Theo thần thoại phương Tây, khi những chiếc răng rồng được trồng xuống đất, chúng sẽ tạo ra những chiến binh cảm tử. Tuy nhiên, ở phương Đông, "răng rồng" vẫn được xem là một thứ có thật, và được buôn bán rộng rãi, điều đó phần nào đã phá hoại các di tích khảo cổ quan trọng.
Thần thoại về những chiếc răng rồng
Trong thần thoại Hy Lạp, "răng rồng" xuất hiện trong những câu chuyện của Cadmus, Jason và Bộ lông cừu vàng. Người anh hùng Cadmus đã thu thập được những chiếc răng rồng sau khi tiêu diệt một con rồng thành tinh. Sau khi làm theo lời khuyên của nữ thần Athena - trồng những chiếc răng xuống đất, một nhóm chiến binh hung dữ đã mọc lên.
Trong hành trình huyền thoại với Bộ lông Cừu vàng, Jason cũng bị cản trở bởi những chiến binh zombie mọc lên từ những chiếc răng rồng.
Cadmus chiến đấu với con rồng. Ảnh: Ancient Origins
Hai câu chuyện thần thoại của Cadmus và Jason đã truyền cảm hứng cho cụm từ "gieo những chiếc răng rồng", ám chỉ việc khiến một tình huống tuyệt vọng trở nền tồi tệ hơn.
Trong giả kim thuật và y học truyền thống của Trung Quốc, nấm và quả phật thủ được trộn lẫn với bột bò cạp (bò cạp được nghiền thành bột), sừng tê giác, hóa thạch của xương và răng khủng long tạo thành một hỗn hợp gọi là longgu hoặc longchi (xương rồng), được coi một loại thuốc chữa bệnh.
Việc sử dụng răng rồng làm thuốc chữa bệnh đã được ghi chép chi tiết trong các tài liệu y học lâu đời nhất của Trung Quốc, được viết bởi hoàng đế thần thoại Sheng Nung (Shennong).
Theo đó, răng rồng có tác dụng: "chữa ho, phong hàn, tâm thần và 12 loại động kinh ở trẻ em". Tuy nhiên chưa có tài liệu nào chứng thực công dụng cũng như sự tồn tại của nó.
Răng rồng vẫn được buôn bán ở Trung Quốc. Ảnh: Ancient Origins
Theo nhà thần thoại Bruce MacFadden, "đối với người Trung Quốc, răng rồng có giá trị cao hơn, và do đó đắt hơn xương rồng". Trong cuốn sách được xuất bản năm 1934 - Children of the Yellow Earth, chúng ta biết rằng "vỏ ngao hóa thạch" được nghiền thành bột và hòa tan vào nước để điều trị "bệnh thấp khớp, bệnh ngoài da và rối loạn thị lực".
Từ điển Y học Cổ truyền Trung Quốc liệt kê "xương rồng và răng rồng" trong danh mục thuốc giảm đau và an thần, mô tả chúng như sau:
Xương rồng - Loại thuốc này bao gồm xương hóa thạch của động vật có vú cổ đại như Stegodon và Rhinocerus, được sử dụng như một loại thuốc giảm đau và an thần để điều trị các chứng khó ngủ, mất ngủ do suy nhược thần kinh và tăng huyết áp.
Ngày nay, người ta biết rằng hóa thạch không có chứa bất kỳ vitamin hay khoáng chất nào có tác dụng chữa bệnh hoặc cải thiện sức khỏe, mà chỉ có tác dụng "giả dược".
Vậy, những chiếc răng rồng này có nguồn gốc từ đâu?
Nguồn gốc thực sự của những chiếc răng rồng
Các tỉnh Quý Châu và Vân Nam vốn rất giàu hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm từ thời tiền sử, và trong hàng thiên niên kỷ qua, những hóa thạch Maotianshan vô cùng giá trị đã được đào lên ở quận Chengjiang để sử dụng trong nền y học cổ truyền Trung Quốc.
Ngày nay, hóa thạch vẫn mang lại sự giàu có cho người dân địa phương. Họ sẵn sàng che dấu vị trí của các mỏ hóa thạch khỏi các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc để khai thác và bán chúng cho các nhà sưu tập tư nhân và các tổ chức.
Ngôi làng Huaxi, gần Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Ancient Origins
Nguồn gốc của những con rồng trong thần thoại Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng tính biểu tượng của nó thì lại rất rõ ràng.
Rồng là loài vật mạnh nhất trong số các quái vật trong thần thoại. Nó có sức mạnh tối cao với khả năng kiểm soát mưa và những con sông, làm đất đai màu mỡ và mang lại sự sống cho Trái đất.
Nhưng niềm tin vào huyền thoại về răng rồng lại đem đến những hệ lụy không mấy tích cực. Ngày nay một phần không nhỏ người dân vẫn tin vào những câu chuyện mang màu sắc mê tín dị đoan này, và góp phần phá hủy một trong những địa điểm giàu tài nguyên hóa thạch nhất trên thế giới.
Nguồn: Ancient Origins