Ông Zhiwei Hu trao đổi với các sinh viên bằng tiếng Trung Quốc. Ảnh: AP
Ông Hu (52 tuổi) đã dạy 14 sinh viên Iraq theo chỉ đạo của lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Irbil. Lớp học của ông là một phần của thử nghiệm kết hợp với trường Đại học Salahaddin ở địa phương. Nếu sinh viên tốt nghiệp thành công, khoa tiếng Trung sẽ chính thức mở tuyển sinh, điều này tạo điều kiện để các công ty Trung Quốc hoạt động ở khu vực người Kurd của Iraq có thêm lựa chọn tuyển dụng.
Học viên Regin Yasin (20 tuổi) ngồi ở hàng ghế đầu lớp học chia sẻ: “Tôi muốn học tiếng Trung bởi biết rằng Trung Quốc rất có tiềm năng trong tương lai. Trung Quốc sẽ mở rộng tại đây và đó là lý do tôi chọn học Hán ngữ”.
Nhà nghiên cứu Sardar Aziz, người gần đây viết một cuốn sách về mối quan hệ Trung Quốc-Iraq đánh giá: “Đào tạo tiếng Trung cho thấy quyền lực mềm của Trung Quốc, để khiến các khu vực làm quen hơn với nước này. Càng quen thuộc, họ càng bị thu hút bởi hàng hóa Trung Quốc”.
Quan tâm của Trung Quốc đối với Iraq ngày càng gia tăng, không chỉ dừng lại ở nhiên liệu. Bắc Kinh đã xây dựng các nhà máy năng lượng, cơ sở xử lý nước và trường học trên khắp Iraq. Trung Quốc tiêu thụ tới 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Iraq. Nhưng gần đây Trung Quốc đầu tư mạnh vào những lĩnh vực khác như tài chính, vận tải, xây dựng và viễn thông.
Năm 2017, lãnh sự quán Trung Quốc tìm đến trường Đại học Salahaddin và nêu ý tưởng về khoa ngôn ngữ Trung Quốc. Việc mở một trường học ở thủ đô Baghdad mang nhiều rủi ro an ninh nhưng ở khu vực miền Bắc do người Kurd quản lý thì an ninh được coi là đảm bảo hơn.
Hiệu trưởng trường ngoại ngữ thuộc Đại học Salahaddin, ông Atif Abdullah Farhadi cho biết ban đầu trường không chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sinh viên hoặc tìm được giáo viên chất lượng. Do vậy ông Farhadi đề nghị lãnh sự quán đưa giáo viên đến, trả lương cho họ cũng như cung cấp sách, phòng học và cơ hội được học trao đổi ở Bắc Kinh.
Phía lãnh sự quán Trung Quốc đã đáp ứng các yêu cầu và khoa tiếng Trung được mở năm 2019, dự kiến lứa sinh viên đầu sẽ tốt nghiệp trong năm tới.
Các sinh viên chia sẻ việc học viết chữ Hán là phần khó khăn nhất bởi có hàng nghìn ký tự cần phải ghi nhớ. Tiếp đó là phần phát âm. Ông Hu nói: “Các sinh viên luống cuống. Nhưng sau 5 tiếng học, 5 lần mỗi tuần trong 3 năm, phát âm của họ rất tốt”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến và gặp gỡ sinh viên khoa tiếng Trung với lý do luyện tập kỹ năng ngôn ngữ. Hầu hết đều kèm theo hứa hẹn tốt đẹp cho cơ hội việc làm trong tương lai.
Một trong những viên, Hiwar Saadi cho biết: “Chúng tôi trao đổi bằng tiếng Trung Quốc và đề cập đến kinh doanh cùng tương lai. Họ đến gặp chúng tôi và tạo quan hệ”. Trong nhóm sinh viên, hiện có 2 em đang làm việc bán thời gian tại một công ty viễn thông Trung Quốc với vai trò người phiên dịch.
Các bài học còn có nội dung liên quan đến văn hóa cùng lịch sử Trung Quốc. Ông Hu thường nhắc lại cho sinh viên về quá khứ “vàng” của Bắc Kinh và Irbil. Theo đó, Iraq từng là một phần trong tuyến con đường Tơ lụa trước đây.
Cựu Đại sứ Iraq tại Bắc Kinh, ông Mohammed Saber cho biết trong thời gian công tác, các quan chức Trung Quốc cũng thường gợi nhớ về lịch sử giữa hai quốc gia. Nhiều người Trung Quốc vẫn nhớ về thập niên 50 của thế kỷ trước khi Iraq chuyển hàng tấn chà là đến giúp đỡ Trung Quốc trong nạn đói.
Khi ông Saber đảm nhận chức đại sứ năm 2004, thương mại giữa Iraq và Trung Quốc ở mức khoảng nửa tỷ USD. Vào năm 2010, khi ông mãn nhiệm, thương mại giữa hai nước ở mức 10 tỷ USD. Đến năm 2021 là gần 30 tỷ USD.