Tất cả bắt nguồn từ sự nhẹ dạ, cả tin
Đã hơn một năm trôi qua, kể từ ngày trốn thoát khỏi động mại dâm phía bên kia biên giới, thế nhưng gương mặt Sông vẫn lộ rõ vẻ bàng hoàng, kinh sợ mỗi khi nhớ lại.
Vừa bước vào tuổi 19 nhưng trông Sông già dặn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa.
Quãng thời gian sống ở động mại dâm đã khiến cái vẻ chân chất, mộc mạc của cô sơn nữ đã mai một đi nhiều, duy chỉ có âm hưởng giọng nói vẫn phảng phất chút nào đó của núi rừng với những phát âm tiếng Kinh lơ lớ.
Tất cả bi kịch của cô sơn nữ vùng cao này đều bắt nguồn từ cái sự nhẹ dạ, cả tin đến đáng thương.
Học đến lớp 6, do bố bị bệnh nặng nên Sông đã phải bỏ học thay bố mẹ đi làm rẫy. Ở độ tuổi mới lớn, dáng người phổng phao, nên Sông đã sớm lọt vào tầm ngắm của bọn buôn người.
Mỗi lần Sông xuống chợ, có một bà khách tuổi trạc ngoài 40 luôn tìm cách làm quen. Về sau này Sông nghe bà ấy giới thiệu tên là Hà.
Bất cứ hàng hóa của Sông là thứ gì, từ bó rau hay mấy túm ngô non, bà Hà đều mua hết và trả với giá rất hời. Khi nhận thấy Sông có cảm tình với mình, bà Hà thường hay kiếm cớ để tỉ tê, trò chuyện.
Trong những câu chuyện có vẻ như không đầu không cuối của bà khách sộp, Sông biết rằng bà ta là chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh quần áo bên Trung Quốc và hiện nay đang về nước để tìm người làm thuê.
Bà ấy bảo với Sông nếu đồng ý sang trông nom giúp bà một cửa hàng thì lương tháng sẽ là 5 triệu đồng, cơm nuôi ba bữa.
Nghĩ đến viễn cảnh sẽ được đổi đời, ăn sung mặc sướng, công việc nhàn hạ mà mỗi tháng lại có vài triệu gửi về cho gia đình, Sông đồng ý.
Đối với một sơn nữ không được học hành đến nơi đến chốn, lại mới bước qua tuổi 16 như Sông thì thật khó để nhận biết cái bẫy của kẻ “săn người” ranh ma như bà Hà đã giăng ra.
Cô tưởng rằng đi theo bà Hà sẽ thay đổi được số phận, có nhiều tiền gửi về chữa bệnh cho bố nhưng nào ngờ mình đang rơi vào hang ổ mại dâm.
Giấc mơ đổi đời của Sông vừa mới kịp nhen lên thì đã bị dập tắt. Và, cuộc đời của cô kể từ đó là chuỗi ngày dài chìm trong ê chề và nước mắt.
“Vào khoảng giữa tháng 10/2014, bà Hà đưa em vượt biên giới sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Suốt đường đi, bà ấy bảo em nếu có gặp ai hỏi gì, nói gì cũng phải im lặng, không được trả lời.
Sang địa phận Trung Quốc, bà gọi xe ôm rồi đưa em vào sâu trong nội địa. Sau một đêm ngủ nhờ nhà người quen, sáng hôm sau bà ấy dẫn em tới một cái quán có khá đông các cô gái ăn mặc hở hang.
Tối đó em nghe thấy bà Hà trao đổi với chị chủ quán bằng tiếng Trung Quốc, hai bên có vẻ căng thẳng. Mãi khuya thì chị ta đưa cho bà ấy một nắm tiền. Cầm tiền xong, bà Hà bảo em đi ngủ, sáng mai bà ấy sẽ quay lại đón.
Nhưng ngay từ tờ mờ sáng hôm sau, em đã bị chị chủ quán cùng với mấy thanh niên dựng dậy bắt ra tiếp khách...”, Sông kể.
Về sau này Sông mới biết, chủ quán đó tên là Tính, quê gốc ở Lạng Sơn. Tính cũng từng là nạn nhân bị lừa bán sang đây làm vợ một người đàn ông ở Quảng Châu.
Chồng Tính có hai người em trai, nhưng vì gia đình nghèo quá không ai lấy nổi vợ, nên họ góp tiền “mua” Tính về để làm vợ chung.
Không chịu nổi cảnh làm “nô lệ tình dục” cho đại gia đình đó, Tính đã bỏ trốn rồi sa vào động mại dâm. Sau có một người đàn ông đã bỏ tiền ra chuộc và mở cho cô cái quán này.
Từ đó, Tính liên kết với một số đối tượng móc nối về Việt Nam lừa các cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin mang sang Trung Quốc làm gái mại dâm và tự mình đứng lên làm chủ.
Chuỗi ngày tủi nhục nơi đất khách
Nhớ lại quãng thời gian sống nơi đất khách, Sông không khỏi rùng mình. Tủi nhục, đau đớn, mấy lần Sông định tìm đến cái chết nhưng rồi lại nghĩ, mình chết ở đây ai biết, cố gắng sống thì mới mong có cơ hội trở về.
Sông kể: “Bọn em được bố trí ở tập trung nhưng không được nói chuyện, trao đổi với nhau bởi luôn luôn có hai người đàn ông to cao, mặt dữ tợn kèm sát.
Nếu có ý định bỏ trốn hay từ chối đi khách, ngay lập tức bọn em sẽ được nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết”.
Hàng ngày, Sông cùng các cô gái ở đây bị dựng dậy từ rất sớm. Thời gian dành cho các công việc như đánh răng rửa mặt và ăn sáng chỉ gói gọn trong khoảng chừng 30 phút.
Sau đó các cô phải thay những bộ váy áo khêu gợi, hở hang ngồi chờ khách. Rủi thay, do còn trẻ, lại là “lính mới” nên Sông luôn là người được khách lựa chọn nhiều nhất, có ngày cô phải phục vụ đến 15-20 lượt khách.
Chỉ cần tỏ thái độ khó chịu, bất tuân hay thậm chí chỉ cần phục vụ chậm hơn thời gian quy định, Sông cũng bị ăn đòn.
Toàn bộ số tiền bán thân, Sông không được giữ đồng nào. Thể xác rã rời, kiệt quệ nhưng nếu không làm khách vừa lòng có thể nhận những trận đòn không ghê tay từ những ông khách khát gái hoặc từ đám “ma cô” của bà chủ chứa.
“Có những lần mệt quá không thể đi khách hoặc phục vụ khách không tốt, em bị đánh đến bầm dập. Thậm chí có cô trong quán không may bị dính bầu, bà chủ sai người lôi đến bác sỹ phá cho bằng được.
Phá xong cô ấy cũng chỉ được nghỉ ngơi đúng hai ngày, rồi lại phải tiếp khách. Chúng em đi đâu cũng có kè kè hai tên bảo kê theo dõi, kể cả lúc ngủ”, Sông nhớ lại.
Chính vì chịu sự quản thúc chặt chẽ như thế nên chuyện bỏ trốn đối với Sông và những cô gái khác là gần như không thể. Mà ví như Sông có bỏ trốn ra ngoài được, nhưng thân gái dặm trường, lại không rành đường đi thì rất dễ bị bắt lại.
Trong suốt hơn một năm làm “nô lệ tình dục” ở quán của Tính, Sông đã nhiều lần phải chứng kiến những “đồng nghiệp” của mình bỏ trốn không thành, bị bắt lại rồi phải đón nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết.
“Có chị tên là Mỷ, nhà ở Hà Giang, cả 3 lần chị ấy định bỏ trốn đều bị bắt. Mấy thằng bảo kê ấy đánh dã man lắm, em không dám nhìn, chỉ cần nghe chị ấy kêu cũng đủ biết đau đớn rồi.
Có lần chị Mỷ còn bị chúng cầm kìm rút móng chân để cho không chạy được nữa...”, Sông kể.
Toàn cảnh căn nhà của gia đình Sông
Đào thoát khỏi “địa ngục trần gian”
Biết cơ hội trốn thoát để trở về nhà là rất mong manh nhưng Sông vẫn nung nấu ý định “vượt ngục” cho kỳ được. Trong những lần tiếp khách, Sông may mắn được một số khách thương tình “boa” thêm cho ít tiền.
Số tiền ít ỏi đó, Sông cho vào một cái túi ni lông rồi giấu kỹ trong phòng ngủ và chờ đợi thời cơ đào thoát khỏi động quỷ.
Vào khoảng đầu tháng 1/2016, nhân cơ hội tiếp một ông khách người Trung Quốc hay sang Việt Nam buôn bán, Sông lựa lời dò hỏi thì được người đó chỉ đường về Việt Nam. Khi đã biết được hướng về, cô quyết định bỏ trốn.
Mấy năm gần đây, các lực lượng chức năng của các tỉnh biên giới phía bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp phòng ngừa xã hội.
Đồng thời, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào ở những xã biên giới, trình độ dân trí còn thấp, mật độ dân cư thưa thớt, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng cho những nạn nhân, như: dạy nghề, hỗ trợ về vốn, tạo công ăn việc làm ổn định..., cũng được các cơ quan đoàn thể ở đây đặc biệt chú trọng.
Nhờ vậy, vấn nạn buôn bán người qua biên giới tại những địa phương này đã giảm đi một cách đáng kể, các bản làng cũng đã bình yên hơn. Và quan trọng là từ bây giờ, những sơn nữ như Sông sẽ có đủ nhận thức để tự bảo vệ mình trước "nanh vuốt" của bọn buôn người.
“Lúc đó xung quanh chỉ toàn núi non, em cứ nhằm theo hướng mà ông khách người Trung Quốc đã chỉ mà chạy.
Tối đó mệt quá, em ngủ thiếp đi. Khoảng 4h sáng tỉnh dậy, vừa đói, vừa khát, nhưng em nghĩ mình không thể chết ở đây, thế là lại cố gắng gượng dậy để đi...”, Sông kể.
Đi mải miết đến mãi chiều hôm đó thì Sông nghe thấy tiếng động cơ nổ, cô đoán mình đã ra đến gần đường cái. Sau một hồi tính toán, Sông quyết định đi ra đường để tìm cách bắt xe về Việt Nam.
Giữa tháng 2/2016, nhân lúc bà chủ đi vắng, hai tên bảo kê rủ nhau đi mua rượu về uống.
Sau khi một tên đã xách chai ra khỏi nhà, lừa lúc tên còn lại lúi cúi trong bếp sắp đồ nhắm, Sông lẻn vào phòng ngủ lấy bọc tiền nhét vào trong áo ngực rồi trèo qua tường, cắm đầu chạy thục mạng ra đường.
Trong đầu Sông lúc đó chỉ nghĩ rằng, nếu bị bắt lại cũng chết mà ở lại cũng chết, thế nên cô quyết liều một phen. Vừa đi Sông vừa vẫy các xe ô tô dọc đường nhưng không có bất cứ xe nào dừng lại.
Nghĩ rằng nếu mình cứ mải chạy lông nhông trên đường cái thế này sẽ bị bọn bảo kê lấy xe đuổi theo bắt lại, nên Sông rẽ vào rừng.
Sông cũng không nhớ là mình đã vẫy bao nhiêu lần mới có một chiếc xe dừng lại. Chủ xe là một người Trung Quốc, đang đi lấy hàng ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Sông cố dùng hết vốn liếng tiếng Trung có được để trình bày với chủ xe. Ban đầu, chủ xe không tin nhưng nhìn bộ dạng thất thểu, tuyệt vọng của cô, ông đã thương tình cho cô đi nhờ về cửa khẩu.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, Sông được người thân lên đón về đoàn tụ với gia đình, khép lại chuỗi ngày sống kiếp “trâu ngựa” nơi đất khách...
* Tên nhân vật đã thay đổi.