Trong chuyến thăm bất ngờ tới căn cứ không quân Hmeimim thuộc tỉnh Latakia hôm 11/12, Tổng thống Vladimir Putin đã ra tuyên bố rút một phần lực lượng quân đội Nga về nước sau hơn 2 năm hỗ trợ quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ từng rơi vào tay của các nhóm khủng bố.
Tạp chí National Interest dẫn nhận định của Giáo sư Nikolas K. Gvosdev tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng, địa điểm mà Tổng thống Putin chọn để đưa ra tuyên bố rút quân đội Nga khỏi Syria về nước cũng "thật đặc biệt".
Bởi Hmeimim hiện được xem là căn cứ không quân Nga tại Syria cùng căn cứ hải quân đã được nâng cấp tại cảng Tartus. Hai căn cứ này được xem là sự tái khôi phục vị thế chiến lược của Nga ở Trung Đông. Ngoài ra, những căn cứ này cũng sẽ sớm hợp nhất với các cơ sở quân sự ở Ai Cập và Libya. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào mức độ đàm phán thành công của các nhà ngoại giao Nga với các chính trị gia tại những quốc gia này.
Chia sẻ với Sputnik, nhà phân tích các mối quan hệ quốc tế và an ninh tại Nga, ông Mark Sleboda cũng cho rằng, tuyên bố rút quân khỏi Syria của Tổng thống Putin là lời công nhận những chiến công lớn mà không quân Nga đã đạt được trong quá trình hỗ trợ quân đội Syria tiêu diệt lực lượng khủng bố. Song thực tế, Nga không rời khỏi Syria vì Nga không di dời các căn cứ quân sự của nước này ra khỏi Syria.
Theo ông Gvosdev, phong thái và ngôn ngữ Tổng thống Nga dùng trong tuyên bố rút một phần quân đội khỏi Syria cũng đã truyền tải một thông điệp lớn tới toàn khu vực Trung Đông.
Giống như các Tổng thống Mỹ, ông Putin chọn bối cảnh là một cơ sở quân sự để đưa ra thông báo. Nội dung thông điệp mà Tổng thống Putin muốn nhắn gửi là trong khi Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến ở Iraq từ năm 2003 và do dự trong hành động ở Syria vào năm 2013, thì Nga đã giành được thành công trong việc triển khai một sứ mệnh có giới hạn và mục tiêu rõ ràng dù trước đó không ít người cho rằng Nga có thể rơi vào “vết xe đổ” như ở Afghanistan.
Cụ thể, Nga đã dùng sức mạnh không quân để hỗ trợ quân đội Syria không chỉ bảo toàn chiếc ghế Tổng thống cho ông Bashar Assad mà còn giúp chính quyền Damascus khôi phục quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ quốc gia. Nói cách khác, Nga đã hoàn thành được lời cam kết và hứa hẹn bảo vệ các thân hữu.
Câu hỏi đặt ra là liệu tuyên bố rút quân của Tổng thống Putin sẽ đồng nghĩa với việc quân đội Nga sẽ hoàn toàn "vắng bóng" ở Syria trong tương lai?
Còn theo ông Gvosdev, tuyên bố “kết thúc sứ mệnh” của ông Putin chỉ là một phần trong chiến lược mở màn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Theo đó, nhà lãnh đạo Nga muốn thể hiện tầm ảnh hưởng của cá nhân ở cả nước ngoài cũng như nhấn mạnh tới khả năng sẵn sàng giải quyết những thách thức trong nước.
Cụ thể hơn, quân đội Nga có thể quay trở lại những chiến trường trọng tâm ở khu vực Á-Âu như Ukraine hay tham gia một sứ mệnh ngẫu nhiên nào khác trong thời gian tới.
Không loại trừ khả năng, Nga sẽ chỉ cho rút các đơn vị quân sự “trong biên chế” khỏi Syria để thay thế bằng những lực lượng khác. Bởi hiện tại, Nga đang dựa vào các công ty quân sự tư nhân để giành được sự ủng hộ chính trị lớn nhằm duy trì hoạt động quân sự tại Syria.
Cụ thể, con đường ngoại giao mà Nga đang thi hành ở Trung Đông có thể xem là một cuộc chơi tìm thế cân bằng vô cùng phức tạp. Trong đó, Nga muốn bảo toànmối quan hệ với Syria và Iran nhưng cũng muốn tạo lập quan hệ với Israel và Ả Rập Xê-út cũng như duy trì quan hệ đối tác chiến lược mới thiết lập nhưng vô cùng quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó, việc Tổng thống Assad không bị lật đổ là điều quan trọng nhằm nhấn mạnh Nga đã bảo vệ được những giới hạn đỏ mà quốc gia này đặt ra trước đó.
Tuy nhiên, không vì thế mà Nga cam kết hoàn thành toàn bộ những mục tiêu của ông Assad cũng như của chính phủ Iran đề ra. Bên cạnh đó, tuyên bố rút quân đội Nga khỏi Syria của Tổng thống Putin cũng nhằm ám chỉ Moscow không có kế hoạch cung cấp sự ủng hộ vô hạn đối với ông Assad.