"Ra trường, thi đỗ viên chức, về quê làm việc" thầy giáo điển trai cao 1m85 ở Quảng Ninh bỗng trở nên nổi tiếng

Trần Hà |

"Sự lựa chọn nào cũng cần có sự yêu thích, sau đó là cố gắng và nỗ lực mỗi ngày thì mới làm tốt và khiến mình thấy hạnh phúc", Thành Thái nói.

Thương học trò như con dù chưa có vợ, được ví là "ông thầy tổng thể"

Thỉnh thoảng mới đăng tải vài clip, hình ảnh đi dạy trên TikTok nhưng tài khoản “Thầy giáo mét 85” nhanh chóng hút triệu view với vẻ ngoài chuẩn soái ca. Ngoài ngoại hình thu hút thì câu chuyện “ra trường, thi đỗ viên chức, về quê làm việc” của thầy giáo này cũng khiến hội Gen Z mê mệt.

Đó chính là Nguyễn Thành Thái (sinh năm 1994) - giáo viên giảng dạy các bộ môn văn hóa khối 3 tại Trường Tiểu học Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Chân dung thầy giáo 9X Nguyễn Thành Thái. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo trẻ không ngại buộc tóc cho học sinh, lau nhà, xếp bàn,... Ảnh: NVCC.

Netizen ấn tượng mạnh khi thấy hình ảnh thầy giáo trẻ lúc thì đứng lớp say sưa giảng bài, khi thì kiêm luôn xếp bàn, lau nhà và… buộc tóc cho học sinh. Gần gũi, giản dị chính là hình ảnh mà nam giáo viên 9X mong muốn xây dựng trong lòng học sinh.

Anh tâm đắc chia sẻ với chúng tôi: “Giáo viên với mình luôn là một nghề rất cao quý. Mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui. Hơn nữa, mình được về giảng dạy tại một ngôi trường gần nhà sau khi thi đỗ viên chức, lại ở quê, không tốn quá nhiều chi phí sinh hoạt. Mình cũng vào biên chế được 4 năm rồi, mức lương cũng ổn định hơn. Thế nên, mình rất hài lòng với công việc hiện tại”.

Một sự nghiệp nghe qua khá bằng phẳng! Song, Thành Thái cho hay “không có còn đường nào trải đầy hoa hồng”, để có được cái tạm gọi là yên bình như hiện tại, anh đã nỗ lực, cố gắng một thời gian dài.

Nhiều người nhầm tưởng Thành Thái là giáo viên thực tập hoặc anh của một bạn học sinh nào vì vẻ ngoài trẻ trung Ảnh: NVCC.

Mình bắt đầu có ước mơ làm giáo viên từ thời học tiểu học. Không biết diễn tả như thế nào nhưng nhìn hình ảnh các thầy cô đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho học sinh khiến mình rất ngưỡng mộ. Song, lúc đó mình cũng phải trầy trật lắm mới thi đỗ ngành Sư phạm tiểu học vì điểm chuẩn khá cao. Trong quá trình học, mình phải đa-zi-năng, kiêm luôn học năng khiếu ca hát, hội họa…. đủ cả. Sau khi ra tường mình đi dạy hợp đồng 1 năm và đi nghĩa vụ quân sự theo chỉ tiêu của Phòng Giáo dục.

Lúc gần ra quân, mình đã tranh thủ thời gian học mọi lúc mọi nơi để ôn thi viên chức. Khi đi dạy, mình cũng chẳng hề nhàn như nhiều người nghĩ đâu. Đặc biệt là giáo viên tiểu học - có đặc thù rất khác với các giáo viên ở bậc học phổ thông, đó là họ được đào tạo để giảng dạy nhiều môn học khác nhau, được ví là ‘ông thầy tổng thể’.

Một buổi đứng lớp của anh thầy. Ảnh: NVCC.

Thành Thái đi đầu trong các hoạt động ngoại khóa, đảm nhận vai trò MC cho nhiều sự kiện của nhà trường. Ảnh: NVCC.

Nếu làm giáo viên chủ nhiệm thì người thầy giáo phải có trách nhiệm cao hơn. Những năm trước mình làm giáo viên chủ nhiệm khối lớp 5, ngoài việc dạy học trên lớp thì mình cũng phải kiêm luôn cả việc quản lý, cho học sinh bán trú ăn, ngủ đúng giờ. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của lớp của trường thì mình vẫn phải tập cho học sinh. Ngoài nhiệm vụ dạy học mình còn kiêm nhiệm Bí thư Chi đoàn thanh niên và quản lý trang fanpage, cổng thông tin điện tử nhà trường.

Mình luôn xem đây là thành tích, thành tựu lớn trong cuộc đời, lấy tình yêu nghề và trách nhiệm của một nhà giáo làm động lực để phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, cũng chính điều này đã tạo điều kiện để giáo viên tiểu học gần gũi, quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Nhiều em xem thầy giáo tiểu học như ‘người cha thứ 2’”, Thành Thái tâm đắc chia sẻ.

Thành Thái không bao giờ quên được hình ảnh các bạn học sinh bịn rịn tiễn anh lên đường nhập ngũ vào 6 năm trước. Từ đó, danh xưng “thầy giáo bộ đội” cũng gắn liền với anh.

“Đầu năm 2018, lúc đó, mình đang chủ nhiệm lớp 3, hôm ấy các bạn học sinh lớp mình đã ra quảng trường thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiễn mình lên đường nhập ngũ. Nhìn học sinh tặng hoa, khóc rồi vẫy tay tiễn thầy lên đường, bản thân mình lúc đó cũng rất xúc động và khóc theo. Kể từ đó học sinh và mọi người gọi mình với cái tên đầy thân thương đó là ‘Thầy giáo bộ đội’”, anh chia sẻ.

Bỏ ước mơ làm người mẫu, về quê sống để đỡ đần bố mẹ

Một ngày làm thầy giáo ở quê của Nguyễn Thành Thái bắt đầu từ 6 giờ sáng. Anh thầy ngủ dậy, vệ sinh cá nhân và ăn sáng sau đó lái xe đến ngôi trường cách nhà 500m để dạy học.

Thành Thái giảng dạy các bộ môn văn hóa như Toán, Tiếng việt, Tự nhiên xã hội… Sau giờ hành chính, anh chàng thường dành thời gian chơi các bộ môn thể thao như chạy bộ, đánh bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe.

Thành Thái cũng tập tành bán hàng online, làm MC đám cưới, mẫu ảnh vào những ngày nghỉ để kiếm thêm thu nhập.

Đời thường, Thành Thái thỉnh thoảng nhận job làm MC, người mẫu,...Ảnh: NVCC.

Ở nhà, mình cũng tự làm việc nhà, tự giặt đồ cá nhân, phụ bố mẹ nấu ăn nữa (cười). Hàng tháng, mình cũng đưa cho mẹ 50% tiền lương để tiết kiệm, 1 phần mình phụ thêm vào phí sinh hoạt cùng gia đình”, Thành Thái chia sẻ thêm.

Trên trang TikTok cá nhân, anh thầy từng chia sẻ clip ghi lại khoảnh khắc phụ mẹ dọn vệ sinh môi trường từ năm 2020 hút hơn 1,5 triệu lượt xem.

“Lúc đó là dịp trước Tết nguyên đán và cũng là thời gian mình ra quân chưa đi dạy lại mà mẹ làm nhiều cũng ốm mệt nên mình đi làm giúp mẹ 1 tháng. Mình thấy đó cũng là điều bình thường thôi, công việc thu gom rác nhiều bạn trẻ thấy ngại hoặc xấu hổ nhưng mình không thấy vậy vì lao động là vinh quang mà. Giúp mẹ được phần nào thì bản thân mình cũng thấy vui rồi!”, Thành Thái nhớ lại.

Hiện tại, mẹ Thành Thái đã 50 tuổi, vẫn tiếp tục công việc công nhân thuộc công ty môi trường đô thị. Nếu có thời gian rảnh, anh vẫn phụ mẹ đi cắt cỏ và tỉa cành cây tại công viên cây xanh,...

Clip Thành Thái chia sẻ việc phụ mẹ làm công việc của một công nhân vệ sinh môi trường.

Với bố mẹ nam thầy giáo, việc con trai tốt nghiệp đại học, về giảng dạy ở quê nhà vừa là niềm tự hào, vừa khiến bố mẹ an tâm.

Về phía mình, Thành Thái cho hay đây cũng là công việc bản thân mong ước nên anh đang hài lòng với tuổi trẻ của mình. Song, đã chọn yên bình, chọn an toàn cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất đi hoặc không có được những trải nghiệm mà nhiều người trẻ đang đi đây, đi đó có được.

Làm việc ở quê hay chọn cuộc sống bình yên cũng sẽ có những cái được - mất khác nhau. Cái mình được là một công việc ổn định như mong ước, mang lại nguồn thu nhập đủ sống, đặc biệt là được ở gần bố mẹ, đã là điều hạnh phúc nhất rồi. Cái mất, chính là sự trải nghiệm mà nhiều bạn trẻ đang có được khi đi làm ở thành phố, đi du học nước ngoài,...

Cũng chia sẻ thật, trước đây mình có ý định đi thi người mẫu và theo nghề nhưng thực sự mình không đủ can đảm để bước ra khỏi vùng an toàn. Thế nên mình nỗ lực để có được công việc như hiện tại và mình hài lòng với nó. Thỉnh thoảng mình vẫn đi làm MC, mẫu ảnh kiếm thêm thu nhập và cũng là duy trì đam mê”, Thành Thái chia sẻ.

Một số hình ảnh đời thường của Thành Thái. Ảnh: NVCC.

Anh chàng cũng chăm chỉ tham gia các hoạt động thể thao. Ảnh: NVCC.

Theo Thành Thái, sự ổn định với mỗi người là khác nhau, dù ở quê hay làm việc ở thành phố, công tác ở nước ngoài thì bất kỳ công việc nào cũng có những được - mất. Cái quan trọng là mình tìm ra lựa chọn phù hợp với bản thân, song cũng đừng quên nỗ lực cải thiện, làm mới mình mỗi ngày.

Dù lựa chọn làm việc ở quê hay thành phố thì theo mình không có cái gì là hoàn toàn nhàn hạ hay dễ dàng. Sự lựa chọn nào cũng cần có sự yêu thích, sau đó là cố gắng và nỗ lực mỗi ngày thì mới làm tốt và khiến mình thấy hạnh phúc được”, anh chia sẻ.

Nói về việc 30 tuổi nhưng vẫn… độc thân Thành Thái cho hay cũng rơi vào tình huống bị bố mẹ thúc giục. Song, anh không quá áp lực hay vội vàng cưới để đủ KPI hay bằng bạn bằng bè. Bởi, anh thầy quan điểm kết hôn không phải deadline để đưa ra thời điểm, cần phải hoàn thành bởi mỗi người có hoàn cảnh, mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. Lúc nào tìm được người phù hợp thì kết hôn ở thời điểm nào cũng đúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại