70% bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, trong đó chủ yếu thuộc về các đại dương.
Tuy nhiên theo 2 nghiên cứu mới đây, các chuyên gia cho Trái đất còn có một đại dương khổng lồ. Có điều, đại dương này nằm ở một vị trí khá... oái oăm: sâu khoảng 1.000km trong lòng Trái đất. Và ngoài ra, đại dương này còn nắm trong tay vận mệnh của hành tinh này.
Sâu trong lòng Trái đất có một đại dương với trữ lượng "chấp hết" tất cả đại dương trên bề mặt cộng lại
Cụ thể, theo nghiên cứu của ĐH Florida và ĐH Edinburg (Mỹ), sâu trong lòng Trái đất có một lượng nước khổng lồ, được lưu trữ trong một loại khoáng thạch mang tên brucite.
Trên thực tế, trữ lượng nước của đại dương bí ẩn này chưa được tính toán cụ thể. Tuy nhiên các chuyên gia ước tính rằng nó phải nặng bằng 1,5% trọng lượng của hành tinh - tức là đủ sức "chấp hết" toàn bộ 5 đại dương trên bề mặt cộng lại.
Mainak Mookherjee - chủ nhiệm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi chưa từng nghĩ nước sẽ tồn tại trong khoáng vật, như brucite, tại độ sâu như vậy. Nhưng bây giờ khi đã xác định được rồi, ta sẽ cần phải tìm ra cách đánh giá xem có tổng cộng bao nhiêu nước bên trong đó".
Cùng với nghiên cứu của Mookherjee, các chuyên gia thuộc ĐH Northwestern (Mỹ) cũng chỉ ra rằng lượng nước này ở một độ sâu chưa từng thấy, khoảng 1/3 bán kính của Trái đất.
Theo đó, các chuyên gia đã tìm ra một viên kim cương ước tính 90 triệu năm tuổi tại ngọn núi lửa gần sông São Luíz (Brazil). Viên kim cương có vẻ ngoài rất... lệch lạc, không hoàn hảo, bên trong chứa một loại khoáng thạch. Và sau khi nhìn qua kính hiển vi, họ tìm thấy các ion hydroxyl - bằng chứng của nước.
Sự "lệch lạc" của viên kim cương cho thấy nó được hình thành ở một nơi rất sâu. Theo Steve Jacobsen - chủ nhiệm nghiên cứu: "Đây là bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của nước dưới độ sâu như vậy. Thông điệp ở đây là sự tuần hoàn của nước trên Trái đất có quy mô lớn hơn ta tưởng rất nhiều, đến tận những lớp đất sâu bên dưới".
Và lượng nước này đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Theo tiến sĩ Mookherjee, nó đang giữ cho các hoạt động địa chất trong lòng Trái đất diễn ra một cách ổn định. "Nước trong lòng Trái đất có vai trò rất quan trọng, vì nó duy trì sự đối lưu lớp vỏ (mantle convection) - quá trình đá di chuyển từ vùng nóng xuống vùng lạnh trong một khung thời gian địa chất." - Ông cho biết.
Đại dương biến mất, núi lửa cũng ngừng hoạt động. Tận thế xảy ra thôi...
"Nếu trong lòng Trái đất không có nước, quá trình này sẽ không thể diễn ra. Nó sẽ khiến núi lửa ngừng hoạt động, mà núi lửa có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành những lớp vỏ Trái đất chúng ta đang sống. Vậy nên nếu núi lửa ngừng hoạt động, sự hình thành vỏ Trái đất cũng vậy, và toàn bộ sự vận động của hành tinh sẽ chấm dứt".
Hay nói cách khác, thời điểm đó cũng chính là Tận thế!
Nhưng ấy là nếu đại dương kỳ lạ này biến mất thôi! Giờ thì nó chưa xảy ra, và công việc của các khoa học gia là nghiên cứu và tìm ra cách bảo vệ nó.
Nguồn: Daily Mail