Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và châu Âu để phát triển máy tính lượng tử và công nghệ liên quan trong bối cảnh Trung Quốc đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Theo Nikkei, các quan chức chính phủ và chuyên gia của Nhật, Mỹ và Châu Âu vừa qua đã có những trao đổi tại Kyoto, Nhật Bản vào 16 và 17/12 trong sự kiện về công nghệ lượng tử quốc tế. Ba bên tuyên bố sẽ có những hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực phát triển máy tính lượng tử, cảm biến và đo lường lượng tử, công nghệ truyền thông và mật mã. Phía Nhật Bản và Mỹ tuyên bố sẽ sớm ký một thỏa thuận về sự hợp tác này.
Theo nhiều chuyên gia công nghệ, cái bắt tay giữa Nhật Bản và các nước đồng minh lân cận có thể coi là một động thái ‘đáp trả’ Trung Quốc, khi cường quốc này gần đây đã đầu tư rất nhiều tiền của vào công nghệ lượng tử.
Hãng nghiên cứu Elsevier cho biết, trong suốt một thập kỳ từ năm 2008-2018, Trung Quốc đã công bố nhiều nghiên cứu về công nghệ lượng tử hơn bất kỳ nước nào khác. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến Mỹ lo ngại về tác động của công nghệ này tới an ninh quốc gia.
Theo Nikkei, những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba đang nỗ lực phát triển các siêu máy tính lượng tử cũng như truyền thông lượng tử, vốn có khả năng bảo mật mạnh mẽ. Chính quyền Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm trị giá 10 tỷ USD tại tỉnh An Huy, dự kiến hoàn tất năm 2020.
Về phía Nhật Bản, quốc gia này đã có nghiên cứu cực kỳ sâu rộng về công nghệ lượng tử trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, họ lại đi sau Mỹ và Trung Quốc khi áp dụng công nghệ lượng tử trong các ứng dụng thực tiễn, một phần vì vốn đầu tư nhỏ hơn so với các nước trên.
Để giải quyết tình trạng này, chính phủ Nhật, Mỹ và các nước Châu Âu sẽ tiến hành tài trợ cho việc nghiên cứu và trao đổi nhân lực tại các cơ quan quốc gia, đại học và tổ chức khác về công nghệ lượng tử. Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ ba bên cũng muốn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực còn rất mới mẻ này.
Trong vài năm trở lại đây, công nghệ lượng tử đã có những bước tiến đáng chú ý. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, các máy tính lượng tử được kỳ vọng sẽ hoàn thành những công việc như dự báo thời tiết với độ chính xác cực cao, phát triển những loại thuốc mới hiệu quả hơn, tối ưu hóa kế hoạch giao thông, phát triển trí thông minh nhân tạo. Hiện tại, đây đều là ‘bài toán’ cực kỳ khó khăn mà các siêu máy tính mạnh nhất hiện nay mất hàng năm trời để tính toán.
Trong khi đó, máy tính lượng tử có tốc độ xử lý nhanh hơn nhiều so với các siêu máy tính, còn mật mã lượng tử được cho là có tính bảo mật cao do rất khó để giải mã.
Vào tháng 10 vừa qua, các nhà khoa học tại Google tuyên bố đã xử lý xong một nhiệm vụ bằng máy tính lượng tử trong "khoảng 200 giây", trong khi siêu máy tính truyền thống phải mất gần 10.000 năm mới giải quyết được vấn đề tương tự.