Được mệnh danh là một trong bốn "kỳ lân công nghệ" của Việt Nam bao gồm VNG, VNLife, Sky Mavis và MoMo, "anh cả" VNG được trông chờ sẽ đưa công ty Việt Nam lên sàn chứng khoán Mỹ. Bởi việc đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đồng nghĩa với việc chứng tỏ công ty ở tầm vóc toàn cầu, có uy tín với khách hàng và đối tác và dễ huy động vốn từ nhà đầu tư quốc tế.
Rút hồ sơ IPO trên NASDAQ chỉ sau vài tháng
Tháng 8/2023, làng công nghệ Việt Nam xôn xao với tin tức VNG nộp hồ sơ xin phép được IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng) trên NASDAQ dù chỉ mới niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCom vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sau doanh nghiệp này đã rút hồ sơ lại.
Trước đó, 'kỳ lân' VNG đã thực hiện kế hoạch cụ thể để chuẩn bị IPO cho cả hai sàn chứng khoán ở Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, VNG đành phải gác lại "giấc mơ Mỹ" sau khi nhận thấy các nhà đầu tư Mỹ không mấy mặn mà và sự đi xuống của thị trường công nghệ.
Trong sự kiện Saigon Summit do Tech in Asia tổ chức, ông Lê Hồng Minh – CEO VNG trình bày cụ thể:
"Tôi tin là công ty nào cũng sẽ muốn IPO trên hành trình phát triển của mình. Chúng tôi cũng đã đặt ra kế hoạch đó vài năm trước đây và tiến hành các thủ tục chuẩn bị cần thiết. Tới năm ngoái thì thủ tục hoàn thành nhưng đó lại không phải là thời điểm thích hợp cho các công ty công nghệ.
Điều tốt là chúng tôi đã hiểu rõ những rủi ro nhưng không ngại đối mặt với hậu quả. Chúng tôi không dừng lại ở bàn luận mà quan trọng là đã hành động, nhưng chúng tôi cũng nhận ra chúng tôi không nhất thiết phải làm điều đó bằng mọi giá. Điều quan trọng nhất là công ty đã hoàn thiện và trong tâm thế sẵn sàng."
Quả thật, công ty đã ở trong "tâm thế sẵn sàng" khi số liệu doanh thu ở thị trường nước ngoài tăng trưởng, theo công bố trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của tập đoàn VNG.
Game, công nghệ AI là "đại diện" của VNG đi thi đấu quốc tế
VNG đã có những bước đi ra "biển lớn" với mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến. Theo đó, VNGGames đã phát hành thành công 10 tựa game cũng như liên tục hợp tác với các tên tuổi lớn như Riot Games, Roblox và sắp tới là NCSOFT.
Với nền tảng chủ lực là kinh doanh trò chơi trực tuyến, năm 2023, doanh thu cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài đạt 1.744 tỷ đồng, tăng 35% so với 2022.
Kết thúc năm 2023, tổng doanh thu từ mảng trò chơi trực tuyến đạt 7.930 tỷ đồng, với 26% đến từ thị trường nước ngoài, gấp 18 lần so với năm 2016.
VNG đặt mục tiêu doanh thu từ thị trường nước ngoài của mảng trò chơi trực tuyến sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn doanh thu trong nước trong ba năm tới.
Bên cạnh game, các mảng kinh doanh khác của VNG cũng đang đẩy mạnh mục tiêu "Go Global". GreenNode - thành viên mới của VNG Digital Business đã trở thành đối tác chính thức về dịch vụ đám mây của Nvidia.
GreenNode đã khai trương cụm máy chủ AI Cloud tại Thái Lan, phục vụ khách hàng Mỹ và Đông Nam Á vào ngày 24/6.
Hiện nay về hạ tầng, VNG sở hữu hạ tầng AI Cloud lớn nhất Việt Nam, phục vụ khách hàng trong và ngoài nước. Theo CEO Lê Hồng Minh, VNG đặt mục tiêu là công ty AI dẫn đầu Đông Nam Á cả về hạ tầng lẫn ứng dụng.
Nói về tiềm lực của VNG trong cuộc đua AI, ông Lê Hồng Minh tự tin: "VNG đánh giá làn sóng công nghệ AI sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo nền kinh tế trong vòng 10-20 năm tới, VNG đang sở hữu năng lực để có thể bắt kịp và dẫn đầu mảng công nghệ này và đây là mục tiêu quan trọng của công ty trong tương lai."
Hiện tại, công ty này đang ứng dụng AI để phát triển. Mảng kinh doanh lõi VNGGames cũng tăng cường ứng dụng GenAI trong quá trình phát hành và phát triển trò chơi trực tuyến.
Đề cập tới việc áp dụng AI vào các sản phẩm của VNG, ông Minh cho biết năm ngoái lĩnh vực này đã được triển khai vào các sản phẩm hiện có, cùng với đó là những ý tưởng mới mà AI đóng vai trò cốt lõi.
"Chúng ta thực sự không biết toàn bộ cuộc cách mạng AI này sẽ diễn ra như thế nào, phải không?", CEO của VNG để ngỏ câu hỏi.
Ngoài ra, để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị trường ra toàn cầu, VNG còn sở hữu cổ phần ở nhiều công ty nước ngoài khác ở đa lĩnh vực: đầu tư, thương mại điện tử, cho vay trực tuyến, tư vấn công nghệ thông tin...
Trong đó, VNG nắm giữ 12,17% cổ phần của OCG, một công ty thương mại điện tử ở Singapore và 14% cổ phần của Beijing Youtu, một công ty phân phối trò chơi điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh.