Rà soát “người có quan hệ gia đình” trong bộ máy để chủ động bố trí, luân chuyển

Thanh Hà/VOV.VN |

Việc rà soát là cần thiết để các cơ quan có trách nhiệm trong công tác cán bộ nắm chắc tình hình, trong quá trình thực hiện khi có điều kiện luân chuyển, bố trí chủ động và phù hợp.

TP.HCM chấp hành Quy định 114 của Đảng với tinh thần nghiêm túc

Thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức cũng như các doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP, các hội có tính đặc thù yêu cầu rà soát những “người có quan hệ gia đình” đang đảm nhiệm các chức danh không được bố trí theo quy định, kể cả cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đang công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Theo Quy định 114, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, còn có người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan thuộc 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, toà án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương cũng sẽ không được bố trí đảm nhiệm các chức danh liên quan nếu có mối quan hệ gia đình.

Rà soát “người có quan hệ gia đình” trong bộ máy để chủ động bố trí, luân chuyển - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc UBND TP.HCM ban hành văn bản này cho thấy thành phố đang thực hiện việc chấp hành Quy định 114 của Đảng với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, bất cứ quy định nào cũng mang tính lịch sử, đáp ứng nhu cầu của từng giai đoạn và Quy định 114 cũng vậy. Điều 16 Quy định 114 ghi rõ quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Như vậy đồng nghĩa với việc tính từ ngày quy định này có hiệu lực, cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong công tác cán bộ bố trí, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý không tuân thủ Quy định 114 mới vi phạm”.

Theo Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II, hiện nay, trong quá trình lịch sử lâu dài, chắc chắn việc một cơ quan, đơn vị có những người có mối quan hệ như điều 6, Quy định 114 không phải là ít. Đối với một thành phố lớn như TP.HCM, chắc chắn số này không hề nhỏ. Vì thế, việc rà soát là cần thiết để các cơ quan có trách nhiệm trong công tác cán bộ nắm chắc tình hình, trong quá trình thực hiện khi có điều kiện luân chuyển, bố trí chủ động và phù hợp.

“Nếu ngay bây giờ, UBND TP rà soát, chuyển đổi tất cả các vị trí công tác vướng nội dung Quy định 114 nêu trên thì tôi cho rằng dù có thực hiện tốt cỡ nào cũng có thể gây ra những xáo trộn, bất ổn”, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên nêu quan điểm.

Rà soát “người có quan hệ gia đình” trong bộ máy để chủ động bố trí, luân chuyển - Ảnh 2.

PGS.TS Huỳnh Thị Gấm - nguyên Trưởng khoa Lý luận chính trị - Học viện Chính trị Quốc gia Khu vực II (Ảnh: VĐ)

Theo PGS.TS Huỳnh Thị Gấm - nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị Khu vực II, TP.HCM, việc UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện bước rà soát này là cần thiết, cho thấy sự cẩn trọng, toàn diện, không có ngoại lệ trong công tác kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời cũng mở ra hướng bố trí, sắp xếp cán bộ cho phù hợp, theo đúng quy định. Cùng với đó, UBND cũng nghiêm cấm việc tranh thủ, lợi dụng việc rà soát để có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thể hiện tính nghiêm minh, quyết liệt, liêm chính, công bằng, công tâm trong công tác then chốt này.

Yêu cầu rà soát của TP.HCM được người dân đồng tình, ủng hộ

Nhấn mạnh vấn nạn “con ông, cháu cha”, cả gia đình làm quan hay bổ nhiệm bố trí người thân, người nhà trong hệ thống chính trị đã tồn tại từ lâu trong công tác cán bộ, vì thế, yêu cầu của UBND TP.HCM về rà soát người nhà trong bộ máy chính trị theo ông Trần Lương Lai (phường 15, quận 11, TP.HCM) là đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mặc dù việc rà soát này theo ông cần phải được thực hiện sớm hơn.

“Tôi ủng hộ và cho đây là cách làm đúng để phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, tôi băn khoăn đến bây giờ mới làm, liệu có làm được không, có hiệu quả không và đặc biệt có quyết tâm để làm tới cùng hay không. Chúng tôi thực sự mong muốn yêu cầu này của TP.HCM sẽ được thực hiện một cách thực tế, logic, khoa học”, ông Trần Lương Lai bày tỏ.

Theo ông Lai, có thể có ý kiến lo ngại, thực hiện việc rà soát sẽ gây xáo trộn hay vấn đề về tâm lý đối với những người đang làm việc ổn định, hiệu quả, nhưng dù là thế, “vẫn cần chọn lấy mục tiêu lớn hơn, căn bản hơn. Nếu anh A là cháu của ông nọ, bà kia, khi không làm ở đây nữa, thì đó là cơ hội để anh ta thử thách bản thân mình ở một nơi khác, vị trí khác. Điều này cũng có tác dụng nhất định.

“Anh đã có năng lực thì không cần phải gần bố, gần chú mới làm được”, nhấn mạnh điều này, ông Lai đề nghị thành phố nên có thông báo trong toàn Đảng bộ thành phố lấy tinh thần tự giác, ai có quan hệ họ hàng với lãnh đạo thì “đứng ra”, ai không tự giác, buộc phải nêu tên thì cũng cần có hướng xử lý.

Rà soát “người có quan hệ gia đình” trong bộ máy để chủ động bố trí, luân chuyển - Ảnh 3.

Ông Mai Thanh Hà (phường 7, quận 5, TP.HCM) (Ảnh: VĐ)

Ủng hộ chủ trương rà soát “người nhà cán bộ” trong hệ thống chính trị để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, ông Mai Thanh Hà (phường 7, quận 5, TP.HCM) lại mong muốn, sau rà soát phải làm sao bố trí cán bộ đúng chức năng (năng lực), đúng hoàn cảnh và đúng vị trí công tác để họ có thể phát huy được thế mạnh của gia đình, phát huy được năng lực sẵn có của những “hạt giống đỏ”, vốn được đào tạo bài bản, đó là kết quả cả hệ thống chính trị cần.

“Do đó, việc rà soát lại, tôi nghĩ người dân đều ủng hộ nhưng rà soát lại để sắp xếp bố trí cán bộ cho hợp lý hơn mới là điều người dân và cử tri quan tâm. Không thể lấy (để) việc rà soát gây ra tâm lý bất ổn, một sự xáo trộn trong cán bộ, công chức. Nếu làm việc này không khéo, nhiều luồng tư tưởng, thông tin độc hại dựa vào những việc như này làm bất ổn xã hội thì không nên”, ông Mai Thanh Hà nêu quan điểm.Để làm tốt công tác cán bộ, theo ông Mai Thanh Hà, quan trọng nhất là chúng ta phải chuẩn hóa được đầu vào của cán bộ, có vậy mới có được cán bộ tốt, cán bộ giỏi. Nếu không, dù có nhiều quy định để bảo vệ cán bộ đến mấy, chúng ta sẽ càng không thể có được cán bộ giỏi. Giống như một cầu thủ bóng đá, khi anh ta quá lo nghĩ bảo vệ chân cẳng, anh ta sẽ không bao giờ dám vượt qua mọi truy cản để ghi bàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại