Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup

Linh Đan |

Từng gây thất vọng lớn tại HAGL nhưng sau đó lại thăng hoa cùng Thanh Hóa, câu chuyện của Rimario mang tới góc nhìn thú vị về những nét thăng trầm của một ngoại binh ở V.League.

Lời tòa soạn: Sinh ra tại Jamaica, từng có quãng thời gian lớn lên trên đất Mỹ, chơi bóng tại Uganda rồi sau đó là Việt Nam, Rimario Gordon đã có những trải nghiệm ở nhiều nền văn hóa khác nhau trước khi đặt chân tới V.League. Và chính hành trình rong ruổi theo trái bóng tròn tới nhiều nơi trên thế giới đã mang đến cho chân sút sinh năm 1994 những trải nghiệm thú vị ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ.

Lắng nghe chia sẻ của Rimario, đặc biệt với những cảm nhận về bóng đá và cuộc sống tại Việt Nam mới thêm hiểu vì sao một chân sút rơi xuống đáy thất vọng sau nửa mùa giải không ghi bàn ở HAGL, tưởng như không thể hòa nhập được với V.League lại có thể vùng lên và chơi cực kì ấn tượng trong màu áo Thanh Hóa.

ÁP LỰC VÔ HÌNH ĐẾN TỪ CÁI TÊN ĐẶC BIỆT

Đầu mùa giải 2018, HAGL tiếp tục cuộc hành trình thay máu dàn ngoại binh đầy gian nan bằng việc đưa về những cái tên mới, trong đó kỳ vọng lớn được đặt vào tiền đạo lần đầu đến Việt Nam chơi bóng: Rimario Gordon.

Nói gian nan là bởi suốt từ khi lứa Công Phượng, Xuân Trường lên chơi V.League từ mùa giải 2015, hầu hết các ngoại binh không trụ lại được đội bóng Phố Núi quá một mùa giải, bởi màn trình diễn không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Ở thời điểm đó, chưa rõ Rimario đẳng cấp ra sao, nhưng chỉ riêng cái tên khá ấn tượng cũng giúp tiền đạo người Jamaica nhận được kỳ vọng không hề nhỏ từ phía người hâm mộ HAGL.

Thế nhưng hóa ra không phải tới khi đặt chân đến Việt Nam, Rimario mới nhận được nhiều sự chú ý đến vậy vì cái tên của mình.

"Tôi không rõ người Việt nghĩ thế nào về người da màu, nhưng có lẽ họ tò mò về tôi cũng giống như tôi tò mò về đất nước của các bạn khi mới lần đầu đặt chân đến.

Mẹ tôi rất hâm mộ Romario của Brazil. Tôi cũng chào đời đúng vào năm 1994, năm Romario chơi cực hay để giúp Brazil vô địch World Cup. Trong tiếng Jamaica thì cái tên đó được đọc lái đi thành Rimario và bà quyết định đặt tên tôi như vậy.

Đó có thể coi là một món quà dành cho sự chào đời của tôi, nhưng đồng thời cũng khiến cho cả đời tôi đi đá bóng luôn phải chịu một áp lực vô hình.

Romario là một cầu thủ tài năng, ngôi sao hàng đầu của Brazil và bóng đá thế giới với kĩ thuật thượng thừa. Rất nhiều người luôn kỳ vọng Rimario phải làm được cái gì đó, đến đâu chơi bóng tôi cũng bị để ý. Nhưng bản thân tôi luôn cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng việc tự động viên rằng tôi là tôi, là Rimario người Jamaica, còn siêu sao kia là Romario của Brazil cơ".

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 2.

Nhắc lại thời điểm quyết định đầu quân cho HAGL, Rimario thừa nhận khi đó anh không biết bất cứ điều gì về bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trải lòng về lựa chọn của mình, tiền đạo người Jamaica cho rằng đó không phải vấn đề gì quá to tát trong bóng đá.

Rimario tâm niệm sự nghiệp của một cầu thủ luôn là một chuỗi thử thách khi phải đứng trước những lựa chọn và luôn cần thời gian để biết được rằng đâu là chọn lựa phù hợp nhất cho bản thân mình.

"Lý do đưa tôi đến với Việt Nam đơn giản chỉ là sự lựa chọn của bóng đá thôi. Trong bóng đá, bạn không thể biết trước được điều gì cả. Nó có thể đưa bạn tới mọi nơi. Hôm nay anh có thể thấy tôi ở Việt Nam nhưng biết đâu mai tôi đã sang đến Bangladesh rồi thì sao. Bóng đá điên rồ lắm.

Nhiều cầu thủ nổi tiếng ở châu Âu, ví dụ như một tiền đạo tôi rất thích là Marouane Chamakh từng nổi đình nổi đám ở Arsenal, nhưng sau đó không trụ lại được và phiêu dạt sang vài CLB nhỏ hơn. Cuối cùng sự nghiệp của anh ta đi xuống và gần như biến mất khỏi làng bóng đá. Không ai còn nhớ Chamakh khoác áo CLB nào vì quá lâu anh ta không hề ra sân thi đấu và để lại dấu ấn gì.

Bóng đá nói chung có tính bất định rất cao, không ai biết trước điều gì cả. Nhìn ở V.League thôi cũng thấy nhiều ví dụ mà.

Omar, người đàn anh tôi chơi rất thân, từng thi đấu ở Thụy Sĩ, ra sân ở Champions League và giờ đang chơi bóng tại Việt Nam; Samson từng đến Atletico Madrid, rồi cũng quay lại Việt Nam; Stevens ngày xưa cũng có thời gian ở Nga, hiện tại anh ấy cũng lựa chọn Việt Nam. Bởi thế bạn không thể biết bóng đá sẽ đưa mình đến nơi đâu.

Trước khi đến đây tôi chưa biết gì về bóng đá Việt Nam cả. Tôi không biết gì về Gia Lai hay Thanh Hóa. Khi người đại diện cho tôi biết đề nghị, tôi suy nghĩ và nói "Ok". Đơn giản vậy thôi".

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 3.

"CÓ LẼ VIỆC TÔI ĐẾN HAGL LÀ QUYẾT ĐỊNH SAI THỜI ĐIỂM"

Bắt đầu với nhiều kỳ vọng là vậy, tuy nhiên hành trình tại HAGL của Rimario đã không suôn sẻ như mong đợi. Sau 13 trận đấu của lượt đi V.League 2018, tiền đạo này dù chơi đầy nỗ lực nhưng lại tỏ ra kém duyên trước khung thành và không ghi được bàn thắng nào.

Đã có những câu hỏi được đặt ra về nguyên nhân khiến Rimario không thể hiện được nhiều ở HAGL, bởi sau đó tiền đạo này gần như lột xác hoàn toàn khi chuyển tới Thanh Hóa với 8 bàn thắng ở giai đoạn lượt về.

Tuy nhiên với Rimario, anh luôn cho rằng quãng thời gian tại HAGL mang lại những bài học bổ ích cho mình để hiểu được bóng đá Việt Nam; còn chuyện thành công không đến như mong đợi, đôi khi chỉ do thời điểm hai bên đến với nhau chưa thích hợp.

"Cầu thủ HAGL giúp tôi yêu đất nước Việt Nam. Chúng tôi cùng lứa tuổi với nhau nên cũng dễ hòa đồng. Họ rất vui tính, chỉ cho tôi rất nhiều về Việt Nam, nói về tập quán của Việt Nam rất nhiều.

Họ cũng nhắc tôi ví dụ đến đội bóng này, đội bóng kia có thể sẽ có người không thích tôi bởi vì tôi là người da đen. Nên tôi hiểu rất nhiều điều về Việt Nam nhờ các cầu thủ Gia Lai. Họ thật thà, chân tình và rất vui vẻ.

Tôi rất hòa đồng với các cầu thủ HAGL nhưng bóng đá không bao giờ dễ dàng cả. Đôi khi mọi việc không thành công chỉ bởi một lý do: Đúng người sai thời điểm".

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 4.

Anh nói tiếp: "Ở kỳ chuyển nhượng giữa mùa, lúc đầu tôi vẫn muốn ở lại HAGL bởi tôi tin rằng bàn thắng đã đến rất gần rồi, kiểu gì tôi cũng ghi được bàn ở V.League.

Nhưng người đại diện nói với tôi rằng hãy thử nghĩ về việc đến Thanh Hóa xem, một nơi cũng rất tốt để tôi phát triển. Trong đội hình Thanh Hóa khi ấy có Trọng Hoàng từng vô địch V.League 3 lần, Vũ Minh Tuấn là đội trưởng của Than Quảng Ninh trước khi tới đây, rồi còn Omar, Hoàng Thịnh, Bùi Tiến Dũng, Đình Đồng và nhiều cầu thủ hay khác nữa.

Đó là một đội hình có sức hút. Mọi thứ tại Thanh Hóa rất chuyên nghiệp. Điều đó không có nghĩa là HAGL không chuyên nghiệp. Tôi muốn nói về ý thức, cách điều hành của Chủ tịch CLB Doãn Văn Phương rất nghiêm ngặt.

Và nhìn xem những gì đã diễn ra ở mùa trước khi tôi đến Thanh Hóa và chơi ở đó trong 4 tháng nửa sau mùa giải. Nhiều tình huống, cơ hội tương tự ở HAGL tôi không ghi được bàn nhưng tại CLB mới tôi lại làm được. Không phải chuyện may mắn mà là do thời điểm thôi. Hoặc cũng có thể do Chúa định đoạt số phận rằng tôi không thể ghi bàn ở Gia Lai được.

Trong cuộc sống, việc đúng thời điểm quan trọng như vậy đó. Tôi vẫn nghĩ rằng mình đá tốt ở Gia Lai, vẫn thấy vui. Không có cầu thủ nào ở HAGL có vấn đề gì với tôi cả. Chỉ là việc đến HAGL với tôi có lẽ là quyết định sai thời điểm".

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 5.

"DÙ CÓ BỊ ĐỐI THỦ XOẠC BÓNG HAY CHẤN THƯƠNG TÔI VẪN CƯỜI"

Chia tay HAGL và có quãng thời gian thành công ở đội bóng mới, tuy nhiên thử thách tại V.League với Rimario vẫn chưa dừng lại. Kết thúc mùa giải 2018, nhà tài trợ quyết định chia tay Thanh Hóa, khiến CLB rơi vào cảnh lao đao.

Thanh Hóa khi ấy chìm trong khủng hoảng, bất cứ cầu thủ nào cũng có thể ra đi vì lý do tài chính. Và sự thật đã xảy ra một cuộc "tháo chạy" khỏi đội bóng xứ Thanh khi hầu hết trụ cột đều quyết định tìm cho mình một bến đỗ mới.

Với màn trình ấn tượng trong giai đoạn lượt về V.League 2018, Rimario chắc chắn không gặp nhiều khó khăn để tìm được một đội bóng mới tại Việt Nam. Tuy nhiên từ quê nhà Jamaica, anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi những biến chuyển tại CLB khi được tỉnh tiếp quản và rồi Rimario chính là một trong những cầu thủ đầu tiên đặt bút ký gia hạn hợp đồng.

Nói về quyết định tiếp tục gắn bó với Thanh Hóa vào thời điểm khó khăn nhất, Rimario lại coi đó là việc khá bình thường bởi bóng đá có những lúc như vậy, có người đi thì cũng có người ở lại và anh chính là người ở lại vào thời điểm đó.

Và chính thái độ chuyên nghiệp như vậy đã tạo nên một Rimario với những suy nghĩ rất đặc biệt trên sân bóng.

"Ví dụ như vài vòng đấu gần đây, Thanh Hóa không có được kết quả tốt. Tôi nghĩ mình phải cố gắng để giúp đội bóng, đơn giản nhất như việc từ giờ đến cuối mùa không phải nhận thêm một tấm thẻ đỏ nào nữa.

Nhưng cũng phải nói thêm về tấm thẻ đỏ của tôi ở vòng 19 gặp Quảng Nam. Tôi chưa hề chạm vào cầu thủ đối phương. Nhiều khi tôi không hiểu sao người khác phạm lỗi với tôi đến 7, 8 lần mà không bị thẻ phạt, còn tôi chỉ va chạm một chút đã bị bắt lỗi rồi.

Thực ra việc tôi bị đối phương theo kèm chặt cũng là bình thường thôi. Bóng đá mà. Ai cũng phải làm việc của mình. Hậu vệ được trả lương để kèm người, còn tiền đạo bị kèm thì phải tìm cách thoát ra. Làm gì có công việc nào dễ dàng trên đời. Chúng ta sinh ra để giải quyết những việc khó. Ai cũng vậy cả thôi. Nếu hậu vệ mà không kèm tôi thì mọi việc hóa ra lại dễ dàng quá.

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 6.

Niềm tin của tôi rất mạnh mẽ. Kể từ khi chơi bóng ở Việt Nam tôi chưa bao giờ bị chấn thương, nhưng kể cả có chấn thương, chắc chắn tôi vẫn sẽ cười bởi đó là một phần của bóng đá và mình không thể tránh được.

Bởi vậy dù bị đội bạn phạm lỗi hay có điều gì không may xảy ra thì tôi cũng nở nụ cười và học cách chấp nhận. Cuộc chơi là vậy, chúng ta không thể quay ra gây gổ hay đánh nhau với đối thủ.

Một phần nữa, khi ta cười đối phương sẽ cảm thấy sợ ta hơn. Dù bị đối phương phạm lỗi nhưng mình không tỏ ra đau đớn, vẫn cười, ý chí của mình rất quyết liệt, không có gì lung lay được cả, những thứ này đâu là gì. Trong bóng đá niềm tin quan trọng lắm.

Chuyện trọng tài cũng vậy. Họ cầm còi điều hành trận đấu còn cầu thủ chúng tôi thì thi đấu. Ai làm việc người đấy, đừng quá bận tâm. Cầu thủ chuyên nghiệp thì phải như vậy. Tôi cũng đâu phải người đầu tiên ở đây cảm thấy có vấn đề này, vấn đề kia về công tác trọng tài. Nhưng kêu gào cũng đâu giải quyết vấn đề gì. Tôi cứ tập trung và cố gắng thi đấu tốt thôi".

"LÀM CẦU THỦ, ĐỪNG LÚC NÀO CŨNG CHỈ NGHĨ ĐẾN BÓNG ĐÁ"

Giống như bao cầu thủ nước ngoài khác đến thi đấu tại V.League, Rimario cũng có những trải nghiệm rất thú vị khi sinh sống tại Việt Nam. Đặc biệt, cầu thủ này chia sẻ đôi khi anh đặt bóng đá sang một bên và chỉ coi mình như một người khách du lịch đơn thuần để khám phá cuộc sống tại đất nước mình đang gắn bó. Và nguyên nhân sâu xa đằng sau suy nghĩ này lại xuất phát từ một lý do hết sức đặc thù.

"Tôi ở Việt Nam đủ lâu để thấy rằng ở đây có rất nhiều điều tích cực. Cuộc sống vui vẻ, con người thân thiện. Tôi đã từng sống ở Mỹ rồi, chi tiêu đắt đỏ hơn rất nhiều, nên cuộc sống ở Việt Nam rõ ràng dễ chịu hơn. Rất nhiều cầu thủ Caribe, châu Phi thích đến Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Bởi vì Việt Nam cho họ cuộc sống thay đổi hoàn toàn, tốt hơn rất nhiều.

Chuyện ăn uống ở Việt Nam và Jamaica không có nhiều khác biệt. Tôi không gặp nhiều khó khăn để hòa nhập. Bình thường tôi vẫn ăn đồ ăn Việt Nam mà không gặp khó khăn gì.

Nhưng đôi lúc tôi tự nghĩ trong đầu mình là người nước ngoài cơ mà nhỉ, nên thỉnh thoảng để thư giãn tôi cũng tới các nhà hàng dành cho người nước ngoài để ăn. Nhiều khi tôi không coi mình là một cầu thủ, mà đơn giản chỉ là một khách du lịch nên tôi cũng muốn đi khám phá các thứ ở nơi đây".

Rimario: Bài học đắt giá ở HAGL và áp lực từ cái tên giống người hùng World Cup - Ảnh 7.

"Thử đặt trường hợp với bản thân một phóng viên chẳng hạn. Anh không thể suốt ngày chỉ nghĩ về báo chí, bài vở được. Tôi cũng vậy. Tôi là một cầu thủ nhưng không thể lúc nào cũng chỉ biết có bóng đá. Cuộc sống của một cầu thủ bóng đá vốn rất mệt mỏi, lúc nào cũng phải cạnh tranh. Áp lực dành cho chúng tôi rất lớn.

Như tôi chẳng hạn, khi đội thua trận tôi cảm thấy mọi thứ thật tệ và không thể nào kìm nén được sự bực tức của mình. Tôi chẳng bắt tay ai cả và chỉ muốn đi thật nhanh ra ngoài. Tôi ghét cảm giác thất bại. Tính tôi là như vậy. Nghe có vẻ điên điên nhưng tất cả cũng bởi tôi đam mê, yêu bóng đá quá nên mới thế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại