22 giờ đêm, khi người người đã êm ấm trong mái nhà của mình, những đứa con ngủ say sưa trong vòng tay mẹ, những bà mẹ tóc hoa râm đang tròn giấc trong tiếng hát của con, cũng là lúc các cụ già lang thang không nhà cùng nhau "họp mặt" trên đường Phan Đình Phùng (Q. Phú Nhuận), Hai Bà Trưng (Quận 1, TPHCM)… rồi kể nhau nghe về một ngày làm việc của mình.
Sân chùa Vĩnh Nghiêm ngày càng đông người vào cầu phước cho người thân trong ngày Vu Lan. Ảnh: Linh Hoàng
Đó là những câu chuyện tưởng chừng như không đầu không cuối: "Hôm nay tôi đắt hàng, bán được những 70.000 đồng"; "Không biết thằng khốn nạn nào lén lấy mất 2 bịch bông lan"; "Hôm nay sao đông người dữ vậy"; "Bà này lạ, hôm nay ngày rằm mà"…
Sau câu trả lời của một bác khoảng hơn 60 tuổi, không gian bỗng trở nên yên ắng hơn. Các cụ già lặng lẽ trải tấm bạt nhựa nằm nghỉ, những cụ khác ngồi nhìn theo dòng người qua lại với ánh mắt buồn thiu.
Vu Lan của những bà mẹ không nhà
Không buồn sao được, sáng nay (17/8) Vu Lan, những người trẻ rủ nhau đi chùa thắp hương cầu bình yên cho cha mẹ, còn các cụ cũng tranh thủ vào chùa để bán chút đồ sống qua ngày. Cùng là phụ nữ, nhưng đến cuối đời, các cụ vẫn sống lay lắt không có lấy một ngày thảnh thơi.
Hầu hết các cụ sống ngoài đường đã hơn 10 năm, nhiều cụ có "thâm niên" lên đến 50 năm lấy vỉa hè là nhà, lấy người đi đường là người thân. Trong đó, cụ bà Phạm Thị Bông (90 tuổi, quê Đà Nẵng) có lẽ là người cao tuổi nhất khu vực này.
Cụ Bông lúc nhớ lúc quên nhưng luôn nhắc về con của mình. Ảnh: PA.
Vì tuổi già nên hồi ức của cụ là những câu chuyện rời rạc, chắp vá từng đoạn một. Có những chuyện cụ cố soạn lại trí nhớ, nhưng cũng không thể định hình được mình đang muốn nhắc về điều gì. Thế mà, cụ nhớ rất rõ cụ có một người con trai, năm Mậu Thân anh này đi đánh giặc, rồi cụ chờ mãi không thấy con về.
Người mẹ không muốn tiếp tục chịu đựng nỗi đau mất con nên rời quê vào Sài Gòn. Trải qua nhiều nghề mưu sinh, cuối cùng cụ chọn vỉa hè đường Hai Bà Trưng để ngả lưng hơn 30 năm nay.
Hiện tại, cụ Bông được một người phụ nữ cho lấy trước vài miếng rửa chén, vài thỏi kẹo, tăm bông... đi bán quanh chợ Tân Định (Quận 1). Tối đến cụ trả một ít tiền vốn cho chị này, rồi để dành tiền lời mua đồ ăn, sau đó đi một vòng "thăm hàng xóm". 21h cụ "về nhà" ngủ.
Cụ Bông nói: "Tôi phải đợi đến tối, người ta đóng cửa mới tới ngủ. Tôi thay đổi nhiều chỗ ngủ rồi, mấy chỗ khác người ta đuổi dữ lắm, ông chủ nhà ở đây thương tình cho tôi ngủ. Nhà ông ấy có cái hiên dài cũng đỡ, mưa ít ướt hơn, nhưng cũng lạnh. Ngủ ở ngoài này, sợ nhất là bị người ta trộm đồ, trộm mất rồi thì có cái gì mà bán".
Hôm nay, lễ Vu Lan đường phố nhộn nhịp khi con cái đi chùa cầu an cho cha mẹ. Cụ cũng nằm lặng lẽ nhớ về con trai. Ảnh: PA.
Cụ vơ vội chai dầu gió một người đi đường vừa tặng. Hết xứt đầu, cụ lại tìm những vết xước trên cơ thể mà xoa.
Hít một hơi dầu, cụ nhắc về con mình: "Con trai tôi to, bự lắm. Một mình nó cuốc đất trồng rau cho hơn 10 người ăn vẫn đủ. Nó ở quê đó, nó sắp đón tôi về. Nó đi lính, khi nào nó về, tôi về quê ở với nó. Chắc nó cũng sắp về…". Bỏ lửng câu nói, cụ lặng lẽ lấy cái ghế nhựa nhỏ kê đầu nằm, rồi lấy nhựa bạt phủ lên đồ hàng.
Ước gì tôi có một đứa con
Trong ánh sáng hiu hắt của đèn đường, cái se se lạnh của cơn mưa bụi lất phất rơi, cụ Mai Thị Liên (70 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) vừa ăn vội hộp mì người ta mới tặng, vừa thở dài: "Mưa mãi thế ông trời ơi, mưa hoài ướt nhẹp hết chỗ đâu mà ngủ".
Nắm chặt tay người lạ, cụ cười: "Ở đây nói chuyện với tôi một chút, hôm nay Vu Lan mà tôi hông có con cái buồn lắm. Ăn một mình không nuốt nổi".
Tuy 70 tuổi nhưng cụ Liên còn rất minh mẫn, cụ nói cụ già rồi, lại không nhà cửa, không con cái. Ở Hóc Môn thì không có gì làm, cụ phải đi nhờ xe buýt vào quận 1 rồi đi nhặt ve chai kiếm sống. Cứ 2 - 3 ngày cụ Liên mới bán ve chai một lần, mỗi lần như vậy được khoảng 40.000 đồng để dành tiền mua thuốc.
Đa số các cụ già ở đây đều làm nghề nhặt ve chai kiếm sống, trung bình 2 ngày họ bán ve chai một lần được khoảng 40.000 đồng. Ảnh: PA.
Đi nhiều, khớp chân cụ giờ đau nhức, thêm chứng tiểu đường và huyết áp "làm bạn", cứ vào mùa mưa là khắp người lại đau nhức.
"Đau ít thì tôi nằm chịu, đau nhiều không chịu nổi thì bắt xe buýt về Hóc Môn ở với bà chị vài ngày, đỡ đau thì tôi vào đây lại, chứ ở Hóc Môn không có chuyện gì làm cũng buồn", cụ nói.
Cầm hộp mì trên tay, cụ Liên không ăn nổi, cụ ước gì mình có một đứa con để thủ thỉ. Ảnh: PA.
Hồi trước tôi cũng có chồng, nhưng tôi với ông ấy không có con. Ước gì tôi có một đứa con, chắc giờ mẹ con thủ thỉ cũng vui. Tôi khổ vậy chứ giờ ai muốn làm con tôi là tôi lo cho hết, thèm có con lắm", nói đoạn, cụ sụt sùi khóc vì nhớ mẹ của mình, vì cám cảnh nỗi cô đơn lúc về già. Cụ móm mém ráng ăn nốt hộp mì theo lời khuyên của người đối diện.
Lúc người đến thăm chào tạm biệt, cụ nói với theo: "Hôm nào rảnh ghé qua nói chuyện với tôi, đừng bỏ đi luôn nha".
Một cụ bà không nhớ nổi tuổi của mình, sáng cụ đi đẩy hàng trong chợ, tối ngủ trên ngay trên xe đẩy. Ảnh: PA.
Trên con đường đông đúc người qua lại, ai cũng một lần ngoái nhìn về chiếc xe đẩy hàng nhỏ được đặt phía góc đường gần chợ Phú Nhuận. Một cụ già đậm người thỉnh thoảng ra xem cái xe còn hay mất.
Gần 23h đêm, cụ mới thong dong ra ngồi ngắm phố xá. Cụ bị lãng tai nặng, phải nói thật lớn và từng chữ một cụ mới nghe được người đối diện hỏi gì.
Cụ cười nói: "Điếc lắm rồi, không nghe được gì đâu. Sáng tôi đẩy hàng mướn trong chợ, tối ra đây nằm cho vui. Tôi có mấy đứa con nhưng thất lạc hết, đi tìm hoài không thấy biết làm sao giờ? Tôi tên gì hả? không nhớ, chỉ biết tôi đã 76 tuổi rồi. Sáng đẩy hàng, tối ra đây ngủ, khi nào chết thì hay".
Nói rồi, cụ lại tủm tỉm cười nhìn ra phía đường, thỉnh thoảng vài ba chiếc xe máy dừng lại, người ta tặng cho cụ nào nước, nào bánh. Cụ ngồi tính cụ sẽ ăn bánh bao trước, bánh ngọt để dành ăn sau, hay có mấy đứa nhỏ thì cho tụi nó. Cụ cho thì tụi nó mới tới chơi với cụ, nhìn chúng ăn bánh, cười đùa cụ cũng vui lây.
Được người đi đường tặng bánh, nước cụ thấy rất vui mừng Ảnh: PA.
Cụ khoe cụ hơn mấy bà cụ xung quanh là cụ có cái giường (chiếc xe đẩy hàng) nằm êm lắm, không bị lạnh lưng như mấy cụ nằm hành lang. "Cái giường" cũng giúp cụ kiếm kế sinh nhai qua ngày.
Tuy Vu Lan không có con cái ở gần, nhưng các cụ vẫn vui vì mình đã từng làm mẹ. Cho dù cái hạnh phúc đó chẳng kéo dài được bao lâu. Qua nhiều năm tháng đi tìm, đợi chờ mòn mỏi, giờ đây lòng họ cũng thôi hy vọng. "Tình mẫu tử chỉ có được bao nhiêu đó thì biết làm sao, thôi cứ sống tạm qua ngày. Lúc nào chết thì hay…", cụ Nguyễn Thị Duyên (68 tuổi) ngậm ngùi.