Những ngày này, việc trang trí cây nêu đón Tết Nguyên đán của người dân Nghệ An xem như đã hoàn tất. Từ nhà dân đến đường làng, ngõ xóm, tỉnh lộ, quốc lộ đều rợp bóng cây nêu. Những cung đường nêu rực sáng, lung linh vào buổi tối thật ấn tượng.
Cây nêu đã làm cho những cung đường ngày Tết ở các huyện từ quốc lộ cho tới đường liên thôn, liên xã như khoác thêm một màu áo mới, lung linh, rạng rỡ.
Những năm gần đây, phong trào chơi nêu Tết ở Nghệ An được khôi phục và lan tỏa khắp các huyện từ miền xuôi lên miền ngược. Thông thường, sau ngày cúng ông Công ông Táo (23/12 Âm lịch) hàng năm, các gia đình thường dựng cây nêu trước cửa nhà.
Những cây nêu truyền thống làm từ thân cây tre, cây may cần được trang trí dây led, đèn màu, đèn lồng...thêm phần rực rỡ trong đêm.
Dịp này đi trên quốc lộ 48, 7A, 46... đều bắt gặp những cung đường nêu đẹp, lung linh kéo dài nhiều km.
Những cây nêu gắn cả biểu tượng quốc hoa, quốc kỳ hay hình ảnh con trâu với ý nghĩa chào đón năm mới Tân Sửu.
Theo quan niệm của người dân, “pháo thì kêu, nêu thì cao”, cây nêu Tết càng cao, càng sáng lung linh thì càng đẹp. Để làm được những cây nêu chuẩn, chi phí lên đến tiền triệu, người làm cũng phải nghiên cứu, thiết kế khéo léo.
Những con đường rực sáng trong đêm.
Một người buôn bán cây nêu lâu năm ở huyện Quỳ Hợp cho biết, tre làm cây nêu được gia đình bán với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/ cây. Dịp cận Tết, nhu cầu cao, nên gia đình anh bán được hàng trăm cây, mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Việc trồng nêu đón tết Cổ truyền không chỉ đem lại không khí vui Tết đón Xuân rộn ràng cho các địa phương, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống ngàn xưa của dân tộc.
Mỗi cung đường nêu mang một vẻ đẹp riêng đã làm cho cảnh quan ngày Tết ở xứ Nghệ thêm phần lung linh, hấp dẫn, rộn ràng và ấm cúng.