồng ý và chỉ Quốc hội mới có quyền tuyên chiến.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Trên thực tế, lịch sử nước Mỹ cận đại chỉ có 1 lần duy nhất Quốc hội Mỹ chính thức đưa ra tuyên bố chiến tranh. Ngày 7/12/1941, Đế quốc Nhật bất ngờ tấn công căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng ở Hawaii.

Chưa đầy 24 giờ sau, vào lúc 12h30 phút ngày 8/12/1941, Tổng thống Franklin Roosevelt công bố lời Tuyên chiến với Nhật do Quốc hội Mỹ thông qua, đánh dấu sự tham chiến của nước này trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2.

Từ đó tới nay, các đời tổng thống đã đưa nước Mỹ can dự rất nhiều cuộc xung đột mà không cần lời tuyên chiến chính thức của quốc hội. Trường hợp cuộc chiến tại Syria cũng không phải ngoại lệ. Có nhiều lý do lý giải cho điều này, một trong số đó là việc vận dụng Nghị quyết về Quyền hạn Chiến tranh (hay còn gọi là Luật Quyền hạn Chiến tranh).

Luật Quyền hạn Chiến tranh

Luật Quyền hạn Chiến tranh qui định Tổng thống Mỹ có thể đưa Lực lượng Vũ trang ra nước ngoài tham chiến sau khi Quốc hội tuyên chiến, hoặc được Quốc hội ủy quyền, hoặc trong trường hợp "Mỹ đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia bởi một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ hoặc tài sản, hoặc lực lượng vũ trang”.

Luật trên yêu cầu tổng thống phải báo cáo Quốc hội Mỹ trong vòng 48 giờ trước khi tiến hành hành động quân sự ở nước ngoài, qui định lực lượng vũ trang không được thực hiện chiến dịch quân sự quá 60 ngày, cộng với thời gian rút quân 30 ngày, mà không có sự cho phép của Quốc hội hoặc Quốc hội không tuyên chiến.

Các qui định có phần nới lỏng hơn, đôi khi xung đột, trong Luật Quyền hạn Chiến tranh so với Hiến pháp đã trở thành một trong những “kẽ hở” để các đời tổng thống Mỹ chủ động đưa quân đội tham chiến ở nước ngoài mà không bị coi là vi hiến.

Rút quân Mỹ khỏi Syria: Tổng thống Trump có vi hiến? - Ảnh 4.

Binh sĩ Mỹ bắt đầu rút khỏi Syria. Ảnh: BBC

Với hợp Syria, rõ ràng Mỹ chưa hề tuyên chiến với Syria. Song vào cuối năm 2013, Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama đã chỉ đạo Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) bí mật mở một chương trình huấn luyện và vũ trang cho các lực lượng đối lập chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sau khi lên cầm quyền tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Lầu Năm Góc triển khai nhóm binh sĩ đầu tiên tới Syria, ban đầu làm nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ thông tin tình báo cho cái gọi là cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Tháng 4/2017, Mỹ và liên quân mở các đợt không kích bằng tên lửa hành trình và các mục tiêu tại Syria với cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học, hành động mà Chính quyền Tổng thống Trump cho là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Dù nhiều thời điểm các nhà lập pháp Mỹ chỉ trích hành động này, song trên thực tế chưa hề có động thái pháp lý nào nhằm vào tổng thống. Giới phân tích cho rằng ngay từ đâu việc Mỹ tham chiến tại Syria mà không được Quốc hội ủy quyền đã không bị coi là vi hiến, thì quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria cũng khó có thể xem là vi hiến.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại