Rác công nghệ nhân danh người nghèo

Phạm Hồng Phước |

Tiền nào của nấy. Đặc biệt là hàng công nghệ thì khó có thể ngon bổ mà rẻ.

Tâm lý người tiêu dùng luôn thích hàng giá rẻ và những người kinh doanh "mì ăn liền" luôn nhận ra điều đó, luôn nghĩ cách thu lợi thật nhanh mà không cần nghĩ tới tương lai vì hơn ai hết, họ hiểu giá trị và vòng đời của những thứ họ đang bán. Để có hàng công nghệ giá rẻ, nhà sản xuất bắt buộc phải lùng tìm các nguồn linh kiện và thành phần rẻ nhất có thể được và cũng phải dùng kỹ thuật và vật liệu rẻ tiền. Cũng có một tâm lý tiêu dùng phổ biến là "một đời ta, ba đời nó" khiến người ta chấp nhận trước mắt chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ để có đồ xài, không cần phải bền quá. Hơn nữa trong lĩnh vực hàng công nghệ còn có yếu tố thế hệ, đời nên xài hàng giá rẻ vài năm là bỏ để sắm hàng đời mới.

Hàng công nghệ chất lượng thấp luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Trước hết, chúng ngốn điện hơn, dẫn tới chi phí điện tăng hơn. Liệu có ai tính toán rằng một chiếc máy lạnh giá rẻ ngốn tiền điện ra sao so với chiếc máy lạnh chất lượng cao? Loại gas mà nó sử dụng cũng thuộc loại rẻ tiền và có nhiều nguy cơ rò rỉ khí độc hại ra môi trường. Nó cũng dễ gây ra những sự cố về điện, cháy nổ.

Trong rác thải điện tử có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nguồn: National Geographic

Vì vậy, hàng công nghệ giá rẻ chất lượng thấp chính là một dạng rác điện tử. Theo tổ chức phi chính phủ Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED), thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác…, trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bà Cythia Indirani thuộc Trung tâm vùng Đông Nam Á về Công ước Basel (BCRA-BASEL) giải thích: "Chất thải điện tử" hay "thiết bị điện - điện tử thải" là các sản phẩm dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng thiết kế, các sản phẩm đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng có hàm chứa chất độc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Liệu có ai nhìn thấy bóng dáng của những núi rác công nghệ đằng sau những số lượng "khủng" hàng công nghệ được bán ra trên thị trường chủ yếu dành cho người nghèo? Đừng ai ủ mưu biến người tiêu dùng nghèo thành đối tượng đem rác công nghệ từ nước người về xả ở nước mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại