Cuộc tấn công hạn chế của Israel vào Iran vào ngày 25 và 26 tháng 10 đã đặt ra câu hỏi cho các nhà phân tích quốc tế vốn theo dõi sát sao tình hình xung đột tại Trung Đông.
Bất chấp những kỳ vọng về một chiến dịch quân sự quy mô lớn, cuộc tấn công diễn ra ít dữ dội hơn dự đoán, từ đó làm nảy sinh một số giả thuyết về những lý do có thể dẫn đến điều này.
Một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng đến diễn biến sự việc là vụ rò rỉ dữ liệu xảy ra vào ngày 17 tháng 10.
Nhiều chuyên gia tin rằng thông tin tuyệt mật về kế hoạch tấn công bị lộ từ phía Mỹ đã buộc Israel phải xem xét lại kế hoạch hoạt động ban đầu và từ bỏ việc thực hiện nhiều toan tính.
Thay vào đó, Lực lượng phòng vệ Israel buộc phải dùng đến chiến thuật thay thế, nhưng việc triển khai cũng gặp phải những khó khăn không lường trước được.
Theo một số nguồn tin của Israel, các máy bay chiến đấu F-35 của Israel được cử đi hộ tống tốp tiêm kích nhận nhiệm vụ phóng tên lửa vào các mục tiêu ở Iran bất ngờ nằm dưới sự kiểm soát của những trạm radar Iran hoạt động từ không phận Iraq.
Các nguồn tin cho rằng radar của Iran triển khai tại vùng biên giới đã phát hiện F-35 ở khoảng cách đáng kể, điều này cho phép Tehran thực hiện hành động đáp trả nhằm vào tốp tiêm kích tàng hình
Việc bất ngờ rơi vào vùng theo dõi của hệ thống phòng không Iran khiến các phi công Israel bất ngờ.
Theo đánh giá từ phía Tehran, sự lo lắng của các phi công đã khiến họ phóng tên lửa sớm rồi quay lại để tránh va chạm trực tiếp.
Mặc dù vậy thông tin trên bị cho là có nhiều điểm mâu thuẫn, bởi Iraq không thể cho phép Iran tự do mang những đài radar chống tàng hình kích thước lớn sang lãnh thổ của mình để triển khai, nhất là khi họ đã khóa không phận với chiến đấu cơ Israel để tránh can dự vào xung đột.
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng không mạnh nhất của Iran bao gồm S-300PMU-2 hay Khordad-3 đều nhận thông báo đã bị phá hủy, điều này càng làm tăng thêm nghi ngờ liên quan tới tuyên bố mà Tehran đưa ra.
Tên lửa không đối đất Air LORA lần đầu được Không quân Israel sử dụng trong cuộc tấn công Iran.