Hiện tại, nhiều NĐT băn khoăn giữa "ngã ba đường" đối với các kênh là vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm hay bất động sản (BĐS) trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, giá vàng đang lập đỉnh cũng khiến những NĐT dồn sự quan tâm vào kênh này. Dòng tiền đầu tư vào BĐS đang phải "chia lửa" với kênh đầu tư kim loại quý khi giá vàng liên tục lập đỉnh.
Theo các chuyên gia, thời điểm hiện nay, xuất hiện nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn BĐS, trong đó đáng chú ý là kênh đầu tư vào vàng. Từ đầu năm tới giờ, vàng thế giới tăng 27%, trong khi tại Việt Nam, giá kim loại quý cũng đã tăng tới 29%.
Thực tế mấy ngày qua, dù được ngăn cách với thế giới do cơ chế độc quyền nhập vàng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng giá vàng trong nước cũng "nhanh chân" nhảy lên mức giá kỷ lục, có thời điểm vượt ngưỡng 58 triệu đồng/lượng. Dòng tiền trong dân đang hướng đến kênh đầu tư này.
Theo dự báo, thị trường vàng trong thời gian sắp tới sẽ đan xen nhiều nhịp giảm nhưng sẽ tiếp tục tăng lên tới đầu tháng 11. Do vậy, nhà đầu tư am hiểu thị trường có thể tận dụng thời điểm giá điều chỉnh do một số người chốt lời để gia nhập thị trường.
Còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ và không chuyên, nếu mua lướt sóng thì khả năng có lời là rất thấp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng không nên rút hết tiền tiết kiệm để chuyển sang đầu tư kim loại quý này. Bởi hiện nay, mức chênh lệch giá mua bán trong nước đã ở mức khá cao - gần 2 triệu đồng, nên sẽ rủi ro khi mua vào.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asia Holding, sau khi dịch bệnh bùng phát, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, đang giằng co và biến động mạnh, lãi suất ngân hàng cũng quá thấp nên dòng tiền của nhà đầu tư đã đổi hướng sang BSĐ và vàng.
Trong khi tâm lý nhà đầu tư đang bị e ngại và phân vân thì giá vàng liên tục lập đỉnh, vậy nên dòng tiền chuyển đến kênh đầu tư vàng.
"Trước việc giá vàng tăng đột biến thì chắc chắn dòng tiền của nhà đầu tư sẽ đổ vào kênh này, nhưng đây chỉ là dòng tiền ngắn hạn bởi về lâu dài thì giá vàng không thể tăng mãi. Khi giá vàng giảm xuống thì dòng tiền của nhà đầu tư lại đổ vào BĐS", ông Hậu khẳng định.
Đối với chứng khoán, theo TS Cấn Văn Lực, chứng khoán luôn là đầu tư hấp dẫn nhưng đòi hỏi phải theo dõi thị trường, chặt chẽ, phải động não suy nghĩ. Còn đối với tiết kiệm thì kiểu giống ông bà ta ngày xưa "ăn chắc mặc bền", sợ rủi ro thì bỏ tiền vào kênh này.
Theo các chuyên gia, cần căn cứ trên kỳ vọng của khách hàng trong việc mang lại lợi nhuận mà họ đầu tư vào kênh nào. Tuy nhiên, BĐS vẫn là kênh đầu tư trung và dài hạn. Bởi ngoài lợi nhuận còn là kênh tích lũy tài sản mà khách hàng quan tâm hiện nay.
Hiện tại, dòng tiền đầu tư vào BĐS sẽ bị chậm lại nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thị trường sẽ hồi phục lại rất nhanh. Bởi BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn, và có tỷ lệ sinh lời cao hơn so với các kênh khác.
Theo ông Hậu, sau khi thị trường trải qua 1 giai đoạn dịch, tâm lý tiêu tiền và đầu tư vào BĐS cũng dần hồi phục trở lại, nhưng khi dịch bùng phát trở lại lần 2, nếu không được kiểm soát tốt thì khách hàng sẽ càng chậm ra quyết định hơn, thậm chí sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, khi đầu tư, nhà đầu tư cần lưu ý về yếu tố sinh lời.
Theo ông Đính, BĐS luôn tăng giá, mức độ tăng theo số liệu nghiên cứu trong nhiều năm, dao động từ 5-7%/năm, như vậy sinh lời hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, người mua có thể khai thác BĐS đó để cho thuê, vì vậy luôn có cơ hội để có nguồn thu. Tuy nhiên, BĐS cũng có rủi ro, bởi vì cái gì có lợi nhuận tốt hơn cũng có rủi ro cao hơn.
Theo ông Đính, hiện thị trường vẫn có nhiều sản phẩm tốt ở vị trí đắc địa, nhà ở vị trí đắc địa luôn có khả năng tăng giá cao, vị trí ở các khu vực tốt. Bên cạnh đó, đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng cũng đáng quan tâm, mặc dù hiện tại loại hình này đang có một số trục trặc.
Theo hầu hết các chuyên gia, lực cầu trên thị trường địa ốc còn rất lớn, nút thắt lớn ở đây là nguồn cung đang bị sụt giảm và tâm lý của người mua BĐS càng trở nên thận trọng hơn. Theo đó, tăng cường sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cho BĐS là rất cần thiết ở thời điểm này.
Chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất một số giải pháp giải nguy cho thị trường BĐS.
Giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất là cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Thứ hai là các gói hỗ trợ phải đúng, trúng, hiệu quả và có tính lan tỏa. Thứ ba là cần hợp tác quốc tế trong phòng chống Covid.
Với tình thế như hiện nay, TS Lực cho rằng, Chính phủ cần có phản ứng rất sớm và sớm đưa các gói hỗ trợ . Cần đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ, rối ở đâu thì phải tháo gỡ ngay ở đó để các doanh nghiệp có thể tiếp cận sớm. Chính phủ cũng cần rà soát lại đối tượng để các gói hỗ trợ được mở rộng hơn, đối tượng được hỗ trợ chính xác hơn và hiệu quả hơn.
Song song đó, cần thu hút tốt các dòng vốn trong nước và ngoài nước; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho BĐS và công nghệ số.