Ra tối hậu thư 8 ngày cho Catalonia, chính phủ Tây Ban Nha "bắn 1 mũi tên trúng 2 đích"?

Tất Đạt |

Catalonia đang đứng trước lựa chọn khó khăn sau khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha yêu cầu xứ này "nói lại cho rõ" về tuyên bố độc lập.

Tối hậu thư 8 ngày

Hôm qua (11/10), Thủ tướng Tây Ban Nha (TBN) Mariano Rajoy tuyên bố cho xứ Catalonia 8 ngày để từ bỏ ý định ly khai. Nếu vùng này không tuân thủ, ông Rajoy sẽ cắt bỏ quyền tự trị và chính quyền TBN sẽ trực tiếp quản lí Catalonia.

Tuy tuyên bố này khiến căng thẳng giữa Madrid và khu vực đông bắc TBN leo thang, nhưng nó cũng mở ra hướng giải quyết vấn đề chính trị nghiêm trọng nhất của TBN kể từ cuộc đảo chính lịch sử năm 1981.

Ông Rajoy có thể sẽ tổ chức một cuộc bầu cử cấp khu vực sau khi viện tới Điều 155 của Hiến pháp để vô hiệu hóa quyền điều hành của chính quyền Catalonia.

Thủ hiến Catalonia, ông Carles Puigdemont đã lên kế hoạch tuyên bố độc lập vào chiều tối ngày thứ Ba (10/10) vừa qua, nhưng đã hoãn lại và kêu gọi đàm phán với chính quyền Madrid.

Thủ tướng Rajoy phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia sau cuộc họp nội các: "Dù Catalonia đã gây ra bất ổn trong thời gian gần đây, chính quyền trung ương TBN nhất trí vẫn sẽ yêu cầu Catalonia trả lời liệu xứ này đã tuyên bố độc lập hay chưa."

Sau đó, ông cho biết Catalonia có thời gian tới thứ Hai (16/10) để trả lời. Nếu ông Puigdemont xác nhận Catalonia đã độc lập, ông sẽ có thêm 3 ngày để "chấn chỉnh" lại phát ngôn của mình, tức thứ Năm (19/10). Sau thời điểm này, điều 155 Hiến pháp sẽ được thi hành.

Hàng nghìn người Catalonia biểu tình đòi quyền độc lập. Nguồn: Euronews

Các chuyên gia nhận định ông Puigdemont hiện đang gặp tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" sau yêu cầu từ chính quyền Madrid. Nếu tuyên bố độc lập, Catalonia sẽ vấp phải phản đối gay gắt từ trung ương; nếu rút lại ý định ly khai, đảng cánh tả của xứ này sẽ không tiếp tục ủng hộ thủ hiến Catalonia nữa.

Ông Antonio Barroso, phó giám đốc cơ quan nghiên cứu Teneo Intelligence nhận định: "Ông Rajoy đạt được cùng lúc 2 mục đích khi đưa ra quyết định này: hoặc chính quyền Catalonia ngày càng phân rã, hoặc Catalonia sẽ bị tước quyền tự trị. 

Dù theo hướng nào đi chẳng nữa, kết quả cuối cùng cũng sẽ khiến Catalonia phải thay đổi hệ thống pháp luật cũng như phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm trong khu vực."

Những cuộc đối thoại bất thành

Cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia ngày 1/10 kết thúc với số phiếu thuận áp đảo lên tới 90%. Chính quyền Madrid đã tuyên bố cuộc trưng cầu là bất hợp pháp.

Chính phủ trung ương cũng phủ nhận bài phát biểu của ông Puigdemont tại nghị viện Catalonia, cho rằng xứ này không thể hành động dựa trên kết quả của 1 cuộc bỏ phiếu.

Viện tới điều 155 để giải quyết vấn đề chính trị nan giải nhất của TBN trong 4 thập kỉ qua sẽ khiến các giải pháp đàm phán trở nên khó khăn hơn.

Phát ngôn viên của chính quyền Catalonia tại Barcelona, ông Jordi Turull cho biết nếu Madrid một mực theo đuổi hướng đi này, Catalonia cũng sẽ bằng mọi giá tìm cách ly khai khỏi TBN.

Ra tối hậu thư 8 ngày cho Catalonia, chính phủ Tây Ban Nha bắn 1 mũi tên trúng 2 đích? - Ảnh 2.

Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont kí tuyên bố độc lập ngày 10/10 tại Madrid. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi chưa từ bỏ. Chúng tôi tạm dừng không có nghĩa chúng tôi lùi lại hay sợ hãi," ông Turull phát biểu qua đài phát thanh Catalonia.

Thủ lĩnh đảng Xã hội TBN Pedro Sanchez cho biết ông sẽ ủng hộ Thủ tướng Rajoy nếu Điều 155 được áp dụng. 

Trong vòng 6 tháng tiếp theo, ông Sanchez cũng hi vọng sẽ có cơ hội thảo luận nhằm cải tổ hiến pháp TBN để Catalonia đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Được biết, việc ông Puigdemont trì hoãn tuyên bố đơn phương độc lập trong bài phát biểu hôm 10/10 đã khiến những người ủng hộ độc lập thất vọng. Hàng ngàn người đã hồi hộp chờ đợi bên ngoài tòa nhà cơ quan lập pháp, chăm chú xem những màn hình lớn phát trực tiếp diễn biến bên trong, và sau đó ra về trong buồn bã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại