Cách đây 40 năm, ông Sĩ Tấn Búp (61 tuổi, quê Cà Mau) gặp bà Trần Tuyết Lệ (58 tuổi) trong một lần đi chơi cùng nhóm bạn. Cơ quan ông Búp thách đố ông “cua đổ” bà Hồng, phần thưởng là một nồi chè đậu xanh hột vịt. Ông Búp gật đầu đồng ý. Ngày tới tán tỉnh, làm quen bà, ông không có nổi đôi dép tử tế để đi, phải đi mượn từ người quen. Mỗi lần có gánh hát về xã, ông bà mừng như mở cờ trong bụng vì có chốn để hẹn hò, tâm sự. Tìm hiểu được một năm, ông bà về chung một nhà.
"Hồi đó quen nhau cũng sợ gia đình phát hiện, là con gái nên nhà bà cũng khó hơn một chút. Được 1 năm tôi qua xin cưới và nói chuyện với cha bà: Giờ cháu thương Lệ quá, mong được chú gả. Thấy ông gật đầu, tôi mừng lắm, về báo cha mẹ, cơ quan”, ông Búp nói.
Vì nhà nghèo nên đám cưới của ông bà không làm rình rang hay tổ chức rước dâu, trao của hồi môn. Ông Búp gộp chung tiệc báo hỷ với đám giỗ ông cố, làm vài mâm cơm nhỏ mời gia đình.
Cuộc sống gia đình trôi qua bình yên, hạnh phúc, bà Lệ sinh cho ông 2 đứa con kháu khỉnh. Trong một lần ra chợ, bà bỗng nhận được tin dữ. Một người quen đã kéo bà lại, nói nhỏ vào tai: “Nhìn thấy con chồng chưa?”. Bà Lệ ngạc nhiên, không hiểu có chuyện gì đang xảy ra. “Con rơi của chồng bà đó. Nó đang ở đợ trong nhà kia, vô trong mà xem, nó giống ông Búp dữ lắm”, người này nói tiếp.
Bà Lệ không tin, về tra hỏi chồng. Nhưng ông Búp cũng lắc đầu, nói rằng không biết đứa con rơi nào cả. Bà Lệ dẫn ông tới thẳng hướng ngôi nhà người ta chỉ hỏi cho ra nhẽ. Nhìn bé gái 13 tuổi đang đứng trước mặt, ông Búp ngờ ngợ rồi mới chợt nhớ về câu chuyện năm xưa.
Trước khi quen bà Lệ, ông Búp có một mối tình sâu đậm. Nhưng sau đó vì đi công tác xa, ông và người phụ nữ mất liên lạc. Lúc ấy người phụ nữ đã mang trong mình giọt máu của ông.
“Tôi hỏi ra mới biết, cô ấy sau đó đã lấy chồng mới, đứa con riêng về sống với ông bà ngoại. Nhà nghèo đứa bé phải đi ở đợ. Thấy con vậy mình cũng bỡ ngỡ, suy nghĩ lắm. Nhưng mọi chuyện là vô tình, không phải tôi lừa gạt người ta. Tôi cũng không biết người ta mang bầu mà có ý định chối bỏ”, ông Búp tâm sự.
Về phía bà Lệ, trong thâm tâm bà không ghen hay oán trách ông nửa lời, thậm chí còn thấu hiểu cho chồng. “Tôi suy nghĩ đơn giản, nếu ông cưới tôi về rồi léng phéng vậy thì không được. Còn ông quen người ta trước đó, tôi có thể thông cảm”, bà Lệ nói.
Ông bà đồng thuận xin phép hai bên gia đình, cho nhận lại người con thất lạc. Bà tới nơi đứa bé đang ở đợ, hỏi xin chủ nhà cho rước về nuôi. Bà mua sắm quần áo, đồ đạc cho đứa bé, tạo điều kiện cho hai cha con gắn kết tình cảm.
Suốt 40 năm, cuộc sống của ông bà trải qua nhiều niềm vui những cũng lắm thăng trầm, khó khăn. Từ sau khi cưới, món quà ông tặng bà chỉ có chiếc kẹp tóc và một cái quần đen. Sinh con vất vả, ông đi công tác thường xuyên, mình bà phải gói bánh dừa kiếm tiền mua gạo. Đôi lúc bà thấy tủi thân khi nhìn bạn bè lấy được chồng giàu sang, có đám cưới rình rang.
“Nhưng rồi tôi cũng tự an ủi, vợ chồng đã thương nhau thì phải cùng cố gắng, vui thì vui mà cũng có lúc buồn. Đoạn đường còn dài, mình vẫn nên tự lập. Tôi đã chấp nhận thương ông thì chuyện gì cũng sẽ cố gắng vượt qua”, bà Lệ bộc bạch.
Thời điểm hiện tại, 3 người con đều đã trưởng thành và có tổ ấm riêng. Con riêng của ông Búp cũng đã lập gia đình, sinh cháu chắt đề huề. Ông bà có thể yên tâm tận hưởng những ngày tháng hạnh phúc bên nhau.
Nguồn: Tình trăm năm