Tàu chiến Israel đầu tiên bị đánh chìm?
Thông tin được Hezbollah dẫn lại từ báo cáo của các đại diện của tổ chức Hamas tại Lebanon - cho biết "các nhóm vũ trang Palestine đã thành công trong việc cho nổ tung một tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngoài khơi khu vực al-Shati ở Dải Gaza".
Các nhà phân tích của trang tin Avia.pro nhanh chóng đưa ra nhận định như sau về thông tin:
"Tuy nhiên, có vẻ như nhóm (tay súng) này chỉ bắn trúng tàu Israel chứ không đánh chìm được nó - vì Hamas không có tên lửa chống hạm hay tên lửa hành trình trong kho vũ khí của mình.
Chính quyền Israel vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông điệp này. Cũng không có thông tin về thương vong hoặc thiệt hại có thể có do vụ nổ".
Có thể nói tới thời điểm hiện tại, có ít nhất 3 câu hỏi được đặt ra. Hải quân Israel (IN) có đưa tàu chiến tới gần bờ biển Dải Gaza hay không và nếu có thì để làm gì? Hamas hoặc các nhóm vũ trang khác có sở hữu vũ khí đủ khả năng đánh trúng tàu chiến Israel hay không?
Cuối cùng là trong giả định cả 2 câu hỏi đầu tiên đều đúng, tàu chiến Israel có thể bị thiệt hại ra sao?
Hình minh họa.
Tàu chiến Israel có tới gần Dải Gaza hay không?
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về IN và lực lượng này hiện đang đóng vai trò gì trong cuộc xung đột Israel - Hamas.
Theo một bài viết được tờ Forbes đăng tải vào cuối tháng 10, IN hiện đang trang bị nhiều loại tàu chiến trong đó có 3 tàu hộ tống tên lửa lớp Sa'ar 6, 3 tàu hộ tống tên lửa lớp Sa'ar 5, 8 tàu tên lửa lớp Sa'ar 4.5 cùng hàng chục tàu tuần tra Dvora.
Nói chung tất cả các tàu chiến của IN đều được phân loại là tàu cỡ Corvette là kiểu tàu chiến nhỏ, cơ động, trang bị vũ khí nhẹ, thường nhỏ hơn khinh hạm và lớn hơn tàu tuần tra thông thường.
Chúng chủ yếu hoạt động như các đơn vị phòng không, tuần tra và kiểm soát trên biển và có thể trở thành bệ phóng tên lửa có điều khiển để tấn công các mục tiêu trên biển và bờ biển.
Forbes cho biết trong cuộc xung đột hiện tại, IN hiện đóng vai trò quan trọng đó là tham gia các chiến dịch vô hiệu hóa người nhái Hamas cố gắng xâm nhập miền nam Israel và phong tỏa Dải Gaza từ hướng biển.
Hình minh họa.
Không những vậy, tờ báo cho biết "các tàu tên lửa Sa'ar 4.5 và tàu tuần tra Dvora cũng có thể triển khai tấn công bằng việc kết hợp sử dụng tên lửa đa năng AGM-114 Hellfire, đạn lảng vảng Spike NLOS, tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon và Gabriel V, thậm chí là pháo chính 76 mm, pháo phòng không Phalanx và súng máy".
Forbes cũng không quên lưu ý về việc "USV (Phương tiện không người lái bề mặt) Rafael Protector của IN với tháp pháo tự động Mini Typhoon (trang bị súng máy 7,62 mm và súng phóng lựu 20 mm) cũng có thể đánh chặn các tàu nhỏ và thậm chí là người nhái".
Từ những thông tin kể trên, có thể thấy không loại trừ khả năng các tàu tên lửa Sa'ar 4.5, tàu tuần tra Dvora cùng USV Rafael Protector đang có mặt ở khu vực biển gần bờ Dải Gaza.
Ngoài ra khu vực được gọi là al-Shati trong tin đồn nói trên là trại tị nạn al-Shati nằm trong thành phố Gaza, nơi hiện là mục tiêu tiến công trên bộ của IDF nên việc tàu chiến có mặt gần bờ để khai hỏa tên lửa có điều khiển được đánh giá là rất có thể.
Trại tị nạn al-Shati nằm đúng hướng tấn công phía bắc của IDF trong bản đồ chiến sự Gaza hôm 7/11 (Nguồn: ISW News).
Hamas có thứ đủ khả năng đánh trúng tàu chiến Israel?
Vậy nếu tàu chiến Israel neo đậu và khai hỏa tên lửa ở khu vực biển gần trại tị nạn al-Shati, nó có thể ở khoảng cách bao xa?
Chúng ta cần quay trở lại năm 2020, khi Quân đội Thụy Điển thử nghiệm biến thể đất đối đất và hải đối đất của AGM-114 Hellfire được họ gọi là Robot 17. Tại thời điểm đó, tầm bắn tối đa của tên lửa này vào khoảng 8 km, thấp hơn nhiều so với Spike NLOS là khoảng 25 km.
Và từ đây có thể suy luận vị trí cách đường bờ biển gần Trại tị nạn al-Shati từ 8 đến 25 km có thể là nơi neo đậu của các tàu chiến Israel.
Khoảng cách này thỏa mãn các điều kiện để khai hỏa chính xác tên lửa vào các mục tiêu trong trại này cũng như không chịu sự uy hiếp của người nhái Hamas (các bình dưỡng khí chỉ đủ để lặn trong vài km).
Các hình ảnh trong cuộc thử nghiệm phóng AGM-114 Hellfire từ mặt đất của Quân đội Thụy Điển vào năm 2020.
Tới đây chúng ta có thể quay lại câu hỏi Hamas hoặc các nhóm vũ trang khác có sở hữu vũ khí đủ khả năng đánh trúng tàu chiến Israel ở cách bờ biển từ 8 đến 25 km hay không và câu trả lời là có - nhưng không nhiều.
Có thể kể tới Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) Kornet EM có tầm bắn tối đa từ 8 km (chống tăng) tới 10 km (chống lô cốt).
Cũng có một thứ khác đáng chú ý ở đây là các tên lửa được cho là dẫn bắn bằng radar như Hệ thống phòng không tự chế Mutabar-1 được Hamas công bố ít ngày trước.
Cần lưu ý rằng loại tên lửa này có thể đạt tầm bắn hiệu quả trong phòng không lên tới 8 km - nghĩa là có thể cao hơn nếu được sử dụng với mục tiêu trên mặt đất hoặc mặt biển.
Nếu tất cả giả định đều đúng?
Nếu giả định tất cả vấn đề kỹ thuật nêu trên đều đúng thì có thể cho rằng đã có một con tàu chiến của Israel bị tên lửa của Hamas đánh trúng.
Tuy nhiên việc cả IDF lẫn Hamas không đưa ra bình luận công khai về vụ việc chứng minh 1 thực tế khác.
Đó là khả năng sát thương của vũ khí được sử dụng trên con tàu chiến này là không đáng kể. Và điều này là tất yếu của việc sử dụng các vũ khí chống tăng và phòng không nhằm vào mục tiêu trên biển.
Hình minh họa.