Hôm đó là ngày 10-2-2018. Đứa con út của nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il đã làm nên lịch sử khi trở thành người đầu tiên trong gia đình đặt chân đến Hàn Quốc kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1951-1953) chấm dứt.
Vào đêm trước đó, cô Kim đã tham gia lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông tại Pyeongchang - Hàn Quốc. Cô ngồi phía sau Tổng thống Moon Jae-in và xem cảnh tượng hàng trăm vận động viên diễu hành dưới lá cờ đại diện cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất.
Ngồi cùng cô Kim còn có Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng hình ảnh tích cực trước công chúng. Tuy nhiên, chuyến đi đến Nhà Xanh, nơi tổng thống Hàn Quốc làm việc, lại là một tình huống hoàn toàn khác.
Cô Kim chính là thành viên đầu tiên thuộc gia tộc cầm quyền của Triều Tiên từng đặt chân đến biểu tượng quyền lực của kẻ thù.
Cô Kim Yo-jong bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP
Vào buổi sáng sau lễ khai mạc, cô Kim bước ra từ chiếc xe màu đen và rảo bước trên thảm đỏ với phong thái tự nhiên, đầu ngẩng cao, toát ra sự tự tin như một người từng gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao của thế giới trong nhiều năm.
Khi đó, cô Kim là trưởng ban tuyên giáo của Triều Tiên và khả năng xây dựng hình ảnh của cô đã được bộc lộ rõ nét tại Hàn Quốc. Cô đã chứng minh bản thân là người phát ngôn hoàn hảo cho đất nước, một người điều hành lịch sự, có hiểu biết để phản bác những thông tin cho rằng Triều Tiên là một đất nước hạt nhân xa lạ, lạc hậu.
Ông Park Ji Won, cựu nghị sĩ Hàn Quốc và trợ lý trưởng của Tổng thống Moon, nhận xét cô Kim để lại ấn tượng về một người phụ nữ thông minh và sở hữu sự tự tin ấn tượng so với tuổi sau 4 cuộc họp. "Cô ấy giống cha và anh trai, rất thông minh, nhanh nhạy trong suy nghĩ, lịch sự nhưng vẫn làm rõ lập trường của mình" - trích lời ông Park.
Cô Kim theo dõi lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang cùng Tổng thống Moon và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (hàng dưới, bên phải). Ảnh: Reuters
Cô Kim hoàn thành chuyến đi trong 3 ngày và được tôn vinh là người giúp đặt nền móng cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Moon và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Sau cùng, cô chính là người mang lời mời của ông Kim đến Hàn Quốc.
Chuyến đi cũng tạo tiền đề cho một điều khác, một sự phát triển đã trở nên rõ ràng trong thời gian gần đây. Đó là cô Kim sắp trở thành người phụ trách vấn đề quan hệ liên Triều và cũng có thể là nhân vật quyền lực thứ 2 của Triều Tiên, chỉ đứng sau ông Kim.
Vào lúc 1 giờ (giờ địa phương) ngày 31-5, một nhóm những người đào tẩu Triều Tiên đã tập trung gần khu phi quân sự (DMZ) để thả tờ rơi chống Bình Nhưỡng vào Triều Tiên, với nội dung chắc chắn sẽ khiến những cố vấn hàng đầu của ông Kim nổi giận.
Cô Kim tuyên bố những tờ rơi này là một sự vi phạm trực tiếp đến thỏa thuận đạt được trong thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4-2018. Cô chỉ thị cắt đứt mọi liên lạc với Hàn Quốc, kể cả đường dây nóng kết nối lãnh đạo của 2 nước. Ngoài ra, cô còn yêu cầu chính phủ Hàn Quốc trừng phạt những người đào tẩu mà cô gọi là "những kẻ phản bội", theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
31 tháng trước, em gái ông Kim từng cảm ơn Tổng thống Moon vì đã hỏi thăm liệu cô có cảm thấy lạnh trong buổi lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang hay không và bày tỏ mong muốn về "một tương lai đoàn kết, thịnh vượng". Đến ngày 16-6 năm nay, cô ra lệnh phá hủy văn phòng liên lạc chung liên Triều với tuyên bố sắc lạnh: Để chính phủ ông Moon phải "trả giá đắt cho tội ác của họ".
Khói bốc lên từ thành phố biên giới Kaesong, nơi đặt văn phòng liên lạc Triều Tiên - Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Khi cô Kim còn bé, cha cô từng nói với một nhà ngoại giao Nga rằng cô có tài năng thiên phú về chính trị và dự đoán con gái có thể thành công trong tương lai. Lịch sử chứng minh ông Kim Jong-il đã đúng và quyết định phá hủy văn phòng liên lạc chung có lẽ không phải là lần cuối cùng cô Kim trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới.
Giới chuyên gia cho rằng vị thế ngày càng gia tăng của cô Kim là một chiến dịch được truyền thông Triều Tiên xây dựng công phu để báo hiệu cô đang được chuẩn bị cho một điều gì đó đặc biệt. Dù nhiều thành viên khác trong gia đình ông Kim vẫn còn sống, cô Kim Yo-jong, ông Kim Jong-un cùng cha và ông nội của họ là những người duy nhất được truyền thông Triều Tiên gọi là "dòng dõi Paektu", ám chỉ một ngọn núi thiêng ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc.
"Như các bạn thấy, cứ mỗi vài tháng, cô Kim lại được bổ nhiệm một chức vụ mới, một vị trí mới, những trách nhiệm mới... để thể hiện năng lực và trách nhiệm ngày càng gia tăng của cô" - CNN trích lời cựu chuyên gia về châu Á của Bộ Ngoại giao Mỹ Evans Revere.
Nhưng khi người dân Triều Tiên ngày càng nghe nhiều về cô Kim, họ lại thấy ông Kim Jong-un ít xuất hiện. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã biến mất bí ẩn trong một số giai đoạn của năm nay, làm dấy lên nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông. Một số chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là cô Kim đang được chuẩn bị để trở thành người kế nhiệm nếu có điều bất trắc xảy ra.
Những người khác dự đoán em gái ông Kim sắp nắm giữ vai trò như một phó tướng của anh trai, không còn đơn thuần là cố vấn. Cho dù cô Kim có trở thành ai đi chăng nữa, quyền lực chính trị là một canh bạc mạo hiểm ở Triều Tiên và những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra trong chớp mắt.