Quyết định "liều lĩnh" của TT Putin trong thảm kịch bắt cóc đen tối nhất lịch sử Nga

Thi Anh |

Đặc nhiệm Nga đã bơm khí gây mê vào khán phòng, nơi hơn 900 con tin bị giam giữ. Sàn nhà hát rải rác những bom, quả lớn nhất chứa tới 50kg thuốc nổ TNT.

"Vũ khí đặc biệt" của đặc nhiệm Nga

Anya Andrianova nhận thấy có mùi lạ bên trong nhà hát vào khoảng 5h30 sáng ngày 23/10/2003. Giống như hầu hết các con tin khác và những kẻ khủng bố Chechnya, Andrianova đang ngả người trên ghế, cố chợp mắt. Bị đánh động bởi mùi lạ, cô thấy những luồng khí rỉ qua hệ thống điều hòa và bốc lên từ dưới sàn.

Trong cơn hoảng loạn, bạn của Andrianova đã dùng điện thoại di động gọi tới chương trình radio sáng sớm Ekho Moskvy và cho biết, một loại khí đã bắt đầu được bơm vào khán phòng. Một lát sau, các thính giả radio nghe thấy tiếng súng nổ và Andrianova hét to: "Tất cả chúng tôi rồi sẽ bị nổ tung".

Thế nhưng, loại khí gây mê này lại là thứ cứu nguy cho Andrianova. Đó là "vũ khí đặc biệt" trong chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Nga (Spetsnaz) nhằm đối phó với 50 tên khủng bố Chechnya, những kẻ đã giam giữ hơn 900 con tin trong nhà hát Dubrovka, Moskva suốt gần 3 ngày.

Quyết định liều lĩnh của TT Putin trong thảm kịch bắt cóc đen tối nhất lịch sử Nga - Ảnh 1.

Đặc nhiệm Nga chuẩn bị tiếp cận khán phòng nhà hát. Ảnh: TASS

Khí gây mê, hiện vẫn chưa rõ là loại nào, được bơm qua hệ thống thông gió của tòa nhà và qua các lỗ hổng dưới sàn do binh lính tạo ra sau khi tiếp cận ngầm dưới nhất từ ngày đầu tiên.

Sau gần 1 giờ đấu súng, các binh lính Spetsnaz đập vỡ cửa kính phía trước của nhà hát vào 6h23 và 7 phút sau thì mở tung những cánh cửa dẫn tới hội trường chính trước khi ập vào khán phòng.

Sau một trận đấu súng quyết liệt, lực lượng đặc nhiệm Nga đã hạ được những kẻ khủng bố vẫn còn tỉnh táo. Sàn nhà hát rải rác những bom, quả lớn nhất chứa tới 50kg thuốc nổ TNT. May mắn là không có quả bom nào phát nổ. Hầu hết những nữ khủng bố quấn đai thuốc nổ đều bị khống chế bởi khí gây mê.

Cuộc giao tranh giữa binh lính và khủng bố tiếp diễn ở nhiều khu vực khác của tòa nhà trong hơn nửa giờ sau đó. Một số con tin tìm cách trốn chạy trong cuộc giao tranh đã bị những kẻ khủng bố Chechnya đứng ở lối ra tấn công. Movsar Barayev, thủ lĩnh 27 tuổi của nhóm khủng bố, bị tiêu diệt ở khu vực bếp trên tầng 2.

Một số ít con tin có thể tự mình bước ra bên ngoài nhưng hầu hết đều phải di chuyển bằng cáng. Họ được đưa lên ô tô và xe cứu thương chờ sẵn, tới các bệnh viện khắp thủ đô Nga. Tuy nhiên, 119 trong số 130 nạn nhân của cuộc khủng hoảng đã tử vong trong bệnh viện.

Quyết định của Putin

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chia sẻ những điều chưa từng được tiết lộ về thảm kịch ở nhà hát Dubrovka trong bộ phim "Putin". Ông cho biết những kẻ khủng bố định giết hại các con tin tại Quảng trường Đỏ từng người một.

"Kế hoạch của chúng là đưa các con tin tới Quảng trường Đỏ và bắn họ tại đó, ném xác họ xuống phố, để tác động tới giới lãnh đạo và an ninh của đất nước. Tất nhiên, chúng tôi không thể để điều này xảy ra", ông Putin nói.

Quyết định liều lĩnh của TT Putin trong thảm kịch bắt cóc đen tối nhất lịch sử Nga - Ảnh 2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm các nạn nhân. Ảnh: TASS

Trước khi chiến dịch giải cứu xảy ra, lực lượng an ninh phải bơm khí gây mê vào khán phòng. Nhưng theo ông Putin, hệ thống khí chưa hoạt động vào thời gian quyết định tiếp cận nhà hát được đưa ra.

"Sáng hôm sau, vụ giết hại con tin dự kiến sẽ diễn ra. Không thể chờ đợi được", ông Putin nói.

Tổng thống Putin cho biết ông đã đề nghị người đứng đầu FSB tiếp cận nhà hát ngay lập tức. Cuối cùng, tới lúc chiến dịch diễn ra, hệ thống khí cũng hoạt động.

"Không may là chúng ta lại mất rất nhiều người ở đó. Họ tử vong không phải vì bị bắn, thậm chí không phải vì khí [bơm vào khán phòng]. Thành thật mà nói, nhiều người đã tử vong vì không thể cử động trong môi trường ấy".

Chương lịch sử gây tranh cãi

Vụ bắt cóc con tin ở nhà hát Dubrovka là một trong những chương đen tối và gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại của Nga. Các nhà phân tích đã đổ lỗi cho các đơn vị đặc nhiệm vì thất bại trong thương thuyết với những kẻ khủng bố, vì đã sử dụng khí gây mê và không thông báo cụ thể cho bác sĩ cấp cứu về tình huống.

Thành phần của khí này chưa bao giờ được công bố. Một số quan chức còn nói rằng đó là bí mật quốc gia. Theo RT, ngay cả các bác sĩ điều trị cho các con tin cũng không được biết chính xác bệnh nhân của mình đã hít phải khí gì.

Quyết định liều lĩnh của TT Putin trong thảm kịch bắt cóc đen tối nhất lịch sử Nga - Ảnh 3.

Các con tin được lực lượng Nga đưa ra khỏi nhà hát. Ảnh: TASS

Tuy nhiên, nhiều người khác lại chấp nhận rằng việc sử dụng khí gây mê là phương án duy nhất khả dĩ đối với nhóm đánh bom tự sát có vũ trang hạng nặng và cho rằng, tình trạng của con tin đã trở nên tệ đi bởi căng thẳng cực độ và thiếu thực phẩm, nước uống.

Theo phát ngôn viên của FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga), 1/3 trong số những kẻ tấn công là phụ nữ, góa phụ của những phiến quân thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Chechnya. Họ háo hức, muốn được "hy sinh".

Ngay sau khi lao vào khán phòng nhà hát, nơi vở kịch Nord-Ost đang diễn ra, những kẻ khủng bố đeo mặt nạ đen, mang theo các khẩu Kalashnikov đã nhanh chóng đặt bom vào các cột trụ trong khán phòng, tường và chỗ ngồi. Chúng nói rằng, số bom ấy đủ để làm sập cả tòa nhà nếu quân đội Nga ập vào. Chỉ có tên thủ lĩnh Barayev lộ mặt.

Những tay súng mang theo nhiều thuốc nổ, thể hiện rõ sự quyết tâm và ra điều kiện: Nga phải chấm dứt chiến tranh ở Chechnya và rút toàn bộ quân đội khỏi đó. Tuy nhiên, ông Putin không chấp thuận.

Theo Sputnik, sau khi Liên Xô tan rã, rất nhiều khủng bố và các nhóm ly khai nổi lên ở Chechnya. Để lập lại trật tự ở khu vực đó, Moscow đã tiến hành chiến dịch chống khủng bố.

Các nhóm khủng bố được các phần tử thánh chiến ủng hộ. Vấn đề khủng bố Chechnya, vốn trở nên nghiêm trọng sau các vụ tấn công khủng bố ở Moscow và nhiều thành phố khác của Nga, là một trong những thách thức khó nhằn nhất đối với ông Putin trong nhiệm kỳ đầu.

Mặc dù một số người cho rằng chiến dịch giải cứu là một thành công không toàn diện nhưng người Nga không phải lúc nào cũng lão luyện trong những tình huống giải cứu như vậy. Lần này, đoán định của đặc nhiệm Spetsnaz gần như chính xác, Tạp chí Time nhận định.

Rất ít người kỳ vọng vụ bắt cóc có thể kết thúc thông qua đàm phán; những kẻ khủng bố tỏ ra không mấy quan tâm tới việc thương lượng.

Thời điểm tiến hành chiến dịch cũng không sai sót. Barayev đã thề sẽ bắt đầu sát hại các con tin lúc 6 giờ sáng. Nhưng chỉ hơn 1 giờ trước khi đội đặc nhiệm ập vào nhà hát, những kẻ khủng bố đã giết hại một người đàn ông và một người phụ nữ, nhà báo Olga Chernyak, một trong những con tin cho hay.

"Tôi đã nghĩ, những người Chechnya đó sẽ giết tất cả chúng tôi", Chernyak kể. Trong mắt của hầu hết những người còn sống, những người lính Nga là các vị anh hùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại