"Robin Hood" Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare

Tiến sĩ Terry F. Buss |

Các thành viên bảo thủ coi việc "kế thừa" Obamacare là "tấm vé" đưa họ tới quyền lực chính trị.

LTS: Đây là bài viết đầu tiên trong loạt bài về Obamacare, nỗ lực cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ trị giá 1,3 nghìn tỉ USD.

Đảng Cộng hòa đã giành được quyền kiểm soát chính phủ Mỹ vào năm 2016 - đánh dấu bằng sự kiện Donald Trump đắc cử Tổng thống - và chiếm được đa số ghế trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ, đảm bảo ưu thế tại Tòa án Liên bang, đồng thời đưa các thành viên đảng Cộng hòa vào những vị trí lập pháp, cũng như thống đốc bang.

Những động thái này được thực hiện với ưu tiên hàng đầu là "hủy bỏ và thay thế", hoặc cải cách phần lớn Obamacare, một thành tựu về chính sách công đáng chú ý của Barack Obama khi ông đương nhiệm.

Kể từ năm 2010, phe bảo thủ của đảng Cộng hòa đã tìm cách loại bỏ Obamacare trong suốt quy trình lập pháp hoặc đưa ra tòa án nhưng không mấy thành công. Các thành viên bảo thủ coi việc "kế thừa" Obamacare là "tấm vé" đưa họ tới quyền lực chính trị, mà chỉ mới gần đây còn chịu ảnh hưởng lớn từ liên minh cực tả của ông Obama.

Phe bảo thủ phản đối hầu như mọi khía cạnh của Obamacare và muốn đạo luật này biến mất.

Nỗi ám ảnh phải loại trừ Obamacare sẽ quyết định cách nước Mỹ được dẫn dắt trong vòng 4 năm tới, cũng như cách hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này - chiếm 1/7 nền kinh tế - vận hành. Nếu phe bảo thủ đưa nỗ lực cải cách Obamacare đi sai hướng, quyền lực sẽ vuột khỏi tay họ.

Đây có thể là cuộc đấu căng thẳng nhất trong chính trường Mỹ vài thập kỷ qua.

Tất cả xoay quanh chính trị

Việc phe bảo thủ phản đối Obamacare còn đảng Dân chủ thì nỗ lực bảo vệ nó chắc chắn đều chỉ nhằm nắm giữ hoặc duy trì quyền lực quốc gia; chứ không mấy hướng tới chuyện cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ. Đáng ra toàn bộ chuyện này phải là về chăm sóc sức khỏe!

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 2.

Người Mỹ tham gia cuộc tuần hành March for Health, yêu cầu chính phủ quan tâm đúng mực tới các chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Phe bảo thủ cho rằng, đảng Dân chủ thường tìm cách gắn cuộc đấu đá quyền lực với vấn đề chủng tộc: Obama là Tổng thống da màu đầu tiên. Phân biệt chủng tộc có thể là vấn đề đối với một số người, nhưng Obama đã đắc cử tới hai lần, một cách áp đảo. Vì thế, phần lớn dân chúng không hề phản đối ông.

Dù vậy, có thể họ cũng không thích chính sách hay lập trường chính trị của ông.

Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện liệu Obama và đảng Dân chủ có từng cố gắng tiếp cận đảng Cộng hòa để đi tới một dự luật chăm sóc sức khỏe hồi 2009-2010, năm đầu tiên Obama tại nhiệm, hay không. Nhưng dù xét trên góc độ nào thì những đóng góp của đảng Cộng hòa trong quy trình lập pháp đều rất ít.

Tuy nhiên, 7 năm sau, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không thể xa cách hơn. Và ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa, phe bảo thủ và phe ôn hòa cũng không thể xung đột hơn.

Mỉa mai thay, đảng Dân chủ lại lấy chương trình bảo hiểm "Romney Care" của Thống đốc Massachusetts Mitt Romney làm hình mẫu cho Obamacare. Còn Romney Care lại dựa trên một kế hoạch về quy định bắt buộc đối với mỗi cá nhân của tổ chức bảo thủ cực đoan Heritage Foundation.

Như vậy, đáng ra phải có một nền tảng để hai đảng nỗ lực đi đến một thỏa hiệp. Nhưng họ lại không thỏa hiệp.

Romney, người đã đối đầu với Obama trong kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2012 thậm chí còn chối bỏ Romney Care để giữ khoảng cách với Obama.

Có thời điểm, Obamacare còn không được ưa chuộng ở Mỹ tới mức chính bản thân Tổng thống Obama phải cố tách tên mình khỏi chương trình cải cách và trả nó về với tên gọi "Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền". Sau này khi làn sóng chỉ trích lắng xuống, Obama mới lại gọi đạo luật này là Obamacare.

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 3.

Ông Obama phát biểu tại hội nghị Obamacare năm 2013. Ảnh: Getty

Trong khi quy trình lập pháp Obamacare diễn ra tại Quốc hội Mỹ năm 2009, nhiều nhóm chính trị đã nổi lên, ban đầu là để phản đối việc tăng thuế và những can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, sau này thì phản đối Obamacare khi những điều khoản của nó đã trở nên rõ ràng.

Hoạt động này trở thành phong trào Đảng Trà. Đảng Trà thực ra không phải là một đảng trong Quốc hội Mỹ, mà là một bộ phận cấu thành từ những thành phần bảo thủ cực đoan. Đảng Trà và những đồng sự trong nhóm chính trị Freedom Caucus có khả năng và đang kiểm soát việc thông qua quy trình lập pháp của đảng Cộng hòa trước Quốc hội.

Cuối năm 2009, Obama mất quyền kiểm soát Hạ viện. Nhiều nhà chỉ trích tin rằng nguyên nhân là do sự thất bại của Obamacare.

Lãnh đạo đảng Cộng hòa ở Hạ viện và lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện được cho là đã tiết lộ chuyện đảng Cộng hòa chưa từng làm việc cùng đảng Dân chủ về Obamacare. Quốc hội do đảng Dân chủ nắm quyền của Obama đã thông qua Obamacare mà không có một lá phiếu nào từ đảng Cộng hòa, ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện.

Trong 7 năm qua, họ đã bỏ phiếu hơn 40 lần nhằm bãi bỏ Obamacare. Nhưng những nhân vật phản đối Obamacare của đảng Cộng hòa lại không thể, hoặc không quan tâm tới việc tìm ra một phương án thay thế.

Đó là lý do vì sao thành viên đảng Cộng hòa thất bại trong việc thay thế Obamacare vào tháng 3/2017 dưới quyền của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump và thông qua một đạo luật chăm sóc sức khỏe nhiều lỗ hổng vào tháng 5 này. Cả hai dự luật đều có nhiều khuyết điểm.

Ngoài ra, nhiều thành viên ôn hòa của đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Obamacare hoặc e ngại trước việc bãi bỏ nó.

Quyền lực và những chiến thuật cực đoan của Đảng Trà được phô bày rõ nét vào tháng 10/2013, khi họ đóng cửa Chính phủ trong 2 tuần để tìm cách thúc đẩy việc bãi bỏ Obamacare trong dự thảo ngân sách. Họ thất bại.

Obama đánh bại Romney vào năm 2012 nhưng ông lại để mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay đảng Cộng hòa. Lại một lần nữa, chuyện này phần nào có trách nhiệm của Obamacare. Và giờ thì số phận của Obamacare nằm trong tay Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát.

Cần phải chú ý một điều rằng, mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh bảo hiểm y tế nhiều khả năng đã bắt nguồn từ năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Bill Clinton, 1993 - 1994.

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 4.

Hillary Clinton phát biểu nhân chuyến thăm tới đại học Johns Hopskins 28/10/1993, khi bà còn là Đệ nhất phu nhân Mỹ. Trên tay bà là bản sao của kế hoạch chăm sóc sức khỏe Clinton. Ảnh: AP

Năm đó, Clinton đã bổ nhiệm Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton vào vị trí lãnh đạo cho kế hoạch cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe quy mô lớn - Hillarycare - tương tự như Obamacare. Hillary đã đảm nhiệm dự án này một cách kín đáo. Bà không làm việc với đảng Cộng hòa và cũng phớt lờ cả đảng Dân chủ. Kế hoạch cải cách này là một thất bại cay đắng.

Thú vị ở chỗ, nỗ lực cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe không thành công của Clinton lại đóng một vai trò quan trọng trong thất bại của bà tại cuộc tranh cử năm 2008, trước ứng viên Tổng thống vô danh Barack Obama, người đã đưa chăm sóc sức khỏe vào chương trình vận động của mình.

Dù đã thất bại với Hillarycare năm 1994, bà Clinton vẫn nhấn mạnh vai trò khởi xướng Obamacare của mình trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016. Rủi cho bà, chương trình lại không được ưa chuộng và bà đã không khôn ngoan khi nhận phần công trạng về mình. Nhiều khả năng đây cũng là lý do khiến bà để mất nhiều tấm phiếu quan trọng vào tay Trump.

Cuộc đua giành quyền lực năm 2016 giữa Clinton, Trump và Bernie Sanders là một diễn tiến tiếp theo trong câu chuyện dài kỳ về chương trình chăm sóc sức khỏe.

Government run - single payer là hệ thống chăm sóc sức khỏe do nhà nước quản lý. Theo đó, công dân đóng bảo hiểm thông qua mức thuế do chính quyền quy định, thay vì mua bảo hiểm từ các công ty tư nhân. Bảo hiểm được chi trả theo cơ chế một nguồn, bởi một cơ quan hành chính duy nhất, từ một nguồn quỹ duy nhất. (Chú thích của BTV)

Ban đầu, Hillary Clinton thúc đẩy Obamacare và sau đó, khi Bernie Sanders, ứng viên có tư tưởng xã hội chủ nghĩa ủng hộ hệ thống chăm sóc sức khỏe government run - single payer (do nhà nước quản lý và chi trả từ một nguồn), đảng Dân chủ bị kéo về phe cực tả, trong khi dư luận lại bị kéo về phe cực hữu. Trump lúc này xuất hiện như một nhân vật ủng hộ bãi bỏ Obamacare.

Như vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe đã kéo dài suốt 25 năm mà vẫn chưa ngã ngũ. Cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy câu chuyện này sẽ sớm kết thúc.

Phe bảo thủ lãnh đòn

Phe bảo thủ cho rằng Obamacare - chương trình mà ông Obama và đảng Dân chủ tích cực khuyến khích - không có ý nghĩa như mọi người vẫn tưởng.

Năm 2007, trong cuộc hội thảo do một liên đoàn nhân sự công bảo trợ, ông Obama đã tuyên bố rằng mình sẽ theo đuổi một hệ thống chăm sóc sức khỏe do nhà nước quản lý, chi trả từ một nguồn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi hệ thống do thị trường định hướng và dựa trên các ông chủ.

Khoảng 1 thập kỷ sau, Obama dự tính áp dụng một hệ thống chăm sóc sức khỏe tương tự như của Anh. Nhưng người Mỹ sẽ không chấp nhận một chương trình nhà nước như vậy, vì thế, Obama đã lên kế hoạch cho một tiến trình nhiều bước - một cơ chế khó bị ngăn cản. Và ông đã thành công.

Sự chuyển mình lớn lao mà Obama đã làm với nước Mỹ bao gồm cả lời cam kết sẽ tái phân bổ của cải trong xã hội của người giàu cho người nghèo.

Bên cạnh những chương trình phúc lợi phổ biến như quyền của người lao động, tiền lương tối thiểu, phiếu thực phẩm, trợ cấp thất nghiệp, an sinh xã hội và miễn phí học đại học, Obamacare được tạo nên như một cách đ chuyển của cải từ tầng lớp trung và thượng lưu cho những người kém may mắn hơn.

Nói một cách ngắn gọn thì đối với phe bảo thủ, Obama đóng vai Robin Hood.

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 6.

Barack Obama tham dự diễn đàn của người ủng hộ cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe khi ông còn đương nhiệm.

Obamacare đánh thuế những người giàu có - bao gồm cả giới trẻ - thông qua những chính sách bảo hiểm cao hơn, các khoản khấu trừ và phí. Hàng triệu người phải đóng bảo hiểm y tế cao gấp 2, 3 lần so với trước khi có Obamacare. Người già, người khuyết tật, người ốm yếu và người nghèo phải trả thấp hơn nhiều.

Obamacare cũng có yếu tố công bằng xã hội. Chương trình cho phép rót quỹ cho sinh đẻ có kế hoạch, phá thai không bắt buộc, phẫu thuật chuyển đổi giới tính và trị liệu. Những quy trình này vi phạm điều khoản bảo vệ tự do tôn giáo của nhiều bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ y tế - đặc biệt là Nhà thờ Công giáo - bên giữ quan điểm phản đối.

Hiện ở tòa án có một vụ kiện khá vô lý. Trong đó, các nữ tu buộc phải đưa dịch vụ ngừa thai vào bảo hiểm y tế của mình theo quy định của Obamacare. Chính phủ không cần biết rằng, trên thực tế, các nữ tu có thể không cần tới dịch vụ ấy.

Nhìn chung, phe bảo thủ đề cao cách tiếp cận thị trường tự do để thúc đẩy chính sách công - dù không đạt được nhiều thành tựu. Đối với họ, chính phủ thường thất bại.

Obamacare đã cố gắng trong vô vọng để tạo ra thị trường cho bảo hiểm y tế, để có thể giảm giá thành, thêm lựa chọn và tăng cường khả năng tiếp cận thông qua cạnh tranh.

Obamacare đã đạt được điều này bằng cách quy tụ các công ty bảo hiểm về những cơ chế giao dịch, nơi khách hàng có thể lựa chọn chương trình bảo hiểm phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Các công ty phải đảm bảo cho những người chưa từng sở hữu bảo hiểm có bảo hiểm trước khi Obamacare tính toán nhầm về thị trường.

Kết quả là họ bị mất hàng tỉ USD và già nửa số công ty bảo hiểm rời bỏ cơ chế này. Chi phí tăng chóng mặt còn lựa chọn sụt giảm, giống như tiên đoán.

Một số thành viên bảo thủ tin rằng Obamacare chủ định tạo ra những rắc rối trong hệ thống chăm sóc sức khỏe để khi nó sụp đổ, một hệ thống chăm sóc sức khỏe do nhà nước quản lý sẽ trở thành lựa chọn duy nhất. Có thể họ sẽ đúng.

Obama không thể để thị trường bảo hiểm bị co cụm, thế nên chính phủ lại bồi hoàn cho các công ty bảo hiểm 15 tỉ USD và tìm cách tái phân bổ nhiều nguồn quỹ hơn cho tới khi tòa án ngăn cản họ.

Trợ cấp cho các công ty bảo hiểm vì sai lầm trong việc thiết lập các chính sách bảo hiểm là sai luật bởi nó không được Quốc hội thông qua như luật định. Những khoản này là bổ sung vào các khoản hỗ trợ dồi dào vốn đã được trả cho những người mua bảo hiểm thu nhập thấp.

Obamacare chỉ có thể vận hành bởi nó bắt buộc tất cả mọi người phải có bảo hiểm y tế hoặc sẽ phải nộp mức phạt tương đương 2,5% thu nhập. Phe bảo thủ tin rằng áp các mức phạt như vậy là trái với Hiến pháp Mỹ. Chính phủ không thể ép người dân làm những điều mà họ phản đối hoặc nộp phạt.

Obamacare được đưa lên Tòa án Tối cao Mỹ năm 2012 để giải quyết vấn đề. Đáng ngạc nhiên là từ góc độ bảo thủ, Tòa án lại phán rằng Obamacare hợp hiến. Để khiến phán quyết hợp tình hợp lý và bảo vệ Obamacare, Tòa án đã gọi "mức phạt" là "thuế".

Vì vậy, đối với phe bảo thủ, nền tảng luật pháp của Obamacare khá lỏng lẻo, chưa nói tới việc họ cảm thấy mình bị một thẩm phán bảo thủ phản bội.

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 7.

Trang web healthcare.gov gặp trục trặc ngay trong những ngày đầu. Ảnh: CNN

Obamacare trục trặc ngay ngày đầu tiên

Phe bảo thủ tuyên bố phản đối một chính phủ quy mô lớn mặc dù họ thường bỏ phiếu tán thành việc mở rộng chính phủ nếu điều đó phục vụ cho lợi ích của mình. Họ tin rằng một chính phủ quy mô lớn không hiệu quả và không kinh tế.

Sự kiện ra mắt Obamacare ngày 1/10/2013 - ngày mà Đảng Trà đóng cửa chính phủ - là một thất bại thảm hại.

Để thu hút khách hàng bảo hiểm y tế, Obamacare sử dụng trang web Healthcare.gov - một hệ thống mà chính phủ Mỹ phải mất 2 năm mới xây dựng xong. Thế nhưng, mới mở chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, trang web đã bị sập. Trong những tháng tiếp theo, nó thường xuyên sập và gặp trục trặc.

Theo đánh giá sau đó của văn phòng Tổng Thanh tra thuộc Bộ Y tế Mỹ, những quan chức chịu trách nhiệm xây dựng Healthcare.gov đã quản lý hệ thống này một cách tệ hại ngay từ khi bắt đầu. Giới chức Mỹ phân bổ 500 triệu USD cho trang web nhưng chỉ từ 2013-2014, chi phí đã bị đội lên tới 2,1 tỉ USD.

Heathcare.gov đã ảnh hưởng tới hàng triệu khách hàng, khiến uy tín của chương trình cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng.

Những tiết lộ của Jonathan Gruber

Nếu phe bảo thủ có bất cứ nghi ngờ gì về nền tảng của Obamacare thì những nghi ngờ ấy đã được xác nhận từ sớm.

Giai đoạn kỳ lạ nhất của Obamacare là vào năm 2014, khi Jonathan Gruber, giáo sư thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đi khắp đất nước và thú thực rằng chính phủ đã lừa dối người dân Mỹ về Obamacare.

Robin Hood Obama và lý do phe bảo thủ Cộng hòa ghét cay ghét đắng Obamacare - Ảnh 8.

Gruber nói rằng chính phủ đã lợi dụng "sự ngốc nghếch của cử tri Mỹ" để che giấu chi phí thực sự của Obamacare.

Ông còn nhấn mạnh: Chính phủ chủ định làm cho đạo luật phức tạp tới mức văn phòng Ngân sách Quốc hội - nơi chịu trách nhiệm tính toán chi phí - không thể làm việc đó một cách chính xác.

Để khiến sự việc thêm phần ly kỳ, trước khi đưa ra những tuyên bố như vậy, Gruber được xem như "con cưng" của đảng Dân chủ vì những gì ông đã làm cho Obamacare.

Ông thường xuyên lui tới Nhà Trắng. Sau khi Gruber thú nhận, Obama, đảng Dân chủ và giới chức trong chính phủ Mỹ lại tuyên bố họ không biết ông ta là ai.

Nhưng dù sao, thiệt hại cũng đã xảy ra rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại