Rút quân khỏi Syria, Mỹ gián tiếp gióng chuông cảnh báo Israel?

Hồng Anh |

Bằng hành động quay lưng lại với người Kurd ở Syria, Tổng thống Mỹ Trump đã khiến Israel lo ngại rằng một ngày nào đó ông sẽ làm như vậy với họ.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm đẩy lùi lực lượng người Kurd ra khỏi biên giới của nước này với Syria hồi đầu tháng 10, họ đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế trong bối cảnh bùng phát những lo ngại về tính mạng dân thường và nỗi lo sợ rằng hoạt động này có thể khiến tổ chức khủng bố IS hồi sinh. Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với quyết định của Tổng thống Trump rút quân ra khỏi Syria, cũng làm dấy lên phản ứng gay gắt nhất từ Israel.

Làn sóng giận dữ tại Israel

Chỉ trong vài ngày, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành chủ đề nóng tại Israel – quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc. Hầu như tất cả các phe phái từ cực hữu sang cực tả và lực lượng quân đội của Israel đều lên án chiến dịch quân sự của Ankara, đồng thời bày tỏ ủng hộ người Kurd. Các học giả Israel đã nói về mối liên hệ lịch sử giữa người Kurd và người Do Thái, kêu gọi phương Tây ủng hộ người Kurd. Trong khi đó, hàng chục thành viên quân đội Israel ký một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Israel gửi nhu yếu phẩm cần thiết và hỗ trợ quân sự và tình báo cho người Kurd.

Thủ tướng Israel Netanyahu cũng nhanh chóng lên án hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố Israel sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Kurd ở Syria. “Israel lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào các khu vực của người Kurd tại Syria, cảnh báo hoạt động thanh trừng người Kurd do Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng thân cận của nước này thực hiện”, ông Netanyahu viết trên trang Twitter.

Vậy điều gì dẫn đến sự giận dữ của Israel đối với một hoạt động quân sự tưởng chừng không liên quan nhiều đến quốc gia này? Quyết định của Tổng thống Trump rời khỏi Syria, bật đèn xanh cho Thổ Nhĩ Kỳ đành người Kurd đã “động chạm” đến Israel vì nhiều lý do.

Thứ nhất, việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã khiến Nga trở thành cường quốc duy nhất có ảnh hưởng lớn tại quốc gia Trung Đông này. Vì Nga là đồng minh của Iran, do vậy Israel lo ngại Iran sẽ củng cố sự hiện diện tại Syria. Điều này dẫn đến khả năng ngày càng gia tăng rằng Iran sẽ tăng cường cung cấp vũ khí cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon thông qua Iraq và Syria, gây ra mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cho Israel. Trong suốt cuộc chiến tranh Syria, lực lượng không quân Israel nhiều lần tấn công các đoàn xe quân sự của Syria và của lực lượng Hezbollah. Các cuộc tấn công như vậy sẽ không dễ dàng được thực hiện dưới một hiện trạng mới do Nga chi phối.

Thứ hai, việc đánh đuổi người Kurd ra khỏi khu vực đông bắc Syria cũng tạo cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế, trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc chiến tranh Syria. Theo quan điểm của Israel, điều này đặt ra vấn đề an ninh lớn bởi Israel luôn coi Thổ Nhĩ Kỳ là một thế lực thù địch vốn ủng hộ phong trào Hamas và cuộc đấu tranh của người Palestine. Hơn nữa, ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với vùng đông bắc Syria đồng nghĩa với việc Israel sẽ không được phép hoạt động tự do trong khu vực chiến lược gần biên giới với Iran như khi khu vực này còn nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd.

Nhìn ở góc độ khác, một số nhà quan sát cho rằng, nguồn cơn giận dữ của Israel có căn nguyên xuất phát từ Mỹ nhiều hơn Iran hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Người Israel rất chú ý đến hoàn cảnh của người Kurd bởi vì đó có thể là tấm gương phản chiếu về vị thế của họ trong khu vực và sự hợp tác với Washington.

Lo sợ bị đồng minh quay lưng

Trong nhiều năm, chính sách đối ngoại của Israel gần như dựa trên sự kỳ vọng rằng, khi nước này rơi vào hoàn cảnh khó khăn, Mỹ sẽ đứng ra giải cứu đồng minh. Mối liên kết sắt son và bền chặt với Mỹ luôn được coi là vũ khí răn đe hiệu quả nhất của Israel. Tuy nhiên, khi chứng kiến những gì đã xảy ra với người Kurd – đồng minh “ruột” của Washington trong cuộc chiến chống IS, người Israel chắc chắn sẽ tự hỏi liệu điều tương tự có thể xảy ra với họ vào một ngày nào đó không.

Tất nhiên, trong mắt người Mỹ, giá trị của lực lượng người Kurd tại Syria vẫn không bằng giá trị của Israel bởi Washington từ lâu xác định sự sống còn và an ninh của Israel đóng vai trò quan trọng với lợi ích quốc gia. Tiếng nói ủng hộ Israel tại Washington luôn mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết. Hơn thế nữa, các lực lượng quan trọng trong Quốc hội Mỹ, cộng đồng an ninh, quân sự và tình báo ở Mỹ vẫn ủng hộ Israel.

Nhưng Israel hiện giờ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi vị Tổng thống trong Nhà Trắng là một người khó đoán. Ông Trump đã từ bỏ người Kurd, phớt lờ những cảnh báo từ các cơ quan an ninh và quân sự Mỹ. Vì thế, nhiều người Israel sợ rằng ông cũng sẽ làm như vậy với họ.

Trên thực tế với Israel, tiếng chuông cảnh báo đầu tiên vang lên cách đây vài tuần, vào hôm 14/9 khi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn nhận trách nhiệm tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Chính quyền Tổng thống Trump đã nhanh chóng cáo buộc Iran gây ra cuộc tấn công, thậm chí đe dọa sẽ thực hiện hành động quân sự đối với quốc gia này. Nhưng cuối cùng, Tổng thống Trump đã lựa chọn không triển khai bất cứ hoạt động nào.

Điều này dường như là thông điệp gửi tới Saudi Arabia rằng, Riyadh sẽ phải tự mình đương đầu nếu họ bước vào một cuộc chiến với Iran, bất chấp quan hệ đồng minh mạnh mẽ với Mỹ. Cuối cùng Riyadh đã phản ứng bằng cách làm dịu lập trường của mình đối với Tehran và thực hiện các bước để giảm bớt căng thẳng.

Phản ứng của Mỹ đã khiến Israel hoang mang, góp phần tạo ra sự giận giữ một cách bất thường trước thông tin Mỹ rút quân khỏi Syria và hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd.

Không còn mặn mà với Mỹ

Nỗi lo sợ một ngày nào đó chính quyền Tổng thống Trump sẵn sàng từ bỏ đồng minh “ruột” đã dẫn đến hai sự thay đổi lớn trong lĩnh vực chính trị của Israel. Trước hết, những nhân vật cấp cao nhất ở các tổ chức chính trị và quân sự tại Israel đã bắt đầu thảo luận về sự cần thiết phải tạo ra một chính sách đối ngoại độc lập, đa tầng, không phụ thuộc vào Washington. Điều này có thể dẫn đến việc Israel sẽ tìm kiếm các quan hệ đối tác mới trong khu vực.

Tiếp đến, Thủ tướng Netanyahu, sau khi xây dựng cương lĩnh tranh cử dựa trên chiến lược thúc đẩy quan hệ chặt chẽ của ông với Tổng thống Trump, đã buộc phải đặt ra khoảng cách với nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông Netanyahu không chỉ trích Tổng thống Trump hay quyết định rút quân khỏi Syria của ông, nhưng dần dần ngừng nhắc đến tên nhà lãnh đạo Mỹ trong các bài phát biểu trước công chúng. Thủ tướng Netanyahu thậm chí không đến tham dự cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại New York, nơi ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Trump.

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Trump sẽ khó có thể từ bỏ Israel trong một sớm một chiều, song bằng hành động quay lưng lại với người Kurd, ông đã khiến Israel lo ngại rằng một ngày nào đó ông sẽ làm như vậy với họ. Và điều này chắc chắn sẽ gây ra sự bất ổn mới tại một khu vực vốn có nhiều biến động, đồng thời tạo ra những thách thức lớn cho Thủ tướng Netanyahu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại