11% nữ học sinh phổ thông, 27% nữ nhà báo, 31% nữ sinh viên bị quấy rối tình dục hoặc xâm hại tình dục . Tuy nhiên, đa số nạn nhân không dám tố cáo.
Đại diện Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho biết như vậy tại tọa đàm "Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ". Tọa đàm do Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức ngày 5-12.
Cũng theo Vụ Bình đẳng giới, thời gian qua đã ghi nhận có trên 1.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em . Thậm chí nhiều vụ việc, thủ phạm lại chính là người thân ruột thịt của các em gái.
TS luật Trần Thị Lịch, thẩm tra viên chính TAND Tối cao, nguyên thẩm phán, Phó Chánh án TAND TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), khẳng định tình trạng xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hiện nay rất đáng báo động. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý, xét xử gặp rất nhiều khó khăn do bị hại không tố cáo hoặc sau đó thay đổi lời khai, bảo vệ bị cáo.
Từng có thời gian dài tiếp xúc tại các trung tâm dịch vụ tư vấn pháp lý qua điện thoại, bà Lịch cho biết đã được nghe nhiều người chia sẻ, tâm sự về hành vi xâm hại tình dục. Đáng lo ngại là họ cũng không nhận thức được đó là hành vi vi phạm. Ngay cả người bị hại cũng không nhận thức được rằng họ bị xâm hại.
Kể câu chuyện nghe nhiều cuộc điện thoại thầy giáo tâm sự qua tổng đài, bà Lịch nói: “Có thầy giáo thú nhận với tôi rằng đã quan hệ với nhiều em học sinh lớp 5, 6 và lớp 7... Tuy nhiên, không những không tố cáo mà chỉ sau khoảng 3-5 ngày thì chính các em này lại tìm đến thầy giáo…” - bà Lịch cho biết. Đồng thời đưa ra nhận xét rằng tình trạng này cho thấy mức độ nguy hiểm và rất đau lòng.
Bà Đỗ Thị Thu Hà, phụ trách Văn phòng UNFPA Việt Nam, cho biết thêm: Cứ ba phụ nữ Việt Nam thì có một người bị bạo lực tình dục.
Đặc biệt, 1/3 nữ thanh niên, thiếu niên bị ép buộc quan hệ tình dục: "Thế nhưng chỉ 2% nạn nhân dám đứng lên tố cáo.
Đặc biệt, có đến 65% người chứng kiến lại "thờ ơ" với các hành vi bạo lực, họ không tố cáo hoặc đứng ra làm chứng" - bà Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà thừa nhận Việt Nam chưa có một nghiên cứu sâu rộng về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái nhưng đã có các khảo sát nhỏ lẻ của một số cơ quan, tổ chức cho thấy khoảng 2/3 phụ nữ, trẻ em gái đã bị, từng bị bạo lực.
"Bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái rất đáng báo động nhưng hiện Việt Nam vẫn còn gặp khó trong công tác phòng, chống bởi người bị nạn thì ngại tố cáo; các dịch vụ hỗ trợ còn mỏng; việc can thiệp, trợ giúp còn chậm. Pháp luật đã quy định nhưng việc áp dụng còn hạn chế, xử phạt chưa nghiêm” - bà Nguyễn Thị Hà nhận định.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận thời gian qua công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em đã có những chuyển biến. Đã có nhiều hơn các nạn nhân dũng cảm đứng ra tố cáo. Cạnh đó, xã hội (cộng đồng mạng) cũng vào cuộc mạnh mẽ, đã xuất hiện một số mô hình can thiệp, trợ giúp nạn nhân như "nhà an toàn", trường học an toàn, trung tâm công tác xã hội…
Tuy nhiên, so với dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em gái còn gặp những khó khăn nhất định.
Để giải quyết vấn đề bạo lực từ nhiều phía khác nhau, một số ý kiến đề nghị cần thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng.
Cụ thể là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin dễ tìm, dễ tiếp cận với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Đồng thời cần thay đổi suy nghĩ, thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục, bao gồm cả quấy rối tình dục.