Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Getty
"Chúng tôi lên án những thông tin tuyên truyền vô trách nhiệm trên mạng xã hội rằng có một nhóm sĩ quan quân đội đương chức và nghỉ hưu sẽ thôi ủng hộ tổng thống”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố ngày 18/4.
“Đây là tin giả. Tôi không và sẽ không bao giờ tham gia một nhóm như vậy, các quan chức trong Bộ Quốc phòng và sĩ quan nghỉ hưu cũng vậy”, ông Lorenzana khẳng định. Ông kêu gọi “những kẻ gây bất ổn hãy dừng tuyên truyền thông tin ác ý”.
Ông Lorenzana bác bỏ thông tin rằng, một nhóm sĩ quan quân đội đương chức và nghỉ hưu tập hợp trong ứng dụng Viber đã yêu cầu ông Duterte “lên án Trung Quốc bằng ngôn ngữ mạnh mẽ nhất có thể”, nếu không sẽ bị nhóm bất mãn ngừng ủng hộ ngay lập tức, CNN đưa tin.
Những thông tin này liên quan vụ việc hơn 200 tàu Trung Quốc hiện diện ở đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) từ tháng trước. Đến tuần trước vẫn còn 9 tàu ở đó.
Trong một tuyên bố khác đưa ra ngày 18/4, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, ông Cirilito Sobejana, nói thông tin trên mạng cho rằng ông “nằm trong nhóm Viber cùng khoảng 300 quan chức quân đội âm mưu có hành động trái phép để giải quyết vấn đề trên biển Tây Philippines”. Tây Philippines là tên mà Philippines dùng để gọi một phần Biển Đông. Ông Sobejana khẳng định, các lực lượng vũ trang Philippines vẫn tuân thủ trình tự chỉ huy và cam kết duy trì “lòng trung thành không lay chuyển đối với Hiến pháp và cấp lãnh đạo có thẩm quyền hợp pháp”.
Các quan chức an ninh và quốc phòng hàng đầu của Philippines hôm qua xác nhận với CNN về sự tồn tại của nhiều nhóm Viber trong cộng đồng quân sự, trong đó có một số thành viên được mô tả là “rất cố chấp”. Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon nói rằng, có một nhóm “gồm khoảng 400 thành viên”, nhưng ông không nói rõ đó có phải nhóm mà ông Lorenzana đề cập đến hay không.
Nhà phân tích an ninh - quốc phòng Philippines Jose Antonio Custodio cho rằng, thông tin đăng trên mạng gần đây là “trò lừa bịp bắt đầu từ những lời bóng gió tưởng chừng nghiêm trọng về quân đội Philippines”, và đến hôm qua biến thành “một cuộc chiến chó mèo trên mạng xã hội giữa quân đội và một tài khoản mang tên ‘Info Ops PH’ trên nhiều nền tảng mạng xã hội”.
Bất mãn vì hiệu quả chống dịch thấp
Những thông tin đó xuất hiện trong bối cảnh một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi ông Duterte từ chức vì xử lý đại dịch COVID-19 không hiệu quả và cáo buộc ông lệ thuộc vào Trung Quốc đã tập hợp được hơn 50.000 chữ ký tính đến hôm qua.
Theo tin của ABS CBN News, đơn kiến nghị trực tuyến trên trang Change.org ban đầu được hơn 500 nhân viên y tế, luật sư, doanh nhân, học giả, lãnh đạo dân sự và phóng viên ký tên. Ông Duterte đang bị dư luận trong nước chỉ trích vì cách ứng phó với đại dịch, khi nước này tiếp cận mốc 950.000 ca mắc và hơn 16.000 trường hợp tử vong.
Ông Custodio cho rằng, tài khoản Info Ops PH đang “tranh thủ đại dịch và sự bất mãn của người dân trước phản ứng của chính phủ trong đại dịch”, gọi COVID-19 là “mối đe dọa an ninh lớn nhất hiện nay” đối với sự ổn định của Philippines.
Ông Custodio cho rằng, mối đe dọa lớn hơn việc các tướng nghỉ hưu dừng ủng hộ ông Duterte là việc lãnh đạo nhiều ngành quan trọng của cả nước không ủng hộ cách làm việc của ông Duterte. Một nhà phân tích rủi ro chính trị và kinh tế giấu tên nói với báo SCMP rằng, một số nhân vật quan trọng trong các ngành công nghiệp không thỏa mãn với cách tổng thống xử lý đại dịch.
Cựu thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV, một sĩ quan hải quân Philippines nghỉ hưu từng bị ông Duterte cáo buộc âm mưu chống đối tổng thống, cũng phủ nhận tham gia các nhóm Viber. Một sĩ quan quân đội tại nhiệm giấu tên nói rằng, bất kỳ ai đứng sau những cáo buộc này cũng “biết giá trị của sự ủng hộ từ quân đội”.
Từ khi lên nắm quyền năm 2016, ông Duterte vài lần nói đến khả năng xảy ra một cuộc đảo chính quân sự để lật đổ ông. Năm 2018, ông cáo buộc các sĩ quan (không bị nêu tên) đang bắt tay với một số chính trị gia đối lập để lật đổ ông bằng âm mưu mang tên “Tháng 10 đỏ”.
Cùng năm đó, ông Duterte nói rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết Bắc Kinh sẽ không để ông mất chức, cũng như không để tình trạng của Philippines xấu đi. Trong bài phát biểu năm 2019, ông Duterte bảo các binh lính hãy nói với ông nếu họ muốn loại bỏ ông, thay vì tiến hành một cuộc đảo chính.
Ngày 12/4 vừa qua, trong bài phát biểu trước cả nước, ông hỏi rằng liệu quân đội có “cho phép tôi tiếp tục” nếu sự tồn tại của ông trở nên vô nghĩa.