Tổng thống Macron "lấy lòng" Chủ tịch Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Pháp hôm 7/5 sau chuyến công du kéo dài hai ngày.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte vẫy tay chào tạm biệt ông Tập và phu nhân Bành Lệ Viện tại sân bay ở vùng Pyrenees vùng tây nam nước Pháp. Trước đó, nguyên thủ hai nước đã cùng dùng bữa trưa trên núi sau buổi hội đàm hôm 6/5.
Theo Reuters, hoạt động này tạo điều kiện cho "các cuộc đàm phán thân thiện và rất thẳng thắn", cho phép ông Macron chuyển tải các thông điệp về Ukraine và mở ra các cuộc đàm phán cởi mở hơn trong tương lai.
Trong những ngày tại Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đã chiêm ngưỡng màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống dưới những đỉnh núi tuyết, thưởng thức đặc sản địa phương như thịt giăm bông, thịt cừu, pho mát và bánh việt quất.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, ông rất ấn tượng với món giăm bông và pho mát.
Ngoài ra trong chuyến thăm, Tổng thống Macron đã tặng ông Tập Cận Bình một chiếc chăn len được sản xuất tại Pyrenees, một chiếc áo đua xe đạp Tour de France và rượu Armagnac - một loại rượu mạnh lâu đời của Pháp, có nguy cơ bị Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt thương mại.
Trong suốt chuyến thăm, ông Macron đã thúc giục ông Tập giảm bớt sự mất cân bằng thương mại, tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn cho các công ty châu Âu ở Trung Quốc và ít trợ cấp hơn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đồng thời gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin về Ukraine.
Ông Tập cho biết ông hoan nghênh nhiều cuộc đàm phán cấp cao hơn về xung đột thương mại nhưng phủ nhận có "vấn đề dư thừa công suất" sản xuất tại Trung Quốc.
Các công ty Pháp và Trung Quốc hôm 6/5 đã đạt được một số thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng, tài chính và vận tải nhưng hầu hết chỉ là thỏa thuận hợp tác hoặc tái khẳng định các cam kết hợp tác.
Mathieu Duchatel thuộc Viện nghiên cứu Montaigne cho biết: "Ông Tập Cận Bình thể hiện thiện chí với người đối thoại nhưng không thực sự nhượng bộ trong những vấn đề quan trọng nhất".
Trung Quốc sẽ ngay lập tức cho phép nhập khẩu thức ăn protein cho lợn và nội tạng lợn từ Pháp, một dấu hiệu cho thấy một số tiến bộ trong nông nghiệp. Các nhà sản xuất thịt lợn Pháp cho biết việc giao dịch nội tạng lợn sẽ thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn thêm 10%.
Tuy nhiên, hy vọng của châu Âu về việc đặt hàng máy bay Airbus trùng với chuyến thăm của ông Tập dường như đã tan thành mây khói khi hai bên chỉ đồng ý mở rộng hợp tác.
Reuters dẫn phân tích của một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định, Chủ tịch Tập Cận Bình là "người chiếm ưu thế" trong chuyến thăm bởi ông đã "củng cố hình ảnh của một người rất có ảnh hưởng với thế giới", khiến phương Tây phải "van nài" ông giải quyết các vấn đề châu Âu ở Ukraine.
Trung Quốc cam kết không bán vũ khí cho Nga
Dù Pháp nói riêng cũng như phương Tây nói chung chưa đạt được nhiều mục tiêu trong chuyến thăm của ông Tập nhưng có kết quả đáng ghi nhận.
Ngay trong ngày đầu thăm Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết không bán vũ khí cho Nga và kiểm soát dòng hàng hóa lưỡng dụng [quân sự/dân sự] cho quân đội Nga.
"Chúng tôi hoan nghênh cam kết của phía Trung Quốc trong việc không bán bất kỳ loại vũ khí nào cho Moscow và kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng", AFP dẫn lời Tổng thống thống Pháp.
Một cam kết như vậy thể hiện bước đột phá đối với châu Âu, vốn từ lâu đã vận động ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Tại Paris, xung đột Ukraine là đề tài nổi bật trong chương trình nghị sự. Các quan chức châu Âu tin rằng những hàng hóa lưỡng dụng như vi mạch và thiết bị chụp ảnh vệ tinh đang tăng cường sức mạnh cho Nga trong xung đột.
Tổng thống Macron cũng cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã ủng hộ ý tưởng một thỏa thuận ngừng bắn Olympic - tức khiến tất cả các xung đột toàn cầu tạm dừng trong thời gian diễn ra Thế vận hội Paris vào tháng 7 và tháng 8.
Trước đề xuất này, ông Tập cho biết Trung Quốc "không đứng ngoài nhìn ngọn lửa, chúng tôi luôn đóng vai trò tích cực trong việc đạt được hòa bình".